Mời đến 4 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL 2024

49

Ngày 25/3/2024, sau thời gian khảo sát và thẩm định, Hội đồng Bình chọn điểm Du lịch tiêu biểu ĐBSCL đã thống nhất công nhận một số điểm. Sau đây xin giới thiệu 4 điểm, gồm 2 điểm thuộc nhóm Di tích văn hóa – lịch sử và 2 điểm thuộc nhóm Cơ sở nghề truyền thống có phục vụ du lịch, kính mời du khách gần xa trải nghiệm, khám phá.

Đồi Tức Dụp

Ở ấp Ninh Hoà, xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thuộc Công ty CP Du lịch An Giang. Có các dịch vụ tiêu biểu: Tham quan hang động trong núi đá dài và đẹp nhất Việt Nam; Leo núi dã ngoại; Tham quan nhà trưng bày di tích lịch sử, sa bàn điện tử, nhà chiếu phim tư liệu; suối cá thần, đồi mộng mơ, hòn trống mái, cầu tình yêu, cánh đồng ngàn hoa, thác đá tiên tắm. Xem thú hoang dã: Đà điểu Châu phi, cá sấu khủng, trăn khủng, hươu, nai, khỉ, chồn, rùa. Nhà hàng, khu ẩm thực đặc trưng vùng Bảy Núi, khu nghỉ dưỡng. Văn nghệ (đờn ca tài tử, biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, karaoke, …). Bắn súng thể thao quốc phòng; Bán hàng lưu niệm; Câu cá sấu giải trí. Dịch vụ vui chơi giải trí: Tàu lượn trên không, du thuyền mặt hồ, bơi thuyền thúng, lăn bóng trên nước, đi dây, đi xe đạp trên mặt nước, bơi xuồng, thuê trang phục. Dịch vụ nhiếp ảnh lưu niệm. Tham quan khu du lịch bằng xe điện.

Ngõ vào Đồi Tức Dụp

Đồi Tức Dụp đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL từ năm 2009, sau đó được tái công nhận và giữ vững các tiêu chí, không ngừng phát triển. Có vị trí thuận lợi liên hoàn với nhiều điểm du lịch trong dãy Thất Sơn như Miếu Bà chúa sứ Núi Sam, Đình Thới Sơn, Khu du lịch Núi Cấm, Khu tưởng niệm Nhà mồ Ba Chúc, Khu du lịch lòng hồ Thoại Sơn, Di chỉ Óc Eo Ba Thê…

Năm 2017, Công ty CP Du lịch An Giang trở thành thành viên thứ 16 của Tập đoàn Sao Mai, cũng từ đó được đẩy mạnh đầu tư, phát triển thiết thực. Hiện chú trọng kết hợp khai thác các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, homestay, khu vui chơi tổng hợp.

Hội đồng Bình chọn điểm Du lịch tiêu biểu ĐBSCL cho biết, đây là Di tích Văn hóa-Lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989, đã xây dựng được 12 dịch vụ du lịch. Hàng năm, thu hút bình quân 110.000 lượt khách, tỉ lệ lao động địa phương 100%. Khó khăn của Đồi Tức Dụp là đường vào còn khó khăn nên đề nghị chính quyền địa phương quan tâm đầu tư.

Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

Đây là Di tích Văn hóa – Lịch sử tỉnh Trà Vinh, hàng năm thu hút hơn 40.000 lượt khách, lao động địa phương 100%.

Bảo tàng ở phường 8, thành phố Trà Vinh, trên 10.000 m2 rừng cây xanh tươi, diện tích xây dựng 1.700m2 (xây dựng từ năm 1992-1996). Năm 2014, Bảo tàng chỉnh lý trưng bày lại lần thứ hai với kinh phí 3 tỉ 360 triệu đồng, do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tân Di Sản Việt TPHCM thực hiện. Năm 2016, Bảo tàng trưng bày thêm nội dung truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh thời hiện đại. Đây là địa chỉ nghiên cứu văn hóa; trưng bày, giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, và là một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh giữa khu rừng xanh tươi

Bảo tàng nằm trong quần thể liên hoàn với di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Ông. Cùng với đội ngũ thuyết minh viên có chuyên môn và khả năng truyền tải văn hóa đến du khách nên luôn được du khách tìm đến.

Các dịch vụ chủ yếu phục vụ khách du lịch: Lĩnh vực tham quan có khu trưng bày gồm 5 phòng theo nhiều chủ đề. Lĩnh vực trải nghiệm phục vụ nghiên cứu, học tập, tìm hiểu các giá trị văn hoá dân tộc. Lĩnh vực vui chơi giải trí có khuôn viên cây xanh, sân đường nội bộ rộng rãi, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể.

Hội đồng Bình chọn điểm Du lịch tiêu biểu ĐBSCL đánh giá cao việc Bảo tàng luôn kết nối, hợp tác với cụm bảo tàng phía Đông ĐBSCL, Côn Đảo, các điểm đến khác để trao đổi kinh nghiệm, phục vụ du khách ngày càng tốt.

Du lịch Sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô

Cồn Hô là cù lao giữa sông Cổ Chiên rộng 25 ha với 21 hộ dân sinh sống, thuộc ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tháng 10/2020, Điểm du lịch Sinh thái Cồn Hô ra mắt, khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm dựa vào cộng đồng. Tháng 5/2023, Tổ hợp tác quản lý Điểm du lịch Sinh thái Cồn Hô chính thức thành lập với 9 thành viên (hộ gia đình) phục vụ du khách.

Du khách ở điểm Du lịch Sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô

Nơi đây như một “ốc đảo” do địa hình tách biệt đất liền, du khách được trải nghiệm không gian sống hầu như nguyên sơ văn hóa sông nước. Cù lao chưa có điện, chỉ có vườn cây ăn trái và ao nuôi thủy sản của những con người hiền hòa, mến khách. Các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách là nguyên liệu vườn nhà, do các chủ nhà “tự thân”.

Ấn tượng đậm đà với du khách là hình ảnh thôn quê ĐBSCL xa xưa, trong ánh đèn dầu le lói. Hoạt động theo hình thức du lịch cộng đồng, mỗi hộ tham gia một sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ nhau trong đón tiếp, phục vụ du khách.

Đến nhà chú Hai Nguyên: Quý khách được thưởng thức Trà hoa đậu biếc, cùng mứt dừa, đậu phộng luộc và nghe những câu chuyện hấp dẫn về lịch sử, con người Cồn Hộ. Đến Hột gà nướng rơm Ba Kiệt: Quý khách tự tay nắm đất sét vào hột gà ta rồi đốt rơm lên nướng đến khi nào đất nứt ra là đem lên thưởng thức.

Ngâm chân thảo được Hai Trãi: Quý khách đi bộ trên con đường làng và hít thở bầu không khí trong lành thoảng hương hoa bưởi, hương ngò gai mọc ven đường. Đến điểm ngâm chân thảo dược theo công thức gia truyền từ những lá cây vườn nhà; quý khách vừa ngâm chân vừa nghe giai điệu đồng quê du dương và thưởng thức trà, mứt gừng ấm bụng.

Đến nhà vườn Vũ Minh: Quý khách tham gia trò chơi chọi gà, ngồi xích đu phong cách Bali; chèo xuồng vào vườn cam, quýt, bưởi. Cùng thưởng nước dừa mát ngọt nơi đất cồn và tự tay nướng trui cá lóc bằng rơm rồi cuốn rau thơm chấm mắm tép.

Đến với Chè Bưởi Tư Khen là tìm về không gian bếp xưa nhà dân Cồn Hô và thưởng thức chè bưởi sợi, nước cốt dừa béo ngậy ngon hàng nhất Nam Bộ. Đến Lò rượu Cồn Hô Tư Lập: Quý khách tham quan quy trình làm rượu của người dân, tìm hiểu về rượu trong văn hóa dân gian Nam Bộ.

Đến với đặc sản đất Cồn- Ba Khải: Quý khách trải nghiệm không gian sống không có điện của người dân Cồn Hô, ngồi nhâm nhi tách trà, thưởng thức các loại mứt, đặc biệt là mứt bưởi và mứt chuối khô. Đến với Ẩm thực Bác Ba Phi để thực sự thưởng thức ẩm thực dân gian đặc sắc của Cồn Hô.

Đặc biệt, suốt tuyến đường trên cồn được trải thảm bện xơ dừa, rất sạch sẽ và đẹp mắt, góp phần đảm bảo “Du lịch xanh” đầy ấn tượng. Hiện nay, Cồn Hô đang đưa đội văn nghệ địa phương vào phục vụ, giao lưu với du khách, tạo thêm hoạt động cho khách lưu trú.

Hội đồng Bình chọn điểm Du lịch tiêu biểu ĐBSCL cho hay, hàng năm, Cồn Hô thu hút 6.667 lượt khách; doanh thu hơn 2,4 tỷ đồng, đạt lợi nhuận từ 20 đến 25%. Ở đây cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với du lịch cộng đồng, đã hỗ trợ vốn cho mỗi hộ làm du lịch 50 triệu đồng.

Cảng du thuyền Mỹ Tho

Nằm trên bờ sông Tiền ở phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trực thuộc Công ty CP Cảng Mỹ Tho. Nơi đây tiếp nhận du khách lên xuống tham quan, vui chơi giải trí trên sông Tiền của tất cả các phương tiện thủy nội địa từ Mỹ Tho đến Vũng Tàu, Côn Đảo, Cái Bè và các tỉnh lân cận. Cảng cũng đang tiếp nhận lượng tàu khách tuyến Việt Nam – Campuchia nhiều nhất ĐBSCL.

Hoạt động của Cảng đã phát triển đa dạng. Có thể kể đến: Kinh doanh khai thác cảng; Kinh doanh nhà hàng, giải khát và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; Dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ kiểm đếm giao nhận, cho thuê kho bãi; Cung ứng tàu biển, môi giới hàng hải, lai dắt tàu biển.

Cảng du thuyền Mỹ Tho

Khách hàng tiêu biểu hiện nay:  Công ty CP Cánh Buồm Đông Dương, Công ty TNHH Dòng Di Sản, Công ty CP Đường sông Đông Dương, Công ty CP Đường sông Mekong, Công ty TNHH Du thuyền Việt Princess, Công ty TNHH Du thuyền Hoa Sen, Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, Cty TNHH Du lịch Sinh thái Tiền Giang.

Hội đồng Bình chọn điểm Du lịch tiêu biểu ĐBSCL cho biết, hàng năm Cảng đón 273.000 lượt khách, doanh thu 64 tỷ đồng, đều vượt chỉ tiêu; Tỉ lệ lao động địa phương 100%. Cảng tổ chức nhiều dịch vụ, hoạt động ngày càng qui mô; đặc biệt xây dựng được tuyến tàu du lịch Việt Nam- Campuchia mỗi ngày phục vụ 6 tàu với 4.000 khách. Đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý và thiết kế nhà ga đón khách cầu cảng giai đoạn 2, mang phong cách hiện đại, sang trọng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025 với công suất mỗi ngày 1.500 khách.

SÁU NGHỆ (Theo hoichieusangvietnam.org.vn)