Nên chăng: Một phương án kỹ thuật dành cho cây cầu Long Biên lịch sử?

7

Từ nhiều năm nay cây cầu Long Biên đã trở thành chủ đề cho nhiều cuộc hội thảo. Tốn không biết bao nhiêu công sức của các chuyên gia, của những người có quan tâm đến cây cầu. Trong đó phải kể đến người có tâm huyết nhất, nhiệt tình nhất đó là KTS Việt kiều Nguyễn Nga, bà đã đề xuất một dự án tổng thể cho cây cầu trong tương lai và cũng đã trình bày tại nhiều cuộc hội thảo.

Ga Long Biên

Có một điều đáng mừng là cho đến nay từ tất cả các chuyên gia đến các nhà quản lý cùng với dư luận xã hội đều đồng tình phải giữ cây cầu lại mặc dù nó đã quá cũ kỹ, trên mình lại loang lổ đầy vết thương tích. Phải giữ cây cầu lại bởi nó là nhân chứng của lịch sử, vắt qua 3 Thế kỷ, nó gắn liền với vận mệnh dân tộc. Nhưng giữ lại để làm gì? Thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau, người thì bảo biến nó thành bảo tàng, người thì bảo biến nó thành nơi du lịch vui chơi giải trí, người thì bảo vừa bảo tàng vừa du lịch vừa giao thông… Tôi không có ý định góp ý cho một phương án nào bởi đó là quyền đề xuất, sáng tạo của mỗi người. Hơn nữa cũng chưa có cơ quan chức năng nào tổ chức để góp ý cho các phương án đề xuất. Những người có trách nhiệm trực tiếp với cây cầu vẫn đang miệt mài tu bổ, sửa chữa cho cây cầu cũ nát với kinh phí hạn hẹp. Còn ở cấp cao hơn cũng đồng tình phải giữ lại cây cầu nhưng chưa có phương hướng kỹ thuật, chưa có quyết định cụ thể sẽ sử dụng cầu Long Biên trong thời gian tới như thế nào vì còn phải chờ đợi kết quả khảo sát tổng thể chất lượng còn lại của cây cầu.

Với góc nhìn và kinh nghiệm của một người xây dựng lâu năm trong nghề, chuyên sâu về lĩnh vực ổn định, kết cấu công trình cùng với một chút kiến thức về xã hội, về kinh tế, về bảo tàng, về du lịch, tôi cũng mạnh dạn đề xuất một phương án kỹ thuật cho cây cầu lịch sử này.

LẬP LUẬN – QUAN ĐIỂM

Về kết cấu công trình và nhu cầu sử dụng

Sau khi trúng thầu, ngày 12-8-1898 Công ty Daydé Pillé đã ủy nhiệm kỹ sư Saint Fort Mortier làm chỉ huy trưởng xây dựng cầu và ngày 12-9-1898 khởi công xây dựng công trình. Ngày 28-2-1902 vào lúc 8g30 phút chuyến tầu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội đưa vua Thành Thái và toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng đoàn tùy tùng đến đầu cầu để làm lễ khánh thành. Như vậy là cây cầu đã sử dụng đến nay được 121 năm. Qua hơn 120 năm sử dụng cùng với sự tàn phá của bom đạn Mỹ, cây cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Độ “mệt mỏi” và độ “già nua” của công trình là không thể tránh khỏi. Nhưng với bản thiết kế tính toán an toàn và chất lượng xây dựng đảm bảo nghiêm ngặt từ thời xưa, sự vững chãi vẫn tồn tại, công trình vẫn dùng được nhưng phải giảm tải, giảm chức năng . Trước đây, tốc độ tàu hỏa đi trên cầu không khác tốc độ đi trên đường bằng, sau này phải giảm tốc độ còn 30km/giờ và hiện nay chỉ còn 15km/giờ. Ngay cả số lượng toa xe, trọng tải của từng toa cũng phải giảm bớt mới bảo đảm an toàn. Đã đến lúc khẳng định chức năng vận tải đường sắt trên cầu Long Biên phải chấm dứt. Trước đây cho ô tô khách, ô tô tải đi qua hai bên, sau chỉ cho xe con đi qua. Nay chỉ cho xe máy, xe đạp đi qua 2 bên, ngay cả xe 3 bánh, xe thồ cũng cấm. Chờ xem kết quả kiểm tra tổng thể nếu chưa đạt yêu cầu có thể phải gia cố các trụ cầu (20 trụ) và các thanh dầm chịu lực. Nhưng chắc chắn là còn dùng được, không phải là đồ bỏ đi.

Ga Gia Lâm

Một công trình được sinh ra để làm chức năng giao thông mà vẫn còn dùng được vậy tại sao phải bỏ nó để thay thế bằng chức năng khác?! Theo thống kê, hàng ngày có đến cả chục ngàn chiếc xe máy, xe đạp, xe đạp điện đi trên cầu Long Biên, số người đi bộ trên cầu tuy không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Đặc biệt là về đêm từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng, từng đoàn xe đạp thồ kể cả người gồng gánh, nườm nượp từ Gia Lâm qua cầu để cung cấp rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống cho chợ Long Biên và các chợ quoanh vùng. Đó là nguồn kiếm sống của ngàn vạn bà con nông dân và chị em tiểu thương. Như vậy, khẳng định nhu cầu đi lại của nhân dân ở 2 bên bờ khu vực này là rất lớn. Điều đó chứng minh cây cầu phải được tồn tại. Ta còn thiếu rất nhiều cầu vượt qua sông Hồng phục vụ việc đi lại, vận chuyển. Tại sông Seine chảy qua địa hạt Paris Thủ đô của nước Pháp, người ta đếm được có đến 37 cây cầu.

Về mặt bảo tàng

Một cây cầu cổ niên hạn lâu năm có thể gọi là “Cụ, kỵ Long Biên cầu”. Giữ gìn được cầu, khôi phục được cầu theo như nguyên dạng ban đầu mà vẫn sử dụng được cầu thì đó chính là “Bảo tàng sống”. Thêm thắt bất kỳ một vật thể nào trên cầu kể cả Pano, các biển quảng cáo, trưng khẩu hiệu  đều là chắp vá, phản cảm.

Về mặt du lịch

Khi không còn chức năng vận tải đường sắt nữa thì không gian cầu phần này sẽ dùng cho du lịch. Đầu tầu cũ, toa tầu cũ, đường sắt cũ, nhà ga 2 bên đầu cầu sẽ là cơ sở vật chất để phục vụ cho tour du lịch trải nghiệm cầu Long Biên.

Về mặt quản lý

Đây là một công trình giao thông, phục vụ cho cả nước, phục vụ cho Thủ đô Hà Nội, là cây cầu trong đô thị do Nhà nước đầu tư 100% vốn, Nhà nước phải quản lý. Không nên nghĩ phải cổ phần hóa, xã hội hóa cây cầu này. Nhưng vì là một công trình giao thông đặc biệt nó mang ý nghĩa lịch sử nên cần có một sự quản lý đặc biệt hơn so với các công trình giao thông bình thường khác. Giao cho địa phương quản lý hay Trung ương quản lý là theo Luật định.

PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT

Một số công việc cần triển khai

Xuất phát từ những lập luận và quan điểm nêu trên, tác giả bài viết xin được đề xuất một số công việc cần triển khai như sau:

1/ Sau khi có kết quả kiểm tra tổng thể về chất lượng, cần tiến hành ngay việc sửa chữa lớn (trụ cầu, các thanh dầm chịu lực).

2/ Quy định thời hạn để chấm dứt vận tải đường sắt trên cầu.

3/ Phục chế 10 nhịp cầu đã bị phá hủy bởi chiến tranh để hoàn chỉnh cây cầu như thiết kế nguyên bản. Vật liệu phục chế bằng nhựa polime tổng hợp (hình dáng, kích thước, màu sắc như các nhịp cũ). Sử dụng vật liệu polime tổng hợp để giảm tải cho cây cầu và giảm kinh phí phục chế, giảm kinh phí duy tu bảo dưỡng.

4/ Để phục vụ du lịch, giữ lại một số đầu tầu cũ, toa tầu cũ. Giảm tải các toa này bằng cách chỉ giữ lại sàn toa, cải tạo lại biến thành chỗ ngồi của khách du lịch.

5/ Giữ lại ga Long Biên và ga Gia Lâm làm chỗ tập kết đưa đón khách du lịch bằng tầu hỏa.

6/ Cải tạo lối xuống bãi giữa sông Hồng

7/ Có quy hoạch tổng thể bãi giữa sông Hồng, dành một không gian cho khách du lịch từ trên cầu xuống tham quan, trải nghiệm. Không gian này nên giữ lại cảnh hoang sơ, dân dã từ đoạn du khách xuống cầu dẫn đến chỗ tiếp cận với mép nước sông Hồng.

8/ Hành trình của khách du lịch: Từ ga Long Biên đến bãi giữa – Xuống bãi giữa nghỉ ngơi chụp ảnh cà phê, giải khát, ăn nhẹ… – Lên cầu tiếp tục đến ga Gia Lâm rồi quay trở về ga Long Biên. Thời gian cho một chuyến hành trình tùy theo quy định của tour du lịch sao cho hợp lý, vừa lòng khách.

Tùy theo sự chịu đựng của cây cầu sẽ quy định số lượng toa tầu, số lượng khách, tốc độ tầu cho một chuyến đi.

9/ Hai bên cầu vẫn tiếp tục để cho xe máy, xe đạp, xe đạp điện đi lại, người đi bộ vẫn đi trên phần dành cho người đi bộ .Vẫn chấp nhận cho người có quang gánh đi gọn trên phần người đi bộ để người đi du lịch thấy được hình ảnh của người Hà Nội một thời. Ban đêm vẫn để cho xe đạp thồ chuyên chở rau củ quả thực phẩm tươi sống qua cầu.

10/ Bố trí tại ga Long Biên và ga Gia Lâm một không gian để triển lãm, trưng bày giới thiệu các hình ảnh, hiện vật liên quan đến cầu Long Biên: Bản thiết kế, quá trình thi công xây dựng, hình ảnh tu bổ, bảo dưỡng, sinh hoạt, hoạt động trên cầu, hình ảnh chiến đấu bảo vệ cầu, tranh vẽ của các họa sỹ, các bản nhạc, bài viết, bài thơ về cây cầu. Sưu tầm từ nhiều nguồn các tranh ảnh về cầu Long Biên: Lễ khởi công, lễ khánh thành, những nhân vật quan trọng đã qua cây cầu. Trưng bày hình ảnh 2 kỳ festival trên cầu Long Biên vào năm 2009 và 2010 do KTS Nguyễn Nga khởi xướng… Quầy bán đồ lưu niệm cho khách du lịch…

Người đi du lịch trên cây cầu cổ còn nguyên dạng trên 120 năm tuổi, ngồi trên toa xe và đầu máy hơi nước, thời của Cách mạng công nghệ 1.0, trên đường sắt cổ khổ 1m, xuất phát từ nhà ga cổ, nhìn thấy người gồng gánh 2 bên, ngắm nhìn sông nước mênh mông, hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh hoang sơ, dân dã bãi giữa, chẳng phải là họ đang lạc vào một bảo tàng cổ sống cách đây gần 2 Thế kỷ hay sao?

Về mặt tổ chức thực hiện

Hiện nay cầu Long Biên do Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (thuộc Tổng công ty đường sắt VN) quản lý và thực hiện việc duy tu bảo dưỡng. Công ty có một đội ngũ cán bộ công nhân hùng hậu: Xí nghiệp Xây lắp và Kinh doanh dịch vụ; Xí nghiệp Xây lắp công trình; Đội Cầu; Đội Đường; Đội chắn; Đội Kiến trúc. Họ xứng đáng là lực lượng nòng cốt để thực hiện Dự án.

Long Biên, cây cầu huyền thoại

Nguồn kinh phí thực hiện

Có 3 nguồn kinh phí chính:

  • Vốn tài trợ từ Chính phủ Pháp.
  • \Vốn ngân sách của Trung ương.
  • Vốn ngân sách của Thành phố Hà Nội.

Ngoài ra kinh phí còn có từ nhiều nguồn khác:

  • Sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
  • Nguồn thu sau này từ dịch vụ và du lịch.

KẾT LUẬN

Trên đây là đề xuất một phương án để giải quyết sự tồn tại của cây cầu lịch sử được nhiều người quan tâm, rất mong các độc giả cho ý kiến đóng góp.

KS. Nguyễn Xuân Hải (Tổng hội XD Việt Nam)