Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ ngày 1/6

38

 

Từ 1/6, nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, kinh doanh karaoke, tổ chức lễ hội… chính thức có hiệu lực thi hành.

 

Cấm quán karaoke hoạt động sau 12h đêm

 

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 38/2021 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.

Nghị định 38/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/6 và thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Nghị định này quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày.

Từ 1/6, quán karaoke không được hoạt động sau 12h đêm. (Ảnh minh hoạ)

Mức phạt này cũng áp dụng với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.

 

 

 

Nói tục ở lễ hội bị phạt tới 500 nghìn đồng

 

Cũng tại Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 nghìn đồng đối với hành vi nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam; thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định.

Với hoạt động quảng cáo trên truyền hình, Nghị định này quy định phạt từ 50-100 triệu đồng nếu quảng cáo trong chương trình thời sự; quảng cáo quá 2 lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình; quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện.

Tra cứu được nhiều thông tin về bảo hiểm

 

Từ ngày 1/6, Nghị định 43/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm có hiệu lực. Cơ sở dữ liệu này có nhiều thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người tham gia.

Trong đó, bảo hiểm y tế có mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 5 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng.

(Ảnh minh họa)

Còn bảo hiểm xã hội có mã số bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội…

Đối với bảo hiểm thất nghiệp có quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đồng thời, cá nhân được trích xuất thông tin của mình; dữ liệu trích xuất được ký số bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, ngoài các cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT đang áp dụng hiện nay là qua website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua việc gửi tin nhắn đến đầu số 8079 hoặc qua ứng dụng VssID, thì sắp tới người tham gia bảo hiểm còn có thêm một cách khác là tra cứu thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

Trung tâm dịch vụ việc làm phải có ít nhất 15 viên chức

 

Cũng có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 là Nghị định 23/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Nội dung chính của Nghị định này là đề cập đến những điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm và thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm.

Trung tâm dịch vụ việc làm phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức. (Ảnh minh họa)

Theo Nghị định này, để thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm, một trong những điều kiện bắt buộc là phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.

Đồng thời, để được cấp Giấy phép, doanh nghiệp cần thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng, có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh thuộc sở hữu của mình hoặc thuê ổn định theo hợp đồng từ 3 năm trở lên.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên hoặc có từ đủ 2 năm kinh nghiệm làm chuyên môn, quản lý về dịch vụ việc làm.

Theo (VTC News) 

 

Chính thức sử dụng thẻ BHYT điện tử thay thế thẻ giấy từ 1/6

Thứ Ba, ngày 01/06/2021 06:51 AM (GMT+7)

 

Hôm nay (1/6), cả nước chính thức sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số trong khám chữa bệnh BHYT.

Sự kiện: Sống khỏe

Ngày 31/5/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân (về việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID – BHXH số để khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc từ ngày 1/6/2021.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện các chức năng của VssID và chỉ đạo BHXH các tỉnh tổ chức triển khai đẩy mạnh việc ứng dụng BHXH số trên phạm vi cả nước.

Qua việc thí điểm sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại 10 địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt trong thời gian vừa qua đã mang lại sự tiện lợi cho người tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, tính bảo mật, an toàn khi sử dụng vẫn được đảm bảo, hạn chế được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo UBND tỉnh tỉnh, phối hợp Sở Y tế để chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh triển khai từ 1/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.

Cơ sở khám chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc);

Cơ sở khám chữa bệnh có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết.

BHXH Việt Nam yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp nhận, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc sử dụng VssID để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT theo ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam.

Nguồn: http://danviet.vn/