Du lịch Bến Thành kết nối đặc thù ĐBSCL

9

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù không chỉ là yêu cầu mà còn là chiến lược để tồn tại và phát triển. Với vai trò là những người kiến tạo giá trị cho ngành du lịch, công ty lữ hành không chỉ tổ chức tour mà còn phải liên tục sáng tạo ra những sản phẩm mới, mang tính độc đáo và khác biệt”, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Cần Thơ phát biểu trong cuộc hội thảo do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa tổ chức.

Chùa Dơi

Tầm quan trọng của sản phẩm du lịch đặc thù

Ông Trần Thanh Nghị phân tích việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là một yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh cho các điểm đến. Bởi nó tạo điểm nhấn độc đáo cho tour du lịch, những đặc điểm riêng biệt không thể tìm thấy ở nơi khác giúp tạo ra một hình ảnh nhận diện rõ ràng, thu hút khách du lịch muốn trải nghiệm điều mới mẻ. Đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, cho phép cung cấp các gói dịch vụ phong phú từ văn hoá, ẩm thực, phiêu lưu, sinh thái cho đến sản phẩm du lịch wellness và thiền.

Khi sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách, không chỉ giúp tăng doanh thu cho ngành du lịch mà còn lan tỏa lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động có trách nhiệm, từ việc học cách làm các món ăn truyền thống đến việc hỗ trợ các dự án bảo tồn.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu

Trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, việc liên kết chặt chẽ với cộng đồng rất quan trọng và các dự án du lịch thành công thường mang lại cơ hội cho người dân địa phương được gắn kết hơn thông qua việc chia sẻ câu chuyện và di sản của họ. Sản phẩm du lịch không chỉ về các tour hay điểm tham quan mà cũng bao gồm giá trị gia tăng thông qua các dịch vụ như hướng dẫn viên du lịch địa phương, ứng dụng tiện ích trên thiết bị di động hay quà lưu niệm mang tính biểu tượng.

Sản phẩm du lịch đặc thù thường được thiết kế với ý thức về phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội. Điều này giúp bảo vệ nguồn tài nguyên cho tương lai và còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút du khách quan tâm hơn đến du lịch có trách nhiệm. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù góp phần vào nâng cao tổng trải nghiệm của khách hàng, lôi cuốn du khách quay trở lại trong tương lai và còn giới thiệu cho bạn bè và gia đình, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực cho điểm đến.

Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong

“Nhìn chung, việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là chiến lược quan trọng để xây dựng sức hấp dẫn và bền vững cho các điểm đến. Nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hoá, môi trường tự nhiên và xây dựng cộng đồng”, ông Nghị nhấn mạnh.

Một số kết nối tuyến và điểm du lịch đặc thù ĐBSCL

Khi đã xác định được các điểm có tiềm năng, việc tiếp theo là liên kết các điểm lại để tạo thành chuỗi sản phẩm liền mạch. Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL cũng phải dựa trên các tuyến hành lang du lịch mà du khách đang sử dụng. Ông Nghị nêu ví dụ, nếu lấy TPHCM và Cần Thơ làm điểm xuất phát thì các trục du lịch chính tại ĐBSCL sẽ được xây dựng như sau.

Điểm xuất phát từ TPHCM, sẽ có trục xuyên tâm “Những nẻo đường phù sa”: TPHCM – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau với thời gian tối thiểu khoảng 03 ngày 03 đêm, Trục Đông Nam “Non nước hữu tình”: TPHCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh với thời gian tối thiểu khoảng 02 ngày 01 đêm. Trục Tây Nam “Sắc màu vùng biên”: TPHCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang với thời gian tối thiểu khoảng 03 ngày 02 đêm.

Mũi Cà Mau

Nếu từ Cần Thơ thì du khách sẽ có Tour Cần Thơ “Đô thị miền sông nước”: Chợ nổi Cái Răng – Cồn Sơn, các vườn trái cây, di tích văn hoá lịch sử với thời gian tối thiểu 01 ngày. Cùng thời gian tối thiểu 02 ngày 01 đêm có Hành trình Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau; Hành trình Cần Thơ – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang; Hành trình Cần Thơ – Vĩnh Long – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh.

Tuỳ theo đối tượng khách, đặc điểm và nhu cầu của khách hàng cụ thể mà công ty du lịch chọn chủ đề và thiết kế các điểm đến đặc thù trong chương trình tour nhằm thoả mãn nhu cầu của khách, tăng cường tính cá nhân hoá trên mỗi đoàn khách. Để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn, cần phải hiểu rõ khách hàng và khả năng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá các điểm mới thông qua việc tiếp xúc và hiểu biết từ người dân bản xứ. Một ví dụ điển hình là việc tổ chức tour homestay ở các gia đình miền Tây hay tour khám phá cuộc sống ven sông qua chợ nổi Cái Răng. Chú trọng vào việc kể câu chuyện riêng của từng điểm du lịch – câu chuyện có thể liên quan đến lịch sử, văn hoá hay sinh hoạt hàng ngày của người dân. Như trong tour “Hành trình văn hoá Mekong”, du khách được hái trái cây trong vườn, làm bánh dân gian truyền thống.

Hành trình về với cực Nam Tổ quốc

Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Cần Thơ đang có hành trình về với cực Nam tổ quốc bằng xe ô tô khá hấp dẫn, từ Cần Thơ kéo dài 2 ngày, khởi hành thứ 6 hàng tuần. Điểm nổi bật là vượt qua các cánh rừng ngập mặn để chụp ảnh cùng cột mốc tọa độ Quốc Gia – Mũi Cà Mau. Trên đường đi, dừng ở Sóc Trăng tìm hiểu cuộc sống người Khơme Nam Bộ với hệ thống chùa Khơme lớn nhất miền Tây; đến Bạc Liêu tham quan, chụp hình, nghe các giai thoại về Công tử Bạc Liêu nổi tiếng một thời của xứ Nam Kỳ.

Ngày thứ nhất: Cần Thơ-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau. Khoảng 9 giờ, đón du khách tại sân bay hoặc khách sạn, đi qua tỉnh Hậu Giang đến trưa tới thành phố Sóc Trăng. Đầu giờ chiều, tham quan Chùa Dơi, một Di tích danh thắng cấp Quốc gia, ngôi chùa Khmer có kiến trúc đặc sắc bậc nhất trong 92 ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng. Tham quan Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, tại đây du khách có thể thuê những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Khơ me, hoá thân thành những chàng trai cô gái dân tộc để chụp ảnh.

Đi trong rừng đước Mũi Cà Mau

Đi tiếp đến Bạc Liêu, khoảng 15 giờ đã có thể tham quan Nhà công tử Bạc Liêu, nghe những giai thoại về vị công tử lừng danh giàu có và ăn chơi ở Nam Kỳ lục tỉnh những năm 1930 – 1945. Cuối buổi chiều, tham quan Cánh đồng điện gió Bạc Liêu, chiêm ngưỡng và chụp ảnh với những tubin gió khổng lồ giữa biển trời.

Tiếp tục hành trình và chiều tối đến thành phố Cà Mau, dạo chợ đêm, thưởng thức đặc sản tùy ý.

Ngày thứ hai: Cà Mau-Đất Mũi-Cần Thơ. Sau bữa sáng, khởi hành đi Đất Mũi, qua các huyện Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển. Cuối buổi sáng đã đến Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn với cây đước, cây mắm cùng hệ thực vật và động vật phong phú tạo nên bức tranh đặc sắc vùng đất cực Nam Tổ quốc. Hướng dẫn viên giới thiệu quá trình hình thành vùng Đất Mũi Cà Mau, chụp ảnh lưu niệm Cột Mốc tọa độ GPS 0001 tại Đất Mũi, biểu tượng Mũi Cà Mau, điểm cuối đường Hồ Chí Minh và Cột cờ Hà Nội. Lên kỳ đài Cột cờ, ngắm toàn cảnh Đất Mũi, những cánh rừng ngập mặn không ngừng vươn ra biển cả.

Dùng cơm trưa tại nhà hàng Đất Mũi. Đầu chiều, khởi hành về Cần Thơ.

Cuối chiều đến Cần Thơ. Kết thúc tour. Du khách có thể ra sân bay để tiếp tục hành trình đường không theo kế hoạch hoặc lưu lại Cần Thơ chuẩn bị cho những trải nghiệp khám phá vùng đất Chín Rồng tiếp theo.

Để cùng Du lịch Bến Thành kết nối đặc thù ĐBSCL, chi tiết có thể liên hệ: Benthanh Tourist-Chi nhánh Cần Thơ ở số 171 Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Tel: (+84) 2923 67 68 68; Fax: (+84) 2923 735 056; Di động: Ms Thanh Tuyền 0939.595.006

SÁU NGHỆ