Đại công trường điện gió ở miền tây Quảng Trị

35
29 dự án điện gió  với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng  được xây dựng ở nhiều xã  tại huyện miền núi Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị nổi tiếng với gió phơn Tây Nam khô nóng vào mùa hè, thổi từ phía tây. Người địa phương thường gọi đùa là gió nhập ngoại từ Lào.

Tận dụng nguồn năng lượng gió này, năm 2021, 29 dự án điện gió với công suất 1.117,2 MW được xây dựng tại nhiều xã của huyện Hướng Hóa, biến miền tây Quảng Trị thành đại công trường. Các dự án đẩy nhanh tiến độ, cố gắng vận hành thương mại trước ngày 1/11 để được hưởng giá bán điện ưu đãi.

Ngoài ra, còn có 54 dự án với tổng công suất 2.883,65MW đã được trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch.

Một trụ điện gió ở xã Hướng Linh đã hoàn thành phần móng, chờ lắp đặt thiết bị.

Hiện 16 dự án hoàn thành thủ tục thuê đất, với tổng diện tích gần 300 ha. Các dự án còn lại đang hoàn thiện hồ sơ. Mỗi trụ điện gió tiêu tốn 0,65 ha đất.

Công nhân đang chuẩn bị lắp đặt cánh điện gió lên tua bin tại dự án điện gió Liên Lập, ở xã Tân Lập.

Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho hay người dân huyện này nhận trên 550 tỷ đồng tiền đền bù. “Huyện hướng dẫn, vận động người dân gửi tiền vào ngân hàng để tái đầu tư. Khi các dự án giải ngân tiền, huyện thông tin cho các ngân hàng đến vừa huy động tiền gửi, vừa giữ tiền bà con”, ông Thuận nói.

Công nhân đang lắp cần cẩu cao 126 m để lắp đặt tua bin và cánh quạt tại dự án điện gió Phong Liệu. Mỗi trụ điện gió cao 115-120 m, đường kính cánh quạt từ 138 đến 148 m.
Một trụ điện gió mất từ 5 đến 7 ngày để hoàn thành lắp đặt. Sau đó, các cần cẩu được tháo rời, di chuyển đi trụ khác. Thiết bị điện gió phần lớn nhập khẩu từ châu Âu.
Bên trong trụ điện gió có thang bộ và thang máy (dây cáp bên phải) để công nhân lên tua bin thao tác kỹ thuật. Tổng khối lượng trụ điện gió khoảng 600 tấn. Các dự án điện gió đều phải sử dụng thiết bị siêu trường siêu trọng.

Giai đoạn chạy nước rút, các dự án đều cần nhiều chuyên gia nước ngoài để cài đặt, cân chỉnh thiết bị trước khi chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, không ít dự án thiếu chuyên gia do dịch Covid-19, việc đi lại gặp khó khăn, phải cách ly nhiều lần khi nhập cảnh và về địa phương làm việc.

Các dự án điện gió cũng tuyển nhiều người địa phương vào làm công nhân. Mỗi dự án có khoảng 40-50% là người địa phương, thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng.

Nhân công đang rải lưới và trồng cây tràm, cỏ voi ở một bãi thải bên dưới trụ điện gió của dự án Hướng Tân. Việc này hạn chế sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Chủ đầu tư cũng xây thêm kè đá bên dưới bãi thải. Các trụ điện gió của dự án này xây dựng tại rừng phòng hộ xã Hướng Tân.

Trong 29 dự án, có 8 dự án thực hiện trên đất rừng. Tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 150 ha đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất trống quy hoạch nông nghiệp sang đất năng lượng để thực hiện các dự án.

Trạm biến áp tại một dự án điện gió. Hiện, nhiều dự án đã hoàn thiện phần xây dựng, kết nối và chờ chạy thử nghiệm trước khi hòa lưới điện.

Song song với các dự án, tỉnh Quảng Trị cũng đang nỗ lực hoàn thành đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo để kết nối nguồn điện từ các dự án điện gió lên lưới điện. Đường dây đã dựng được 119/124 cột, kéo dây được gần 50% tiến độ.

Dự kiến, đường dây sẽ hoàn thành trong tháng 9, đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện gió phía tây Quảng Trị.

Các dự án cũng xây dựng hàng trăm km đường giao thông giữa các xã để vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng. Sau khi dự án hoàn thành, những tuyến đường được sử dụng cho mục đích chung, trở thành đường dân sinh, đường lâm nghiệp và đường công vụ.
Khu dân cư ở xã Húc nằm ngay dưới dự án điện gió Tài Tâm. Một số dự án do chạy đua tiến độ chưa xử lý các bãi thải, đổ thải ra ngoài đất được phê duyệt gây lo ngại sạt lở trong khi mùa mưa sắp đến. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, 2 dự án Tài Tâm và Amacao Quảng Trị 1 đổ thải không đúng nơi quy định, gây nguy cơ sạt lở đất.

 

Xã Hướng Linh được bao quanh bởi rất nhiều trụ điện gió. Đây là xã có nhiều dự án nhất tại huyện Hướng Hóa. Các dự án này đi vào hoạt động sẽ cải thiện đáng kể nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Quảng Trị đang từng bước phấn đấu thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Lo ngại việc phát triển điện gió ồ ạt, HĐND Quảng Trị đã đề nghị UBND đánh giá tác động môi trường tổng thể của tất cả dự án để có định hướng thu hút đầu tư phù hợp, trước mắt yêu cầu các dự án xử lý bãi thải, có phương án phòng chống sạt lở, cứu hộ cứu nạn theo từng cấp độ.

Theo VN Express