*Chiều 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Paulo Medas, Trưởng đoàn và các thành viên đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có chuyến công tác đánh giá định kỳ tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đánh giá, dự báo, tư vấn chính sách từ phía IMF về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và triển vọng, rủi ro trong năm 2025, khuyến nghị của đoàn cho Việt Nam trong thời gian tới; triển vọng tình hình tài chính, tiền tệ thế giới sau các diễn biến gần đây, cũng như ảnh hưởng tới Việt Nam. Các ý kiến của IMF là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho quá trình hoạch định các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, kinh tế Việt Nam, mặc dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài, nhưng vẫn đạt được những kết quả quan trọng.
Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2024 và định hướng lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, thu hút FDI, ngân sách Nhà nước, chính sách tiền tệ, tài khóa, xuất nhập khẩu…, Thủ tướng đánh giá cao hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và IMF trong thời gian qua, trong đó có các khuyến nghị quan trọng của Đoàn tham vấn Điều IV dành cho Việt Nam; đề nghị IMF tiếp tục đồng hành, duy trì các hoạt động đối thoại, tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô với Việt Nam trong thời gian tới.
Về phần mình, ông Paulo Medas cho biết, IMF ghi nhận những thành tựu phát triển rất ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua, vượt qua nhiều cú sốc khác nhau; đánh giá cao những kết quả của năm 2024 khi Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt.
Ông cũng đánh giá cao chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc duy trì lạm phát ổn định theo mục tiêu. Đây cũng là những nền tảng cho tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đối mặt những thách thức lớn từ môi trường bên ngoài trong thời gian tới, như khả năng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, rất nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới thị trường tài chính và khiến các nước mới nổi dễ bị tổn thương.
Hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Paulo Medas cho biết, các nhà đầu tư đánh giá cao và rất quan tâm tới việc mang nguồn lực tới Việt Nam, trong đó có thị trường trái phiếu.
Đánh giá Việt Nam còn dư địa tài khóa lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ông Paulo Medas khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chủ động ứng phó với những rủi ro từ bên ngoài; tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn; tiếp tục cải cách để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng lâu dài, bền vững và kiểm soát tốt các rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư… Ông khẳng định IMF luôn sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam.
*Tối 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) Kuroiwa Yuji, cùng đoàn đại biểu tỉnh đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn tình cảm mà Thống đốc Kuroiwa Yuji dành cho Việt Nam, cũng như những nỗ lực trong thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa tỉnh Kanagawa với Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ và cụ thể hóa hơn nữa quan hệ hợp tác giữa tỉnh với Việt Nam, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở Kanagawa có tiềm lực mạnh về kinh tế và các địa phương của Việt Nam có nhiều tiềm năng bổ sung cho nhau, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, hợp tác địa phương qua nhiều hình thức linh hoạt; tỉnh Kanagawa tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả với các tỉnh, thành phố của Việt Nam; thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Kangawa vào Việt Nam và nâng cao kim ngạch thương mại song phương, đưa nông sản Việt Nam vào Nhật Bản; tăng cường hợp tác về nguồn nhân lực, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi.
Hoan nghênh Bộ Y tế Việt Nam và Chính quyền tỉnh Kanagawa ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Thủ tướng đề nghị tỉnh đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội nói chung và trong lĩnh vực y tế, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng sống của người dân và ứng phó già hóa dân số.
Về phần mình, Thống đốc Kuroiwa Yuji cho biết, trong chuyến thăm lần này đã gặp lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam, tổ chức hội thảo đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin tại TPHCM, lễ hội Kanagawa về giáo dục tại Đà Nẵng, lễ hội Kanagawa để quảng bá văn hóa tại Hà Nội…
Ông khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác, nhất là các nội dung mà Thủ tướng đã có ý kiến.
Tỉnh Kanagawa là một trong những trung tâm kinh tế của Nhật Bản, có thế mạnh về ngành công nghiệp nặng, thương mại và ngành dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao và y tế; có gần 40 doanh nghiệp tỉnh đang đầu tư tại Việt Nam và gần 20 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại tỉnh. Kanagawa là một trong 5 địa phương có số người Việt Nam lưu trú, học tập và lao động lớn nhất Nhật Bản với gần 30.000 người.
Thống đốc Kuroiwa Yuji đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Nhật Bản; từng cùng đoàn đại biểu chính quyền, doanh nghiệp tỉnh thăm Việt Nam 7 lần./.
Theo CTTCP