ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG

Điều 1. Tên gọi

1. Tên tiếng việt: Hội Chiếu sáng Việt Nam

2. Tên giao dịch quốc tế: VIETNAM LIGHTING ASSOCIATION. Tên viết tắt: VLA

3. Biểu tượng:

Biểu tượng này được đăng ký bản quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Tôn chỉ: Hội Chiếu sáng Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hội chuyên ngành, thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là một tổ chức tập hợp, đoàn kết của những Chi hội Chiếu sáng, Hội viên tập thể, Hội viên cá nhân là công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, quy hoạch, thiết kế, xây lắp, quản lý hệ thống chiếu sáng, sản xuất kinh doanh nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng và những người quan tâm đóng góp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chiếu sáng Việt Nam. Hội Chiếu sáng Việt Nam hoạt động thường xuyên, không vì mục đích lợi nhuận phù hợp với qui định của pháp luật.

2. Mục đích của hội:

a) Tập hợp, liên kết các Hội viên thành một tập thể đoàn kết để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, cập nhật các tiến bộ khoa học, công nghệ, hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng góp phần bảo vệ môi trường và quản lý chiếu sáng. Khuyến khích Hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý và hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển sự nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển không ngừng của ngành chiếu sáng tại Việt Nam;

b) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức về khoa học, công nghệ, quản lý chiếu sáng cho các tổ chức và nhân dân;

c) Đề xuất với Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ngành chiếu sáng phát triển tương xứng với sự nghiệp công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến đến đạt trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội

1. Hội Chiếu sáng Việt Nam được tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và tuân theo pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ hoạt động của Hội.

2. Hội Chiếu sáng Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương về lĩnh vực hoạt động của hội.

Điều 4. Phạm vi hoạt động

Hội Chiếu sáng Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước và được gia nhập làm thành viên của các tổ chức quốc tế về chiếu sáng theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Tư cách pháp nhân

1. Hội Chiếu sáng Việt Nam có tư cách pháp nhân, có tài khoản tại ngân hàng, có con dấu riêng, có biểu tượng, có cơ quan ngôn luận (Báo, ấn phẩm, tạp chí, Website..vv…) theo qui định của pháp luật.

2. Trụ sở của Hội: 87-89 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024.3974.5744
Email: hoichieusangvietnam@gmail.com

3. Hội có văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố thoe quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ của hội

1. Tập hợp, đoàn kết, động viên các hội viên nhiệt tình tham gia đóng góp cho sự phát triển của Hội và sự phát triển không ngừng của ngành chiếu sáng Việt Nam; sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên.

2. Phổ biến thông tin và đăng tải các công trình khoa học, công nghệ chuyên nghành:

a) Tổ chức hội thảo trao đổi kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và cả nước;

b) Xuất bản các ấn phẩm của Hội theo qui định của pháp luật;

c) Tổ chức các lớp huấn luyện chuyên đề, khảo sát học tập, trao đổi kinh nghiệm với các hội viên;

d) Tạo điều kiện hỗ trợ cho hội viên trong việc đi khảo sát học tập hoặc trao đổi thông tin trong và ngoài nước;

e) Liên hệ với các hội, các tổ chức chiếu sáng ở nước ngoài để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chiếu sáng nhân tạo. Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các tổ chức chiếu sáng quốc tế theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về các hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực chiếu sáng bao gồm:

a) Đề xuất hoặc trực tiếp triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học;

b) Điều tra thu thập số liệu phục vụ công tác tư vấn thiết kế, thi công… cho các dự án chiếu sáng;

c) Tư vấn tiếp nhận, mua bán và chuyển giao công nghệ;

d) Tham gia tổng kết các tiến bộ khoa học, công nghệ, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuển, quy chuẩn, quy trình, quy phạm có liên quan tới chiếu sáng.

4. Chủ động đề xuất với nhà nước về cơ chế, chính sách, các định hướng phát triển về kinh tế kỹ thuật, xây dựng, quản lý các hệ thống chiếu sáng.

5. Tham gia các phản biện cho các dự án chiếu sáng có quy mô tự địa phương đến toàn quốc. Phản biện các dự án đầu tư, liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực chiếu sáng.

6. Giám định chất lượng các công trình chiếu sáng, đánh giá kiểm định chất lượng cấc nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, dán nhãn sản phẩm chiếu sáng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

7. Hội Chiếu sáng Việt Nam có nhiệm vụ tuân thủ các quy định Điều lệ của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Điều 7. Quyền hạn của Hội

1. Tuyên tuyền mục đích của Hội

2. Đại diện cho các tổ chức thành viên và hội viên trong các quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến tôn chỉ, mục đích và chức năng nhiệm vụ của Hội Chiếu sáng Việt Nam.

3. Xây dựng, thông quan và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động của Hội.

4. Thực hiện các nhiệm vụ đã nêu ở điều 4.

5. Tham gia tổ chức quốc tế(hoặc khu vực) trong lĩnh vực chiếu sáng thoe quy định của pháp luật.

6. Được quyền bảo hộ của nhà nước khi thực hiện đúng những chức năng, nhiệm vụ của mình.

7. Được thành lập một số tổ chức hoạt động tư vấn, đào tạo, làm dịch vụ kỹ thuật – công nghệ và nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.

8. Được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên.

9. Tham gia ý kiến vào các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo qui định của pháp luật, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự pháp triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động.

Điều 8. Hội viên của Hội

Mọi tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp hoặc có liên quan đến chiếu sáng như quy định tại điều 2, đều có thể xin gia nhập Hội, nếu:

1. Tán thành tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội và đóng góp Hội phí theo quy định của Hội.

2. Tự nguyện làm đơn gia nhập Hội.

3. Tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội.

4. Hội viên Hội Chiếu sáng Việt Nam có quyền tham gia các hội khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Hội viên Hội Chiếu sáng Việt Nam

1. Hội viên chính thực:

a) Hội viên tập thể: Là tổ chức của Việt Nam hoạt động khoa học kỹ thuật, đào tạo, công tác quản lý chiếu sáng và quản lý hạ tầng đô thị có liên quan đến chiếu sáng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chiếu sáng;

b) Hội viên cá nhân: Là công dân Việt Nam có điều kiện tham gia mọi hoạt động của Hội; Những người có quan tâm đóng góp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chiếu sáng của Việt Nam.

2. Hội viên liên kết: Là các tổ chức, các cá nhân thuộc lĩnh vực chiếu sáng không có đủ điều kiện tham gia mọi hoạt động của Hội, nhưng tự nguyện tham gia một số hoạt động của Hội. Hội viên liên kết không có quyền đề cử, ứng cử vào Ban lãnh đạo Hội và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

Điều 10. Nghĩa vụ và quyền hạn của Hội viên

1. Nghĩa vụ:

a) Hội viên có nghĩa vụ tôn trọng Điều lệ của Hội, tham gia tích cực các nhiệm vụ của Hội như quy định tại điều 6;

b) Tuyên truyền, phát triển hội viên mới và đóng đầy đủ hội phí;

c) Bảo vệ danh dự và lợi ích hợp pháp của Hội, vận động mọi người hưởng ứng hoạt động của Hội.

2. Quyền của hội viên:

a) Được tham gia mọi sinh hoạt, thảo luận và biểu quyết các mặt công tác của Hội, bẩu cử và ứng cử vào Ban chấp hành Hội theo quy định của Điều lệ;

b) Được đề nghị giúp đơc để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn , nghiệp vụ chiếu sáng. Được hội tạo điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm mới trong các tạp chí và ấn phẩm.

c) Được cung cấp thông tin về các tiến bộ Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Quản lý – Kinh tế của ngành chiếu sáng. Được tạo điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệp với những người hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng trong và ngoài nước nằm nâng cao trình độ và phát triển sự nghiệp của Hội viên, theo qui định của pháp luâttj;

d) Được cấp thẻ “Hội viên Hội Chiếu sáng Việt Nam” và sử dụng thẻ khi tham gia các sinh hoạt và các hoạt động khác của Hội;

e) Được xin ra khỏi Hội bất kỳ khi nào có nguyện vọng. Khi ra khỏi Hội phải có đơn và nộp lại thẻ Hội viên.

Điều 11. Cơ cấu tổ chức của Hội

1. Đại hội đại biểu toàn quốc.

2. Ban chấp hành.

3. Ban thường vụ.

4. Ban kiểm tra.

5. Văn phòng và các ban chức năng.

6. Các tổ chức trực thuộc.

Điều 12. Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội

1. Nhiệm vụ của Đại hội: Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc, tiến hành thường lệ 5 năm một lần do Ban chấp hành Hội triệu tập.

2. Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban Chấp Hành Hội hoặc ít nhất 1/2 tổng số Hội viên chính thức đề nghị.

3. Nhiệm vụ của Đại hội: Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội qui định.

a) Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ đã qua;

b) Quyết định phương hướng và chương trình công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới;

c) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội(nếu có);

d) Bầu ban chấp hành Hội, Ban kiểm tra nhiệm kỳ mới của Hội;

e) Quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hội(nếu có);

f) Kiểm tra và quyết định những vẫn đề kinh tê, tài chính của Hội;

g) Thông qua nghị quyết Hội.

Điều 13. Ban chấp hành Hội

1. Ban chấp hành Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, họp mỗi năm một lần. Số lượng ủy viên Ban chấp hành Hội do Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội quyết định và trực tiếp bầu.

2. Ban chấp hành Hội có nhiệm vụ:

a. Lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc;

b. Lãnh đạo thực hiện điều lệ của Hội;

c. Quyết định về chương trình hoạt động , ngân sách, tổ chức của Hội;

d. Bầu Ban thường vụ, Chủ tịch, Tổng thư ký của Hội.

Điều 14. Ban Thường vụ Hội

1. Ban thường vụ Hội là cơ quan lãnh đạo việc thực hiện các nghị quyết của Ban chấp hành Hội giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành. Ban thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên. Số lượng ủy viên Ban thường vụ không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành Hội. Ban thường vụ định kỳ 6 tháng họp 1 lần. Các phiên họp thường vụ bất thường do Chủ tích triệu tập hoặc khi có 1/2 ủy viên thường vụ yêu cầu.

2. Ban thường vụ cử ra Ban thường trực Hội là cơ quan thường trực của Ban thượng vụ Hội gồm có Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Tổng thư ký Hội. Ban thường trực cử ra các Ban chuyên môn của Hội. Chủ tích Hội lãnh đạo, có nhiệm vụ điều hành các công việc giữa hai kỳ họp của Ban thường vụ, tổ chức và đôn đốc thực hiện các nghị quyết của Ban chấp hành và Ban thường vụ.

Điều 15. Chủ tịch Hội

1. Chủ tịch Hội do Ban chấp hành Hội bầu ra trong số các ủy viên thường vụ, có nhiệm vụ chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành, Ban thường vụ điều hành việc triển khai các nghị quyết của Ban chấp hành và ban thường vụ.

2. Quyết định thành lập văn phòng Hội, các ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc; bổ nhiệm Trưởng ban chuyên môn, Chánh văn phòng, Kế toán trưởng và người đứng đầu các tổ chức trực thuộc.

3. Ban hành các quy chế hoạt động của Hội; quyết định kết nạp và xóa tên hội viên và chịu trách nhiệm trước Pháp luật về mọi hoạt động của Hội

Điều 16. Phó chủ tịch Hội

Phó chủ tịch Hội do Ban chấp hành Hội bầu ra, được Chủ tịch Hội phân công lãnh đạo từng mặt hoạt động và phụ trách các tổ chức cơ sở của Hội. Một Phó chủ tịch Hội được Chủ tịch Hội ủy quyền thay mặt Chủ tịch Hội chủ trì các cuộc họp hoặc giải quyết các công việc của Hội khi Chủ tịch đi vắng.

Điều 17. Tổng thư ký Hội

Tổng thư ký Hội do Ban chấp hành Hội bầu ra, thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội phân công và điều hành mọi hoạt động của văn phòng Hội.

Điều 18. Ban kiểm tra của hội

1. Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay biểu quyết. Ban kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động có liên quan đến Hội của toàn thể hội viên kể cả các chức danh cao nhất của Hội.

2. Ban Kiểm tra hoạt động độc lập, làm việc theo chế độ tập thể dưới sự lãnh đạo của Đại hội; kiểm tra tổ chức thành viên, hội viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chấp hành nghị quyết, chỉ đạo và Điều lệ của Hội; kiểm tra tài chính, Ban kiểm tra có quyền yêu cầu được cung cấp những tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.

3. Ban kiểm tra xem xét giải quyết, kết luận ngững trường hợp tố cáo các tổ chức thành viên và hội viên, những trường hợp vi phạm kỷ luật, báo cáo trước Đại hội xem xét, quyết định để giao Ban chấp hành Hội ra quyết định liên quan.

Điều 19. Ban chuyên môn và tổ chức trực thuộc

Khi cần thiết, Ban thường trực Hội có thể xem xét và quyết định thành lập Ban chuyên môn, các trung tâm , dịch vụ để tạo nguồn tài chính và phục vụ cho công tác phát triển Hội và báo cáo với Ban thường vụ tại cuộc họp gần nhất. Việc thành lập các tổ chức trực thuộc Hội thep quy định của pháp luật.

Điều 20. Chi hội cơ sở

1. Chi Hội chiếu sáng cơ sở trực thuộc là tổ chức cơ sở của Hội chiếu sáng Việt Nam. Chi hội cơ sở là tổ chức không có tư cách pháp nhân, do Hội thành lập tại các địa phương gồn các đơn vị hoạt động nghề nghiệp và tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến chiếu sáng khi có từ 10 hội viên chính thức trở lên.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Chi hội cơ sở là Đại hội toàn thể hội viên, tiến hành thường kỳ 5 năm một lần. Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất 2/3 số ủy viên Ban chấp hành Chi hội hoặc ít nhất 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị.

3. Đại hội Chi hội có nhiệm vụ:

a. Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của Chi hội trong nhiệm kỳ đã qua;

b. Quyết định phương hướng và chương trình công tác của Chi hội trong nhiệm kỳ tới;

c. Bầu Ban chấp hành Chi hội, Ban kiểm tra Chi hội và bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp trên;

d. Thảo luận và tham gia ý kiến cho báo cáo hoạt động, chương trình công tác, Điều lệ của tổ chức Hội cấp trên.

4. Ban chấp hành Chi hội cơ sở có nhiệm vụ thi hành nghị quyết của Đại hội cấp mình và chỉ thị, nghị quyết của Hội cấp trên; lãnh đạo thực hiện công tác của Chi hội giữa hai nhiệm kỳ Đại hội; bầu Chi hội trưởng, Thư ký và các ủy viên thường trực. Ban chấp hành Chi hội họp thường kỳ 6 tháng một lần. Họp bất thường của Ban chấp hành Chi hội do Chi hội trưởng triệu tập hay khi có quá 1/2 số ủy viên Ban chấp hành Chi hội hoặc Ban chấp hành Hội cấp trên yêu cầu.

Điều 21. Nguồn thu của Hội

1. Hội phí do hội viên đóng góp.

2. Tài trợ, quà tặng của các cá nhân tổ chức trong, ngoài nước theo qui định của pháp luật.

3. Hỗ trợ kinh phí của Nhà nước theo nhiệm vụ được ủy quyền.

4. Kinh doanh dịch vụ theo qui định của pháp luật.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác. Kinh phí thu được từ các nguồn thu không được chia cho hội viên.

Điều 22. Các khoản chi chủ yếu của Hội

1. Chi hoạt động hành chính, trợ cấp trách nhiệm.

2. Chi cho các hoạt động chuyên môn, đối ngoại.

3. Chi phí về khen thưởng.

4. Các khoản chi hợp pháp khác.

Điều 23. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính

1. Tài sản, tài chính của Hội được quản lý, sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành do Bộ Tài chính qui định, nhằm mục đích phục vụ các hoạt động phát triển của Hội.

2. Việc quyến đoán thu chi tài chính phải được báo cáo bằng văn bản trong các kỳ họp của Hội và Đại hội đại biểu.

3. Ban thường vụ Hội quy định cụ thể Quy chế quản lý và sử dụng tài sản, tài chính của Hội.

Điều 24. Phương thức giải quyết tài sản, tài chính khi giải thể

1. Tài sản, tài chính do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ; tài sản, tài chính do Nhà nước hỗ trợ, mà Hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài sản và thanh toán các khoản nợ thì số tài sản, số dư tài chính còn lại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Đối với nguồn tài sản, tài chính tự có của Hội, mà Hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài sản và thanh toán các khoản nợ sau khi Hội giải thể thì số tài sản, số dư tài chính còn lại được giao lại cho Nhà nước.

Điều 25. Khen thưởng

1. Hội viên, các tổ chức thành viên có nhiều thành tích thì đượckhen thưởng theo quy định của Hội và của Nhà nước.

2. Hội xét khen thưởng đối với các tổ chức thành viên và hội viên có thành tích xuất sắc, đóng góp trí tuệ,sức lực và vật chất xây dựng, phát triển Hội. Các hình thức khen thưởng: tuyên dương, bằng khen, ghi sổ vàng danh dự.

3. Hội đồng khen thưởng do Chủ tịch Hội làm Chủ tịch Hội đồng, Tổng thư ký Hội làm Phó Chủ tịch Hội đồng và một số ủy viên do Ban chấp hành phân công.

4. Ban thường vụ Hội qui định cụ thể thẩm quyền, thủ tục, tiêu chuẩn khen thưởng.

Điều 26. Xử lý vi phạm

1. Người nào vi phạm quyền lợi Hội, lợi dụng danh nghĩa Hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật; Trường hợp gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Hội viên vi phạm Điều lệ Hội, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, đến sự thống nhất của Hội thì tùy theo mức độ sai phạm chịu các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo tước quyền sinh hoạt có thời hạn hoặc khai trừ ra khỏi Hội.

3. Ban thường vụ Hội qui định cụ thể nội dung, trình tự, thủ tục và hình thức xử lý vi phạm.

Điều 27. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ

1. Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chiếu sáng Việt Nam mới có quyền sử đổi, bổ sung Điều lệ.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải được ít nhất hai phần ba (2/3) số đại biểu có mặt tại Đại hội tán thành và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ Hội Chiếu sáng Việt nam gồ 7 chương, 28 điều, đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội Chiếu sáng Việt Nam thông qua ngày 9 tháng 11 năm 2008, và có hiệu lực thi hành theo Quyết định của Bộ Nội vụ phê duyệt.

2. Căn cứ các quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban chấp hành Hội Chiếu sáng Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này.