Nâng cao ý thức người dân trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt

23

Ngày 17/5 tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được kỳ vọng là bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải, cũng như lãng phí tài nguyên ở Việt Nam.

Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom – xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ thì rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống. Bởi thực tế đã cho thấy, những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay.

Với ý nghĩa to lớn đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn: “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Toàn cảnh Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Nghị định số 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng sẽ rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

“Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý CTRSH là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn”, TS Nguyễn Linh Ngọc nói.

Ông Nguyễn Thành Lam – Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, lượng CTRSH vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.623 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 28.394 tấn/ngày. Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.

Nói về thách thức trong quản lý CTRSH, ông Lam cho biết: Thứ nhất, trong phân loại: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Thứ hai, trong thu gom, vận chuyển: Chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; Thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; Thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc; Các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Thứ ba, trong xử lý: Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ODA, nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn (ít dự án đầu tư theo PPP, tư nhân được triển khai); 75% cơ sở xử lý CTRSH được nhà nước hỗ trợ vận hành.

Cần nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến phân loại rác tại nguồn, một số đại biểu cho rằng, có rất nhiều việc phải làm từ tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng đến đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn là bài toán khó. Bởi thực tế, đã có những địa phương, việc phân loại rác dù đưa vào thực hiện hơn 5 năm qua nhưng vẫn chưa thể hình thành tính chủ động của người dân.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định Diễn đàn không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia cùng cơ quan ban, ngành địa phương trình bày thực trạng, những khó khăn, thách thức trong việc phân loại CTRSH mà còn là kênh thông tin hữu ích cho Quốc hội tham khảo trong việc quy định chi tiết các văn bản pháp luật, công tác giám sát thu gom, xử lý, phân loại CTRSH.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện nghiên cứu bài bản về việc chuẩn bị của 63 tỉnh, thành trong công tác thực hiện việc phân loại CTRSH. Trong đó, Ủy ban đã chọn ra hơn 10 tỉnh, thành phố để khảo sát thực tế. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự kiến trong năm 2025, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác phân loại CTRSH.

https://vietq.vn/nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-trong-viec-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-d221483.html