Vietravel liên kết “Hương sắc đồng bằng”

3

“ĐBSCL có cả một tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, với hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Những ưu thế này, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của khẩn hoang Phương Nam góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù mà chỉ khi đến với vùng đất mới có thể trải nghiệm được”, bà Lê Đình Minh Thy-Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ phát biểu trong cuộc hội thảo ngày 29/3/2024 do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức ở Cần Thơ.

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ phát biểu tại cuộc hội thảo do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức ở Cần Thơ hôm 29/3/2024

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, Vietravel đang khai thác rất tốt các dòng sản phẩm du lịch đồng bằng, trong đó có những hành trình liên tuyến từ Cần Thơ qua nhiều địa phương đến Mũi Cà Mau (4 ngày 3 đêm) đã trở thành Tour tiêu chuẩn.

Hành trình đến Mũi Cà Mau

Với 4 ngày 3 đêm bằng xe tham quan có 16, 29, 30, 34, 45 chỗ tùy lượng khách.

Ngày thứ nhất: Xe đón khách tại 190 Pasteur (quận 3, TPHCM) chạy đường cao tốc giữa những cánh đồng lúa và vườn cây trái, đến bến đò Cô Bắc (Bình Thủy, Cần Thơ). Qua sông tham quan cụm du lịch cộng đồng Cồn Sơn, ngôi làng du lịch cộng đồng độc đáo giữa lòng phố thị cùng trải nghiệm nuôi cá lồng bè trên sông Hậu, nghề truyền thống thủ công và làm bánh dân gian. Ở đây có trình diễn “Cá Lóc Bay”, “Cá Trê Gà” nổi tiếng.

Xem “cá lóc bay” trên Cồn Sơn (Bình Thủy, Cần Thơ)

Buổi chiều tham quan Đền thờ Vua Hùng ở quận Bình Thủy. Buổi tối dạo phố khám phá Tây Đô lung linh sắc màu với Chợ đêm Ninh Kiều, Đường Bích họa Cần Thơ xưa và nay, ngắm Cầu Cần Thơ giăng đèn trên sông Hậu.

Ngày thứ hai, ra Bến Ninh Kiều xuống thuyền du ngoạn sông Cần Thơ đến Chợ nổi Cái Răng –Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia rồi đi tỉnh Bạc Liêu. Ở Bạc Liêu, thăm nhà công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919, một ngôi biệt thự bề thế nhất Nam Kỳ lúc đó. Sau bữa trưa, đi tỉnh Cà Mau và giữa đường, dừng chân tham quan Nhà thờ Tắc Sậy luôn đông nghịt người. Chiều tối đến Cà Mau.

Ngày thứ ba, về Đất Mũi. Tại Đất Mũi, ngồi ca nô len lỏi rừng đước, khám phá khu rừng ngập mặn lớn thứ hai thế giới với hệ sinh thái đa dạng có vẻ đẹp hoang dại cùng bầu không khí đặc biệt trong lành. Tham quan Cột cờ Đất Mũi được phỏng theo kiến trúc Cột cờ Hà Nội, lên kỳ đài cao hơn 41 mét phóng tầm mắt bao quát bãi bồi với vẻ đẹp hùng vĩ của rừng đước bạt ngàn không ngừng lấn biển Đông mênh mông.

Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau

Buổi chiều, trở về tỉnh Bạc Liêu tham quan chùa Xiêm Cán lộng lẫy sắc vàng với hoa văn tỉ mỉ đậm dấu ấn Khmer Nam Bộ, nghe giới thiệu Phật giáo Nam Tông. Ra cánh đồng Điện Gió chiêm ngưỡng những tua-bin gió khổng lồ sừng sững 80 mét giữa biển và trời xanh. Đêm nghỉ lại Bạc Liêu.

Nhày thứ tư, tham quan Quảng trường Hùng Vương có cây đàn kìm cách điệu cao 18,6 mét, một nhạc cụ chủ đạo trong đờn ca tài tử. Đến Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu để nghe bản Dạ cổ Hoài lang bất hủ.

Buổi chiều, đi Sóc Trăng tham quan hai ngôi chùa nổi tiếng. Chùa Sà Lôn, còn gọi là chùa Chén Kiểu, có hàng vạn mảnh chén ốp trên các chi tiết kiến trúc thể hiện nét văn hóa độc đáo của người Khmer. Chùa Wat Pătum Wôngsa Som Rông, quần thể kiến trúc Phật giáo gồm nhiều công trình: Chánh điện, bảo tháp “vạn người mê” đẹp tựa chùa Arun tại Thái Lan, đặc biệt là bức tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm dài 63 mét.

Kết thúc hành trình ĐBSCL, quay về TP HCM tại điểm khởi đầu.

Đậm đà ẩm thực Việt gây nhớ thương

Hành trình du lịch ĐBSCL luôn đậm đà hương sắc đồng bằng, hành trình của Vietravel còn tập trung mời du khách thưởng thức những món ăn tiêu biểu trên bản đồ ẩm thực Việt.

Ngày thứ nhất, khi đến Cồn Sơn (Bình Thủy, Cần Thơ) sẽ đến từng nhà để thưởng thức từng món ngon chỉ có ở đây: Bánh xèo sắc màu nổi bật từ thảo mộc; Cá lóc nướng trui thuở khẩn hoang; món “cá tỉ đô” Lẩu cá tra nấu trái bần đậm mỹ vị “hương đồng gió nội”.

Bánh hỏi mặt võng Út Dzách

Buổi tối ở trung tâm Cần Thơ, du khách thưởng thức những món ăn đậm đà tình sông nước, dân dã và hào phóng như phong cách con người nơi đây: Cá he kho rục béo ngậy hòa lẫn vị ngọt của mía; Lẩu mắm như bản hòa ca nhịp nhàng giữa vị mắm đậm đà với nhiều sản vật tươi ngon của vùng nước phù sa; Chả giò rế có nguồn gốc bản địa xa xưa.

Ngày thứ hai, sau khi trải nghiệm Chợ nổi Cái Răng, du khách xuôi kinh Xáng Xà No chiêm ngưỡng “con đường lúa gạo” của vùng Tây sông Hậu. Dừng chân ở lò Bánh hỏi mặt võng Út Dzách, một đặc sản “đệ nhất Tây Đô”, xem nghệ nhân làm và thưởng thức bánh hỏi mặt võng kim tiền thơm ngon. Trong không gian đậm chất miệt vườn sông nước, nếm Cá thát lát rút xương tẩm gia vị; Gỏi củ hủ khóm giòn ngọt thanh; Gà vườn om dâu thịt dai ngọt hòa vị chua thanh dâu Hạ Châu. Những món đặc sản cây trái có theo mùa.

Cua Cà Mau nướng muối tuyết

Ngày thứ ba, đến Đất Mũi, bữa trưa ghé Khu du lịch cộng đồng Hoàng Hôn có những đặc sản trứ danh mang bản sắc ẩm thực Đất Mũi. Đó là: Cua nướng muối tuyết; Cá thòi lòi nướng muối ớt; Vọp hấp gừng; Cá kho trái giác và Rượu trái giác trứ danh. Trở lại Bạc Liêu tham quan Khu nhà công tử Bạc Liêu và tại địa điểm từng tổ chức các cuộc thi “đấu xảo sắc đẹp” nổi tiếng Nam Kỳ một thời, bữa tối thưởng thức Bánh tằm bì đầy đủ hương vị mặn, ngọt, béo thơm gây thương, gây nhớ.

Cốm dẹp trộn dừa dẻo thơm của người Khmer

Ngày thứ tư, đến tỉnh Sóc Trăng trải nghiệm chương trình cùng nghệ nhân làm cốm dẹp trộn dừa dẻo thơm của người Khmer miền Tây Nam Bộ. Bữa trưa, thưởng thức đặc sản Cá kèo nướng ống sậy dân dã vị đồng quê; Bánh cống đặc sản của người Khmer Sóc Trăng; Bún nước lèo đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực Sóc Trăng kết hợp hài hòa hai dân tộc Kinh – Khmer. Và đương nhiên không thể thiếu cơm nấu bằng gạo ST25 thơm ngon, loại gạo được mệnh danh ngon nhất thế giới.

Sáu Nghệ