Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL

6

Ngày 29/3, tại thành phố Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở VHTT&DL thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Xây dựng, phát triển tour – tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL” có nhiều lãnh đạo, chuyên gia và doanh nghiệp tham dự.   

Quang cảnh hội thảo

Không gian du lịch phía Tây và phía Đông

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Hữu Hiệp cho biết, ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch quốc gia, có 2 không gian du lịch rõ nét. Không gian du lịch phía Tây gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, thành phố Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là trung tâm điều phối khách cho toàn vùng. Định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội.

Không gian du lịch phía Đông gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay). Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường nhấn mạnh về liên kết và ứng dụng công nghệ số để phát triển

“Các không gian du dịch sẽ được rộng mở từ Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL và liên kết từ 13 bản quy hoạch của các địa phương trong vùng. Giao thông là mạch máu nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng. Quy hoạch ĐBSCL đến năm 2030, đầu tư xây mới và nâng cấp 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa”, ông Hiệp nói.

Tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa sông nước

Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Cần Thơ Trần Thanh Nghị phân tích tiềm năng du lịch ĐBSCL:

Hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL là mạch máu của khu vực, yếu tố thu hút khách du lịch. Du khách có thể trải nghiệm cuộc sống sông nước qua các tour đi thuyền trên các con kênh, rạch nhỏ hay chợ nổi – một nét văn hoá đặc trưng của người dân ĐBSCL. Vùng đất có cảnh quan thiên nhiên rất đa dạng từ các khu rừng ngập mặn, rừng tràm U Minh tới các vườn quốc gia mang lại cơ hội cho du lịch sinh thái và nhu cầu quan sát chim, thú hoang dã.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đang hấp dẫn du khách gần xa

Văn hoá ĐBSCL được biểu hiện qua âm nhạc dân gian như Đờn ca tài tử – loại hình âm nhạc đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể của nhân loại. Các lễ hội truyền thống, kiến trúc chùa chiền và di tích lịch sử gắn liền với cuộc sống của người dân miền sông nước cũng góp phần vào việc thu hút khách du lịch.

Ẩm thực ĐBSCL là sự kết hợp giữa nguyên liệu tươi ngon từ sông và các công thức chế biến truyền thống. Món ăn ở đây không chỉ ngon miệng mà còn phản ánh cuộc sống và văn hoa của người dân.

Một trong những tiềm năng lớn của ĐBSCL là du lịch cộng đồng, nơi khách du lịch có cơ hội sống và làm việc cùng người dân địa phương. Qua đó, họ có thể hiểu sâu sắc về cuộc sống hàng ngày, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, hái trái cây, câu cá, xổ vuông tôm.

Sản phẩm đặc thù thiên nhiên và văn hóa

Chuyên gia Huỳnh Văn Đà ở Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh đến tiềm năng lớn của du lịch ĐBSCL với 9 khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Khảo sát 164 doanh nghiệp du lịch và 764 khách du lịch tại 9 khu này cho thấy, ở đây có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch bởi các yếu tố như hệ thống động thực vật, khí hậu, địa hình, biển/sông, di tích lịch sử, lối sống…Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn hạn chế, khách du lịch hài lòng với những trải nghiệm nhưng quay lại còn ít.

“Cần có những chính sách phát triển du lịch bên cạnh công tác bảo tồn tài nguyên để thu hút du khách đến tham quan và quay trở lại. Theo các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch ở đây là cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, giá cả dịch vụ, sức hấp dẫn và vệ sinh môi trường, tài nguyên du lịch nhân văn, nhân viên phục vụ chưa xứng tầm”, ông Đà nói.

Văn hóa ghe xuồng, sông nước, trái cây đặc trưng vùng ĐBSCL

Trong bối cảnh chợ nổi ngày càng vắng vẻ vì không đảm bảo cuộc sống cho thương hồ nên nhiều người đã bỏ đi, nhà báo Huỳnh Biển đề xuất xây dựng bảo tàng ghe xuồng để thu hút du khách đến với đặc trưng văn hóa sông nước. Cụ thể, chọn chợ nổi Cái Răng để xây dựng Bảo tàng ghe xuống sông nước miền Tây với 13 tỉnh, thành ĐBSCL liên kết, hợp tác cùng hợp lực đầu tư mỗi địa phương 10-20 chiếc. Ghe xuồng có hình dáng, màu sắc riêng, chở đặc sản và trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương, trang trí cây bẹo đẹp mắt, neo đậu ở chợ nổi Cái Răng. Như ghe xuồng Hậu Giang thì chở khóm Cầu Đúc, quít đường Long Trị, cá thát lát; ghe Vĩnh Long chở bưởi Năm Roi, cam Tam Sành, sầu riêng RI6; ghe Đồng Tháp chở các phẩm sen, xoài cát Hòa Lộc. Nơi đây, giống như chợ đầu mối nông sản trên sông, phục vụ du khách tham quan và mua sắm. Các địa phương quảng bá nông sản với du khách và có thể là xuất khẩu tại chỗ (du khách nước ngoài mua).

“Nếu làm được vậy, chợ nổi Cái Răng không chỉ được bảo tồn mà phát huy hấp dẫn hơn nhiều. Nơi đây, trở thành Bảo tàng ghe xuồng nổi tiếng thể giới, một sản phẩm đặc thù có một không hai hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL là cầu nối để liên kết các tỉnh, thành ĐBSCL xây dựng sản phẩm đặc thù Bảo tàng ghe xuồng sông nước ĐBSCL”, nhà báo Huỳnh Biển kết luận.

Chú trọng phát triển du lịch xanh

Các chuyên gia Phan Văn Phùng, Lương Xuân Quỳnh, Nguyễn Văn Thanh ở Trường Đại học Cửu Long nêu giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh. Việc phát triển du lịch xanh là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách. Tuy nhiên, muốn du lịch xanh phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch xanh thì phải có trách nhiệm với xã hội với chính cộng đồng đó. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, thì du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch xanh mới phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.

Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía nhà nước để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh gắn với cộng đồng trở thành một hướng phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL. Trước hết cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, hoạch định chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương phát huy vai trò lãnh đạo và điều phối thực hiện chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở địa phương để đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cung cấp dịch vụ du lịch. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực quản lý điều hành quản lý nhà nước về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp.

Áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn về du lịch bền vững được quốc tế công nhận để hỗ trợ giám sát hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch. Các nhãn được tiêu chuẩn hóa có thể tăng cường tính bền vững thông qua việc cho phép người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt có lợi cho các sản phẩm bền vững về sinh thái, có trách nhiệm với xã hội và tiếp tục hướng tới các giải pháp khả thi về chứng nhận du lịch.

Liên kết du lịch, ứng dụng công nghệ số

Bàn về liên kết, một điểm hạn chế của du lịch ĐBSCL hiện nay, chuyên gia Huỳnh Diệp Trâm Anh nêu 3 mối liên kết sản phẩm theo chuỗi. Liên kết tổng hợp phù hợp với vùng ĐBSCL, bao gồm liên kết giữa các hoạt động tìm hiểu lịch sử, du lịch sinh thái, và văn hóa bản địa. Liên kết theo không gian tương đồng, xác định các cụm chính trong vùng ĐBSCL và tập trung khai thác các sản phẩm du lịch liên kết bám theo các tuyến, trục du lịch của từng cụm, như liên kết Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen và Xẻo Quýt. Kết nối giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong vùng để tạo ra sự khác biệt và độc đáo, nâng cao sức hấp dẫn cho du khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường nhấn mạnh thêm: “Liên kết các doanh nghiệp du lịch, liên kết vùng và kết nối với du lịch lữ hành quốc tế là hướng phát triển của du lịch ĐBSCL. Đồng thời ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh du lịch là điều cần thiết. Du lịch ĐBSCL cũng tham gia đề xuất về chính sách phát triển du lịch nếu thấy nhu cầu bức xúc và chính đáng. Nhà nước cần quan tâm chính sách phát triển du lịch đặc biệt cho vùng ĐBSCL. Hy vọng, du lịch ĐBSCL theo kịp du lịch thế giới dù điều kiện cạnh tranh khốc liệt”.

SÁU NGHỆ