TTO – Nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng bên cạnh du lịch nông nghiệp, huyện Củ Chi nên có ý tưởng thu hút nhà đầu tư xây dựng những điểm du lịch vui chơi tầm cỡ trên địa bàn để thu hút khách du lịch.
Có thể xây dựng một Disneyland ở Củ Chi không? Trước đó chúng ta có ý tưởng làm Thảo Cầm Viên nhưng triển khai chậm. Chúng ta phải có ý tưởng về những điểm du lịch tầm cỡ để thu hút nhà đầu tư.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM
Sáng 19-2, UBND huyện Củ Chi phối hợp Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi”. Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Lệ – chủ tịch HĐND TP.HCM.
Giữ làng trong phố
Đưa ý kiến tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo – nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM – đánh giá Củ Chi là huyện ngoại thành có tiềm năng đặc biệt của TP và trong tương lai, Củ Chi có thể trở thành thành phố phía Tây Bắc thuộc TP.HCM. Bà Thảo cho rằng Củ Chi không nên lên quận bởi với cơ chế hiện nay thì chưa chắc lên quận sẽ tốt hơn cơ chế huyện.
Củ Chi có thế mạnh về truyền thống nên có thể phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch về truyền thống, không dễ gì có huyện có 54km hành lang sông Sài Gòn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều khu di tích truyền thống, con người cần cù, hiền hòa.
“Vần đề ở đây là làm thế nào để kết nối những thế mạnh rời rạc này thành chuỗi để thu hút khách du lịch”, bà Thảo nói.
Bà Thảo đề xuất làm tốt công tác quy hoạch, kiến trúc phải giữ lại tỉ lệ nông thôn thỏa đáng cho Củ Chi. Người Việt Nam sợ mất đi giá trị văn hóa, truyền thống, Củ Chi phải gìn giữ, không để tình trạng đô thị hóa tự phát, “phố không ra phố, làng không ra làng”. Đặc biệt quy hoạch phải giữ lại làng trong phố, giữ cho được hành lang sông Sài Gòn.
Đồng thời, Củ Chi cần tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông nghiệp truyền thống. Làm thế nào để du khách đến Củ Chi không chỉ đi địa đạo rồi về mà phát triển các chuỗi dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi gắn với địa điểm du lịch này.
“Tôi từng dẫn khách đến du lịch địa đạo Củ Chi, xuống địa đạo họ hét toáng lên nhưng khi ra khỏi họ mừng vì có nhiều trải nghiệm. Những sản phẩm du lịch như địa đạo, làng nghề cần được phát triển”, bà Thảo nói.
Bên cạnh đó, học làm nông dân như gánh nước tưới rau, cưỡi trâu, làm ruộng… cũng là một sản phẩm du lịch. Mùa hè, học sinh tại TP.HCM phải xuống Bến Tre, Tiền Giang để du lịch nông nghiệp, mò cá lội bùn, nhiều điểm nhân tạo nhưng các em rất thích thú. Tại sao không phát triển những mô hình này tại huyện Củ Chi.
Ẩm thực Củ Chi cũng rất nổi tiếng. Khoai mì, bò tơ, cây thuốc Củ Chi nổi tiếng có thương hiệu, nên kết nối, khai thác những tiềm năng này.
Không chỉ làm du lịch nông nghiệp, bà Thảo cho rằng cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bên cạnh phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng Củ Chi thành TP thông minh. Để kết nối du lịch, bà Thảo cho rằng vấn đề quan trọng vẫn là đầu tư phát triển hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, các tuyến đường sông, xe buýt kết nối với các điểm tham quan.
Phát triển sân khấu thực cảnh, du lịch thể thao tại Củ Chi
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM – Củ Chi có tiềm năng dồi dào về phát triển văn hóa nói chung và các loại hình văn hóa nói riêng. Việc TP.HCM đang đề xuất công nhận Di sản văn hóa vật thể thế giới với địa đạo Củ Chi là hết sức thuận lợi và là động lực thúc đẩy Củ Chi không ngừng vươn lên.
Trong định hướng phát triển du lịch, bên cạnh du lịch nông nghiệp, Củ Chi cần thêm nhiều công trình, sản phẩm văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia, góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội trên địa bàn.
Du lịch Củ Chi rất cần những sản phẩm có thương hiệu và đặc trưng, trong đó Củ Chi nên khai thác thế mạnh có nghệ thuật đờn ca tài tử rất dồi dào trên địa bàn.
Sở Văn hóa và thể thao TP đã phối hợp với huyện Củ Chi xây dựng chương trình hợp tác phát triển văn hóa, trong đó có đề án xây dựng mô hình sân khấu thực cảnh tại khu vực địa đạo Củ Chi, Bến Đình, Bến Dược.
“Đây sẽ là sản phẩm trong chuỗi điểm đến hấp dẫn, kết hợp hệ thống di tích lịch sử, du lịch nông nghiệp sinh thái. Lực lượng biểu diễn nồng cốt chính là những nông dân ở Củ Chi”, bà Thúy nói.
Đồng thời, địa hình Củ Chi cũng rất phù hợp với du lịch thể thao như thể thao khám phá. Bà Thúy đề xuất một số mô hình thể thao tiềm năng như bắn súng sơn, biểu diễn khinh khí cầu, dù lượn… Những mô hình này kích thích phát triển du lịch, văn hóa thể thao trên địa bàn.
Nói đến du lịch Củ Chi, chỉ nghĩ đến địa đạo Củ Chi và hết!
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng – giảng viên cao cấp khoa văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM – đánh giá Củ Chỉ đã và đang là một trong những địa bàn có vị trí nhất định và còn mang nhiều tiềm năng lớn về du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp.
Ông Thắng cho rằng cần làm du lịch nông nghiệp theo mô hình bảo tồn, phát huy nét đặc trưng về tài nguyên, văn hóa, sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế – xã hội mang nét đặc thù địa phương.
Củ Chi có sẵn lợi thế về môi trường, cảnh quan nông thôn, bên cạnh đó là các phong tục, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực và phương thức sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để những nét đặc trưng về con người, đất trời tạo nên đặc trưng nông nghiệp, nông thôn Củ Chi.
Củ Chi cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng cao và thương hiệu mạnh. Ông Thắng cho rằng hiện nay, nói đến du lịch Củ Chi, du khách thường chỉ nghĩ đến địa đạo Củ Chi là hết! Do đó, xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Củ Chi nhằm góp phần tạo ra hình ảnh mới cho Củ Chi trong lòng du khách mọi nơi.
THẢO LÊ