Cáp quang biển gặp sự cố không còn là điều quá xa lạ với người dùng. Thậm chí, có đôi khi cùng lúc có tới 2, 3 tuyến cáp quang gặp sự cố, sự cố trên tuyến cáp này chưa khắc phục xong thì tuyến cáp khác lại tiếp tục đứt. Điều này khiến nhiều người dùng không khỏi thắc mắc, tại sao cáp quang biển liên tục đứt.
Tại sao cáp quang biển liên tục đứt?
Trên thực tế cáp quang biển gặp sự cố không phải là điều hiếm gặp và có một số khu vực sẽ có tần suất xảy ra tình trạng đứt cáp quang cao hơn so với khu vực khác.
Để tìm hiểu nguyên nhân, đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về cấu tạo của các loại cáp quang ngầm dưới biển.
Cấu tạo của sợi cáp quang biển.
Nếu bạn nghĩ rằng cáp quang biển phải được đặt trong 1 hệ thống ống ngầm bao bọc kỹ càng thì bạn đã sai. Các tuyến cáp quang biển có chiều dài lên tới hàng chục ngàn km nên chúng được thiết kế với nguyên tắc gia cường ở gần bờ và rất mỏng manh ở ngoài khơi xa.
Thực tế, cáp ngầm biển thường chỉ là những sợi dây được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển mà thôi. Ở gần bờ các tuyến cáp quang ngầm mới được gia cường bởi thép bện và các lớp tăng cường khác. Nguyên nhân là do ở gần bờ thì mực nước nông và các hoạt động hàng hải nhiều, kéo theo khả năng mỏ neo của 1 con tàu nào hay các loại lưới rà đáy biển móc phải tuyến cáp gây hư hại cao.
Dù cáp quang biển ở gần bờ được gia cường nhiều hơn nhưng vẫn rất dễ bị đứt nếu bị mỏ neo của 1 con tàu chở hàng cỡ vài chục nghìn tấn móc phải và rê đi.
70% các vụ đứt cáp quang trên biển là do mỏ neo tàu bè và các hoạt động đánh bắt cá của con người gây ra. Điều này giải thích tại sao các vụ đứt cáp chỉ xảy ra ở 1 số vùng nước nhất định.
Mức nước ở vùng biển Đông của Việt Nam (đặc biệt là khu vực Vũng Tàu, nơi tuyến cáp AAG đổ bộ lên đất liền) tương đối nông. Trong khi đó, hoạt động tàu bè xung quanh khu vực này lại rất lớn. Vì vậy, đây là những vùng biển dễ xảy ra tình trạng đứt cáp ngầm biển do mỏ neo của tàu thuyền.
30% các vụ đứt cáp còn lại chia đều cho các nguyên nhân sau:
- Sự phá hoại có chủ đích của con người.
- Do thiên tai như động đất, núi lửa ngầm hoặc trượt bùn, giông bão.
Nhiều quốc gia đã cố gắng khắc phục tình trạng đứt cáp quang biển thường xuyên bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng đều không có hiệu quả. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện giờ vẫn là đứt thì nối.
Không thể hạn chế được sự cố với các tuyến cáp biển, nhưng chúng ta có thể hạn chế ảnh hưởng của chúng với chất lượng dịch vụ Internet bằng một số cách như sử dụng nhiều kênh truyền dẫn khác nhau, không dồn lưu lượng trên 1,2 kênh lớn và khai thác gần cạn kiệt cả băng thông dự trữ rồi ngồi chờ cáp đứt mà phải tăng tỉ lệ băng thông/dung lượng kết nối thực.
Chênh lệch về số lượng cáp quang biển
Có sự chênh lệch lớn về số lượng cáp quang biển giữa các nước trên thế giới. Các quốc gia phát triển có hệ thống cáp quang biển lớn như Mỹ (91), Anh (54), Nhật Bản (26). Trong khi đó, nhiều nước khác trên thế giới chỉ có một tuyến cáp duy nhất để kết nối Internet, hoặc hai nếu may mắn.
Theo thống kê của TechRadar Pro vào tháng 8/2020, có 19 nước, chiếm 10% quốc gia trên toàn cầu, chỉ được hỗ trợ bởi một tuyến cáp quang biển duy nhất. Trong đó có những quốc gia có dân số đông như Azerbaijan, Kazakhstan, Sierra Leone…
Có 11 quốc gia trên thế giới với tổng số người dùng gần 450 triệu dùng hai tuyến cáp quang biển.
Tại những quốc gia này nếu sự cố xảy ra thì kết nối Internet sẽ bị ngắt.
Số lượng cáp quang biển của Việt Nam là 7, với dân số hơn 97 triệu dân, hơn 68 triệu người sử dụng Internet. Có nghĩa trung bình 14 triệu dân trên một tuyến cáp, ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, Thái Lan có 10 tuyến trên 69,8 triệu dân, Malaysia 22 tuyến trên 32,3 triệu dân, Singapore có 30 tuyến cáp trên 5,85 triệu dân.
7 tuyến cáp kết nối tới Việt Nam gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC. Trong đó tuyến SMW3 đã được khai thác từ năm 1999 và chuẩn bị phải thanh lý, còn 2 tuyến khác là AAG và IA cũng đã vận hành từ 2009, đã 12 năm. Những tuyến cáp quang biển Việt Nam đứt trung bình 10 lần mỗi năm trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây.