Vợ chồng tiến sĩ bỏ việc về quê trồng rau

136

 

HÀ NỘITháng 8/2020, ở tuổi 37, hai chữ “nghỉ việc” bỗng xuất hiện trong đầu Nguyễn Thị Duyên khi thấy trang trại rau của vợ chồng lỗ tháng thứ 11 liên tiếp.

Chị Duyên quê ở Thái Bình, có bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Australia, quyết định bỏ phố về quê khi đang là chuyên viên một viện nghiên cứu nông nghiệp lớn. Tháng 6/2021, chồng Duyên, anh Nguyễn Đức Chinh, tiến sĩ sinh học tại Nhật cũng nối gót vợ nghỉ việc, toàn tâm toàn ý với nghề trồng rau hữu cơ trên mảnh ruộng đi thuê.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên và anh Nguyễn Đức Chinh bên trang trại rau tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Duyên kể, chị bỏ trốn công việc bàn giấy không phải do bốc đồng mà sau nhiều năm cân nhắc. “Tôi từng nghĩ sẽ rất thoải mái với cuộc sống ở trung tâm Hà Nội”. Nhưng cả ngày chỉ đi về giữa nhà và cơ quan, hết soạn báo cáo rồi làm nghiên cứu, chị bối rối trước câu hỏi: “Liệu đây có phải cuộc sống mình mơ ước?”.

Năm 2015, từ Australia về Việt Nam sau khóa học thạc sĩ, Duyên được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ. Chị mượn mảnh vườn bỏ hoang rộng 1.000 m2, cỏ mọc ngang lưng, làm chỗ thực hành.

Mảnh vườn hình thành sau hơn một tháng thức khuya dậy sớm. Không có tiền thuê nhân công, vợ chồng Duyên được hai đồng nghiệp cùng cơ quan giúp sức. Họ ủ phân hữu cơ từ phân bò, phân trâu rồi mua bã nấm sò, ngâm cá, ốc để thay thế đạm hóa học. Vài tháng sau, lứa rau đầu tiên được thu hoạch, ai nhìn cũng chê vì thấy toàn sâu. Nhưng khi ăn, vị ngọt khiến mọi người bất ngờ, người nọ mách người kia. Số tiền từ bán rau đủ cho Duyên duy trì khu vườn thí nghiệm trong hai năm.

Năm 2017, anh Chinh được học bổng sang Nhật làm tiến sĩ ngành sinh học, Duyên đem con sang cùng chồng. Tại Nhật, một lần anh đọc được cuốn sách về ngành nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Tâm đắc, người đàn ông 40 tuổi ngày nào cũng hí húi ghi chép lại theo những gì mình hiểu, cất đi như tài liệu quý. “Về Việt Nam, chúng ta nhất định phải làm cho bằng được”, Chinh nói chắc nịch với Duyên, tin rằng hai vợ chồng sẽ lập nên cơ nghiệp.

Tháng 9/2019, họ về Việt Nam và bắt tay vào tìm đất xây trang trại trong mơ. Sau vài ngày, hai vợ chồng tìm và thuê được một bãi bỏ hoang rộng 2 ha ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ. Nơi này đồng không mông quạnh, xung quanh không có nhà dân, không cửa hàng, không trạm xăng và Internet yếu. Đối với vợ chồng Duyên, đó là nơi hoàn hảo để xây dựng ước mơ.

Trang trại rau hữu cơ của hai vợ chồng Duyên và Chinh rộng 2ha, trồng đủ loại rau củ, mùa nào thức nấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vẫn phải đi làm để duy trì kinh tế, hàng ngày Duyên và Chinh rời nhà từ 5h sáng, vượt 15 km đến trang trại, làm đến 7h30 về ăn sáng rồi đến cơ quan. Cùng hai đồng nghiệp từng gầy dựng khu vườn 1.000 m2 vài năm trước, họ đào giếng, xây bể lọc nước, kéo điện, làm nhà container… Cuối tuần, bốn người lại quần quật 12-14 tiếng mỗi ngày, làm không ngơi nghỉ. Xây dựng trang trại với hàng trăm công đoạn, họ đều phải tự mày mò, thử nghiệm.

Sau vài tháng làm nông dân, Duyên sụt 5 kg, đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng cuốc đất, trồng rau, tưới nước mỗi ngày. Nhiều hôm cơm đưa lên miệng chẳng nuốt nổi vì say nắng. Vì ít vốn nên ban đầu họ chỉ thuê được bốn công nhân. Ruộng làm không hết, rau mọc được bên này thì bên kia cỏ đã ngang lưng. Suốt một năm đầu lập trang trại, tháng nào họ cũng lỗ.

Không thể làm một lúc hai việc, Duyên xin nghỉ việc cơ quan, toàn tâm toàn ý trồng rau. Bố mẹ thông cảm nhưng họ hàng, bạn bè có người mỉa mai: “Học lắm vào rồi lại làm nông dân”. Bị mắng, ban đầu cô trốn ra góc kín ngồi khóc. Anh Chinh phát hiện, Duyên chỉ vào những vết xước trên tay, đổ lỗi bị gai cào, nhưng thực chất là khóc bởi cảm xúc bấy lâu dồn nén về cuộc sống “bỏ phố về quê” không như mơ.

Đổi lại, những tháng đầu tiên làm nông dân toàn thời gian, lượng khách của Duyên đã tăng gấp đôi, bắt đầu hòa vốn. Họ thuê thêm được bốn người. Hai vợ chồng khấp khởi mừng, đoán định tương lai tươi sáng nên anh Chinh quyết định nghỉ việc cơ quan từ tháng 6/2021, cùng phụ vợ. Chung lưng đấu cật được một tháng thì trang trại nằm trong vùng phong tỏa bởi xã có nhiều ca F0. Tiếp đến, cả Hà Nội giãn cách theo chỉ thị 16.

Không được về nhà, gia đình ba người phải sống trong nhà container 9 m2 giữa cánh đồng, hè nắng nóng hầm hập, mưa thì xối xả, cả đêm mất ngủ bởi tiếng ồn dội mạnh từ trên nóc xuống. Không thuê được người, mỗi ngày ông chồng tiến sĩ phải đi gần 100 km đưa rau cho khách khắp Hà Nội. Từ một người đàn ông da trắng như công tử, anh Chinh cũng trở nên đen nhẻm, tóc tai bờm xờm như người rừng.

Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, chưa kịp mừng thì tháng tiếp theo, trời mưa không ngớt. Trang trại tan hoang, nước ngập trắng ruộng. Thời điểm này, ngày cũng như đêm, Duyên và Chinh cầm cuốc đi khơi thông rãnh nước cứu rau, nhưng tốc độ của người không thể đọ với tốc độ của trời.

“Mất hết rồi”, Duyên bật khóc khi đứng giữa cơn mưa. Chinh đứng cạnh, nước mắt hòa với nước mưa, chẳng biết làm gì, chỉ vỗ vai vợ, động viên: “Cố gắng có ngày trời sẽ thương”.

“Mất trắng rau đợt đó, tám công nhân chúng tôi thương vợ chồng ông bà chủ không có tiền trả công nên bảo nhau đi làm cách nhật, để họ đỡ tiền”, cô Nguyễn Thị Hảo, 65 tuổi, người làm công tại trang trại chia sẻ. Biết chuyện, Duyên gọi mọi người đến, dứt khoát: “Cháu chưa buông tay, các cô cũng không được buông”.

Sang tháng 9, gió heo may về, họ dốc toàn lực cho vụ mới. Chinh cả ngày cắt cỏ, đi cày, gieo hạt, ngâm chế phẩm để bón rau, Duyên hướng dẫn kỹ thuật cho người làm, rồi bán hàng online. Họ gieo hạt gối đầu, hết lứa này đến lứa khác, sau hai tháng thời tiết thuận lợi, cánh đồng lại xanh mướt.

Cô Nguyễn Thị Hảo, người làm công trong trang trại của hai vợ chồng chị Duyên, anh Chinh trong buổi thu hoạch khoai tây tháng 12/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giờ, hai vợ chồng đã có kinh nghiệm, làm gì khi trời mưa, gió to hay nắng tắt, tất cả đều phải sắp xếp phù hợp. Bởi vậy, dù mất trắng đợt rau do mưa nhiều hồi tháng 8, nhưng năng suất năm nay gấp ba năm ngoái. Năm 2021, rau của trang trại cũng đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với việc đẩy mạnh bán hàng, người nọ giới thiệu người kia, từ tháng 11/2021, họ bắt đầu có lãi.

“Hai vợ chồng còn tạo việc làm cho tám lao động ở xã, có người khuyết tật, có người hoàn cảnh rất khó khăn”, bà Hoàng Thị Tuyết, phó phòng kinh tế huyện Phúc Thọ chia sẻ.

Ở trang trại của vợ chồng Duyên chưa bao giờ có đồng hồ báo thức. Khi tiếng gáy của chú gà trống cất lên, họ dậy và bắt tay vào công việc như tưới nước, bón phân, hái rau…. Công nhân tới, mọi người cười đùa thoải mái, ngồi dưới đất cùng trò chuyện và thảo luận kế hoạch trong một ngày. Họ nói về lứa rau mới xanh tốt, chưa xuất đã “cháy hàng”, rồi khó khăn sắp phải đối mặt khi vài ngày tới trời mưa nhiều.

“Có rất nhiều việc khó khăn. Nhưng thành công chắc chắn không dành cho người lười và thiếu kiên nhẫn”, Duyên nhắc công nhân, cũng như nhắc chính mình.

TheomVN Express