Dùng đèn UV trong nuôi tôm siêu thâm canh

38

 

Diễn đàn tôm Việt 2022 với chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam” do nhiều cơ quan tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu ngày 15/7/2022 có giới thiệu việc dùng đèn UV nuôi tôm siêu thâm canh đáng chú ý.

Hệ thống đèn UV khử trùng nguồn nước với công suất 150 m3/giờ trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng

Công nghệ “ứng dụng đèn UV trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng” do Công ty TNHH Công nghệ UV Best giới thiệu. Tôm thẻ chân trắng hiện nay được cả thế giới quan tâm bởi đang chiếm khoảng 90% sản lượng tôm nuôi; ở Việt Nam, tôm thẻ chân trắng di nhập từ năm 2002 đã trở thành đối tượng nuôi chính.

Tuy nhiên, quá trình nuôi thâm canh thì chất hữu cơ hòa tan, tảo và khí độc (TAN, NO2)… trong ao nuôi có xu hướng tăng. Để hạn chế ảnh hưởng của tảo và khí độc đến tôm nuôi, người nuôi thường xuyên phải thay từ 30 – 50% nước ao nuôi. Việc thay nước thường xuyên dễ dẫn đến lây lan mầm bệnh vào hệ thống nuôi.

Chiếu xạ tia cực tím (UV-C) là phương pháp vật lý thường được sử dụng để khử trùng nguồn nước. Tia cực tím (UV-C) có khả năng diệt nhanh mầm bệnh (99,9%), diệt tảo, không gây biến đổi chất lượng nước. Do đó, công nghệ xử lý nước bằng đèn UV ứng dụng trên các hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh đã chứng minh hiệu quả tốt.

Đèn cực tím sẽ diệt vi sinh vật gây bệnh khi dòng nước chảy qua, nên lắp đặt đèn UV trong nuôi tôm siêu thâm canh tiết kiệm được đất làm ao lắng và xử lý nước. Việc dùng đèn UV trong nuôi siêu thâm canh còn giúp giảm áp lực về thời gian xử lý nước.

Thực tế từ Công ty TNHH Công nghệ UV Best cho thấy ưu điểm của đèn UV là hiệu quả cao trong diệt nhanh mầm bệnh, thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện tỷ lệ thành công của vụ nuôi, giúp giảm chi phí vụ nuôi, qua đó tăng lợi nhuận. Thân thiện môi trường vì tia UV có khả năng thay thế 100% chlorine và thuốc tím trong diệt mầm bệnh mà không sinh ra bất kỳ sản phẩm phụ nào có hại cho môi trường nước nuôi tôm.

Nhược điểm là tia UV chỉ đóng vai trò tiêu diệt vi sinh vật trong nước nhưng không làm thay đổi được chất lượng nước. Do đó, những khu vực nuôi tôm có nguồn nước cấp bị ô nhiễm kim loại nặng, hàm lượng TAN và NO2 cao thì cần phải có ao lắng xử lý trước khi cấp qua đèn UV.  Tia UV cũng có thể gây hại cho người khi tiếp xúc trực tiếp.

                                                                                                SÁU NGHỆ