Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước

87
Mới đây, tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất điện tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (gồm: Điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh. Cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh Ninh Thuận; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đạt 9 -10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thu đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh.

Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng Quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội…

Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300 MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm…

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện:

Để hoàn thành mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm, nhận thức về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Thứ hai: Tập trung xây dựng, hoàn thiện và quản lý, triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách.

Thứ ba: Xây dựng mô hình phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Cụ thể là tập trung phát triển cấu trúc, mô hình trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo gồm 2 phần; trong đó, phần cứng gồm 3 mô đun: Mô đun 1 là Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná; Mô đun 2 là Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận; Mô đun 3 là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (R&D). Phần mềm – hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; thành lập Ban Chỉ đạo nhằm chỉ đạo, thúc đẩy phát triển bền vững trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh.

Thứ tư: Tăng cường thu hút, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, tập trung kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 500 kV, 220 kV để giải tỏa công suất các dự án năng lượng phát triển mới trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Chính phủ.

Thứ năm: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng.

Thứ sáu: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – công nghệ./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM