Xu hướng du lịch ở đồng bằng

22

Khánh thành Đền thờ Vua Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ở Cần Thơ thu hút đông du khách gần xa

Sáng 14/4, tại thành phố Cần Thơ, diễn ra Đại hội Hiệp hội Du lịch ĐBSCL lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 trong bối cảnh ngành du lịch nỗ lực phục hồi sau đại dịch và nhiều ý kiến phát biểu cho thấy một số nét về xu hướng du lịch ở đồng bằng.

Xu hướng mới

Du lịch ở ĐBSCL có xu hướng tăng các nhóm nhỏ trong hoạt động tham quan. Các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan đón tiếp nhiều từng nhóm hộ gia đình. Những nhóm hộ giá đình thường đến các điểm du lịch ở gần, ngắn ngày. Đối với những chuyến đi đến các điểm xa, khách có xu hướng lựa chọn ít điểm hơn trong một chuyến, thời gian lưu trú cũng dài hơn tại một điểm.

Về sản phẩm du lịch, đang có xu hướng tăng nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Một số nhóm nhỏ du lịch biển, địa điểm lưu trú là những resort tách biệt, ít tiếp xúc với cộng đồng du khách khác.

Tại thành phố Cần Thơ, trung tâm ĐBSCL, không khí du lịch tấp nập đang dần quay trở lại. Khách sạn khá đông người đặt phòng, các điểm tham quan tấp nập du khách. Tuy nhiên, các công ty du lịch vẫn chưa tìm lại được nhịp độ phục vụ như trước đây. Đa số du khách đến ĐBSCL là tự đi, tự kết nối các thành viên thân quen rồi đặt xe đi trong 1 – 2 ngày, không đặt với các công ty du lịch đi 5 – 6 ngày như trước. Họ tận dụng những dịp cuối tuần hoặc dịp lễ của đất nước. Hiện còn ít doanh nghiệp tổ chức những chuyến tham quan cho nhân viên, bởi đang lo sản xuất phục hồi sau đại dịch.

Từ ngày 7 đến 11/4, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở Cần Thơ thu hút đông du khách

Chủ trương của Hiệp hội

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ra đời đã 15 năm, tổ chức hợp tác, liên kết 13 địa phương ĐBSCL với TPHCM cũng như với các tỉnh, thành và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Lâm Đồng. Qua liên kết, ĐBSCL đã khai thác được tài nguyên du lịch, bao gồm các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, biển đảo, vườn cây ăn trái để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, đại dịch đã làm ngành du lịch thiệt hại nặng nề, doanh thu du lịch so với năm trước, năm 2020 giảm 47% và năm 2021 giảm trên 80%. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa, người lao động mất việc.

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia từ ngày 6 đến 11/4 ở Cần Thơ có nhiều tỉnh, thành phố tham dự

Đại hội Hiệp hội Du lịch ĐBSCL lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 trong bối cảnh ngành du lịch nỗ lực phục hồi sau đại dịch, tiếp tục bầu ông Trần Việt Phường làm Chủ tịch và 7 Phó chủ tịch. Chủ tịch Trần Việt Phường cho rằng: “Tăng cường liên kết-hợp tác, đẩy mạnh xúc tiến – quảng bá, phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu du lịch, thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết – hợp tác với TPHCM và các trung tâm du lịch lớn cả nước”.

Từ ngày 7 đến 11/4, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở Cần Thơ thu hút đông du khách

Phó chủ tịch Lê Thanh Phong nhấn mạnh thêm, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa để thu hút khách đến ĐBSCL; chú trọng phát triển du lịch giữa cụm phía Tây và phía Đông của ĐBSCL; đầu tư nâng cấp hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở du lịch và tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch toàn vùng.

                                                                                      NGỌC HUYỀN