Chuẩn bị kịch bản cung ứng điện, hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư

8

Dự báo phụ tải điện miền Bắc sẽ tăng cao hơn kế hoạch, còn miền Nam sẽ sớm ổn định trở lại. Bộ Công Thương sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện… và sẽ hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo.

Chiều 26/5 tại trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì họp báo, chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình sản xuất điện và tiến độ đàm phán giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Nhiều giải pháp thực hiện

Theo Thứ trưởng, miền Bắc đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nắng nóng gay gắt xảy ra, mực nước tại các hồ thủy điện xuống thấp, công suất tại các nhà máy thủy điện giảm. Do nước về các hồ thủy điện thấp, dòng chảy so với trung bình nhiều năm chỉ tương đương 20% trung bình nhiều năm, cá biệt có hồ còn thấp hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

3 quan điểm lớn của Bộ về xử lý vướng mắc năng lượng tái tạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Một là, việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật. Hai là, trên tinh thần “lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ”. Ba là, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải 4 tháng đầu năm tăng tương đối nhẹ, tháng 5 theo kế hoạch sản lượng trung bình là 808 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 25/5 sản lượng điện trung bình ngày của cả nước lên đến 818 triệu kWh/ngày (tăng 8%).

Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5/2023 đã tăng lên mức kỷ lục mới xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.666 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn cũng gặp khó khăn, một số tổ máy công suất lớn như tổ máy số 2 của Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ máy S1 Nhà máy Vũng Áng 1; tổ máy S6 của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại rồi của Nhiệt điện Cẩm Phả phải sửa chữa kéo dài…khiến tổng công suất thiếu hụt lên tới gần 2.000MW.

Chuẩn bị kịch bản cung ứng điện, hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư  - Ảnh 1

Nhà máy Nhiệt điệnThái Bình 2 đưa vào vận hành sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra nhiều giải pháp, đầu tiên, các đơn vị đã đảm bảo vận hành tin cậy của các nhà máy điện, đôn đốc các hợp đồng cung cấp than, các tổ máy chạy khí suy giảm được chuyển sang chạy dầu.

 

 

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tăng cường cung cấp khí cho khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, thời gian vừa rồi nguồn khí cung cấp đã tăng thêm từ 500.000 – 1 triệu m3.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN điều tiết các hồ chứa thủy điện, phối trộn nguồn than trong nước với than nhập khẩu cho sản xuất điện. “Đặc biệt đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện, nhiều tổ máy chúng ta phải huy động chạy dầu DO và FO mà không tiết kiệm thì rất lãng phí”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.

Hài hòa lợi ích các bên

Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN khẩn trương thỏa thuận giá đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý để hòa lưới.

Dự án điện gió tại Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên
Dự án điện gió tại Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết thêm, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đảm bảo 3 nguyên tắc chính:

Thứ nhất, việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật. Thứ hai, phải trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thứ ba, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng.

Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, mấy ngày gần đây lưới điện quốc gia hấp thụ khoảng 100 triệu kWh năng lượng tái tạo tương đương 1/9 sản lượng điện của hệ thống, cá biệt ngày 25/5 sản lượng điện năng lượng tái tạo lên đến 106 triệu kWh/ngày, như vậy là tương đối lớn, tuy nhiên vừa rồi sản lượng gió nhiều thời điểm xuống thấp, sản lượng chỉ đạt 5,6% tổng công suất lắp đặt.

Trước đó, Bộ Công Thương và EVN cũng đã tổ chức Hội nghị với Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án với mục tiêu đưa các dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo các quy định pháp luật.

Qua quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ cơ sở Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023, hai Bên đã họp và thống nhất: Giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình Nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương; Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.

Hiện Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc EVN hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án phải điều chỉnh chủ trương đều nằm ở các tỉnh, do vậy nếu có vướng mắc cần ý kiến của Bộ Công Thương, sau khi nhận được văn bản, Bộ sẽ chỉ đạo EVN tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đấu nối.

Theo https://kinhtedothi.vn/