Thời nào cũng vậy chiếu sáng đô thị không chỉ mang lại ánh sáng về đêm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội mà còn góp phần tăng vẻ đẹp thành phố, kiến trúc, tôn vinh mỹ quan, từ các hình thức sơ khai ban đầu như dùng lửa, đèn sợi đốt, đèn cao áp… đến nay là đèn đường LED thì đây là một điều không thể thiếu được dù ở quốc gia nào trên thế giới.
Tóm tắt: Tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng đô thị tăng, chất lượng đô thị ngày càng được cải thiện, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; các đô thị Việt Nam đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh thì chiếu sáng đô thị – chiếu sáng LED, chiếu sáng thông minh đang là nhu cầu không thể thiếu được và ngày càng phải đáp ứng cho phù hợp. Bài viết khái quát về phát triển đô thị Việt Nam, những ưu điểm của sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED cũng như những vấn đề đặt ra cần giải quyết để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển..
Trong những năm qua, với chính sách đổi mới, hội nhập và sự phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, hệ thống đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến tháng 6/2018, hệ thống đô thị Việt Nam có 819 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa 37,8% . Dự báo đến năm 2020 có 870 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38% và dự báo đến 2025 có 1000 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50%. Việc cung cấp các dịch vụ công đã có những cải thiện đáng kể góp phần quan trọng trong cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Chiếu sáng đô thị không chỉ mang lại ánh sáng về đêm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội mà còn góp phần tăng vẻ đẹp thành phố, kiến trúc, tôn vinh mỹ quan đô thị văn minh hiện đại. Với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, trong khi đời sống con người ngày càng hướng đến văn minh, hiện đại thì nhu cầu chiếu sáng cho các mục đích như sinh hoạt, công cộng, sản xuất ….là một nhu cầu không thể thiếu được. Hệ thống chiếu sáng đô thị tiết kiệm, thân thiện môi trường được xem là hợp phần quan trọng trong phát triển đô thị.
Tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 đã xác định:
Phát triển chiếu sáng đô thị gắn liền với phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo văn minh đô thị. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo trong hoạt động chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng điện – năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị, từng bước hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị, đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc văn minh hiện đại.
Trong một số quy định hiện hành về phân loại đô thị (Nghị quyết của UBTV QH số 1210/2016/UBTVQH13) thì tiêu chí và chỉ tiêu về chiếu sáng đã được xác định và yêu cầu phải đảm bảo thì mới đủ điều kiện phân loại đô thị hay trong QĐ số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn năm 2018-20125 định hướng đến năm 2030 thì “Phát triển chiếu sáng thông minh” là một trong những lĩnh vực được ưu tiên tập trung đầu tư trong những năm tới.
Hiện nay, công nghệ chiếu sáng LED (Light Emitting Diode) được xem là công nghệ chiếu sáng của thế kỷ 21 với ưu điểm cho hiệu suất chiếu sáng vượt trội. Với tính linh hoạt cao và thân thiện với môi trường, đèn LED ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Khả năng tiết kiệm năng lượng mà đèn LED mang lại rất rõ, từ 50% đến 70% so với các đèn truyền thống, đặc biệt là đèn cao áp thủy ngân. Ngoài ra, với tuổi thọ cao gấp 5-10 lần so với đèn truyền thống có cùng công năng, đèn LED đặc biệt hiệu quả khi đưa vào chiếu sáng công cộng và ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng còn giúp giảm thiểu đáng kể chi phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng, nhờ đó tiết kiệm đáng kể cho ngân sách .
Với ảnh hưởng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo, cuộc sống hàng ngày của chúng ta đang từng bước thay đổi. Việc ứng dụng Internet của vạn vật (IoT) đã dần trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện tại. Dường như mọi thứ đều có thể được kết nối và sẽ được kết nối. Các thiết bị thông minh cá nhân không còn phải là phương tiện duy nhất giúp con người tham gia kết nối. Thậm chí, các cơ sở hạ tầng công cộng cũng được kết nối giống như những công nghệ mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Hệ thống chiếu sáng thông minh mà trong đó hệ thống được điều khiển linh hoạt điều chỉnh độ sáng, điều chỉnh màu sáng phù hợp; cho phép tích hợp chiếu sáng với các chức năng của môi trường được chiếu sáng, tận dụng ánh tự nhiên và tiết kiệm năng lượng, an toàn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Hệ thống chiếu sáng thông minh có thể bao gồm các thành phần chính: (1) Nguồn sáng LED đang là nguồn sáng tối ưu cho kỹ thuật chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả); (2) Cảm biến ( cảm biến hồng ngoại thụ động và cảm biến ra dar); (3) Bộ điều khiển (Công tắc, cảm biến phá hiện di chuyển, bộ điều khiển từ xa, smartphone, các thiết bị tính toán) và bộ điều khiển chiếu sáng thông minh cho phép điều khiển từ xa các đèn LED và không LED ở bất kỳ nơi nào..; (4) Mạng truyền thông (Kết nối có dây và kết nối không dây)
Trong xu thế phát triển đô thị thông minh, bền vững, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Nhiều thành phố trên khắp thế giới đã triển khai hàng loạt dự án đổi mới công nghệ đèn LED ở các quy mô khác nhau. Hệ thống chiếu sáng công cộng trong các thành phố này sử dụng các đèn LED được vận hành từ xa bằng một phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh. Các bộ đèn này được kết nối không dây với nhau và được quản lý từ xa trên màn hình máy tính hoặc điện thoại di động, được lập trình sẵn thời gian bật tắt, tăng, giảm sáng và các chức năng thông minh khác. Việc triển khai các hệ thống này không chỉ đảm bảo cung cấp chất lượng ánh sáng tốt hơn, an toàn giao thông được cải thiện mà còn tiết kiệm chi phí điện năng, giảm thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Tại Việt Nam, đèn LED đã được sử dụng phổ biến, nhất là tại các nhà máy, tòa nhà văn phòng, công trình kiến trúc, khu thể thao, khu vực công cộng, đường phố, quảng trường mới xây dựng . Nhiều thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Vũng tàu, Nha trang…. trên nhiều trục đường phố đã triển khai thay thế đèn cao áp truyền thống bằng đèn LED. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh trung tâm điều khiển và giám sát chiếu sáng đến tủ điều khiển…..
Tuy nhiên việc ứng dụng đèn LED đại trà vẫn gặp phải nhiều rào cản, khó khăn và thách thức, mặc dù công nghệ mới này đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Mặt khác việc chiếu sáng LED chưa được giám sát kiểm tra và còn thiếu quá nhiều các quy định chung về quản lý đặc biệt thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay quy định riêng về chiếu sáng LED cho đường phố, các khu vực công cộng…. Việc chiếu đèn LED tại một số đô thị đang có nguy cơ gây ô nhiễm ánh sáng. Việc lạm dụng chiếu sáng Led từ các công trình nhà cao tầng, cửa hàng, các khu vực công cộng và trên đường phố có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ví dụ tại Hà Nội: Nhiều nhà cao tầng được phủ lớp bóng điện chớp biến toàn bộ tòa nhà thành màn hình khổng lồ, nhấp nháy liên tục chiếu sáng cả một khu vực (Thăng Long Number One; Diamond Town….). Tại tòa nhà Eurowindow.. mỗi buổi tối đi qua đây người dân đều choáng ngợp bởi tòa nhà rực sáng ánh đèn chói lòa, quáng mắt gây mất tập trung ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Để đẩy nhanh ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt Chiếu sáng LED, chiếu sáng thông minh đồng thời tăng cường các công cụ kiểm tra, giám sát một số nhiệm vụ đề xuất như sau:
Một là, Cần có sự đánh giá một cách tổng hợp và toàn diện về thực trạng chiếu sáng các đô thị (Nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, điện cho chiếu sáng, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng; nguồn lực, năng lực ..) và thực trạng năng lực sản xuất, năng lực thiết kế, xây lắp… để từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, định hướng nhiệm vụ từng bước có kế hoạch đầu tư xây dựng..
Hai là, Lập quy hoạch chiếu sáng trong đó có nội dung chiếu sáng thông minh trong quy hoạch đô thị
Ba là, Ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển chiếu sáng LED – chiếu sáng thông minh trong các khu vực công cộng đô thị.
Bốn là, Nghiên cứu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến chiếu sáng LED (thiết kế, xây dựng, sản xuất vật tư, thiết bị, kiểm soát, kiểm tra, vận hành, khai thác…). Các quy định về giám sát, kiến trúc chiếu sáng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến chiếu sáng nhà cao tầng, chiếu sáng trang trí, chiếu sáng đường phố, hầm và quảng trường, chiếu sáng trong nhà cần sớm được nghiên cứu để đưa vào cuộc sống.
Năm là, Nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng chiếu sáng LED – chiếu sáng thông minh trong đô thị (vốn, thuế doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, giá , công tác đấu thầu,…) và chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển chiếu sáng đặc biệt ứng dụng cộng nghệ mới.
Sáu là, Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực trong thiết kế, xây lắp, quản lý, vận hành, bảo trì, duy tu sửa chữa hệ thống chiếu sáng LED (xác định nhu cầu, xây dựng chương trình, tổ chức các khóa đào tạo cho từng đối tượng…..). Từ nay đến cuối năm, dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” sẽ tổ chức 2 khóa đào tạo tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Bảy là, Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tính ưu việt và những hạn chế của chiếu sáng thông LED, cập nhật tiến bộ khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong chiếu sáng thông minh.
Thay lời kết: Một đô thị hiện đại, thông minh không thể thiếu ánh sáng, chiếu sáng LED đã, đang và sẽ làm cho đô thị ngày đẹp hơn, khang trang hơn và mang nhiều dấu án và bản sắc hơn. Đô thị phát triển tạo tiền đề cho ngành chiếu sáng phát triển. Cảm ơn Dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” đã tạo cơ hội cho việc thay đổi nhận thức trong sử dụng và phát triển công nghệ mới; tạo cơ hội cho nhà sản xuất sản xuất các sản phẩm chiếu sáng chất lượng cao…Hy vọng với sự giúp đỡ của UNDP/GEF thông qua các hoạt động của Dự án, ngành chiếu sáng Việt Nam tiếp tục phát triển.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam