Theo một báo cáo công bố ngày 18/4/2025, tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam tới 1.068 GW, chủ yếu nằm vùng biển phía Nam. Trước đây, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng đã xác định ưu tiên khai thác điển gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực
Ngày 18/4/2025, tại Hà Nội, Cục Khí tượng thủy văn (Bộ NN&MT) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam. Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện, cập nhật và có độ phân giải cao về tiềm năng tài nguyên gió biển của Việt Nam – một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực.
Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” đã đưa ra một bộ dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ về khí hậu gió biển Việt Nam trong 30 năm (1991–2020), phục vụ việc xác định tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió ngoài khơi tại các vùng biển ven bờ (tới 6 hải lý) và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ quy hoạch, đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo.

Theo đó, tổng công suất kỹ thuật có thể khai thác 1.068 GW (tính ở độ cao 100m), trong đó công suất vùng biển phía Bắc khoảng 174 GW, phía Nam khoảng 894 GW. Ước tính tiềm năng kỹ thuật đạt 1.068 GW, cao hơn nhiều so với con số 599 GW trong báo cáo “Offshore Wind Roadmap” của Ngân hàng Thế giới năm 2021, chủ yếu nhờ phạm vi khảo sát rộng hơn và mô hình khí hậu được hiệu chỉnh kỹ lưỡng với dữ liệu thực đo trong nước.
Vùng biển ven bờ (đến 6 hải lý) có tổng công suất kỹ thuật là 57,8 GW. Trong đó, một số tỉnh có tiềm năng nổi bật như khu vực biển Bạc Liêu – Cà Mau chiếm gần 30% tổng tiềm năng ven bờ (trên 16 GW); Ninh Thuận – Bình Thuận trên 24 GW, tập trung tại vùng ven các huyện Ninh Phước, Tuy Phong; Quảng Trị – Thừa Thiên Huế có tiềm năng nhỏ hơn nhưng ổn định về tốc độ gió vào mùa đông. Riêng tại đồng bằng Bắc Bộ, vùng biển ven bờ chỉ có tiềm năng đạt 0,17 GW, chủ yếu do vùng nước cạn, quy hoạch hạn chế và giao cắt vùng bảo tồn.
Atlas thể hiện bản đồ tốc độ gió trung bình, mật độ công suất gió, hệ số biến thiên gió, hiển thị chi tiết từng ô lưới 3×3 km trên toàn vùng biển Việt Nam và cho phép tích hợp vào các hệ thống GIS. Dữ liệu có thể hỗ trợ trực tiếp các quy hoạch điện gió quốc gia, địa phương và các dự án đầu tư cụ thể.
Ngoài chỉ số tốc độ gió trung bình, báo cáo còn cung cấp các chỉ số như mật độ công suất, hệ số biến thiên, sự phân hóa theo độ cao tuabin (từ 10-250m), và đặc biệt là phân tích biến động theo tháng và mùa trong năm cũng như đánh giá rủi ro thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động điện gió ngoài khơi.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh chú trọng năng lượng tái tạo
Năm 2024, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050.
Tương ứng, nguồn điện thương phẩm năm 2030 phải đạt khoảng 500,4 – 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 – 1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 đạt khoảng 560,4 – 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 – 1.511,1 tỷ kWh.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đây là nguồn điện phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia nên sẽ hạn chế gây áp lực lên điện lưới.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đề ra lộ trình phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Mục tiêu các nguồn năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ khoảng 28-36% vào năm 2030 và tăng lên đến 74-75% vào năm 2050. Hệ thống lưới điện thông minh được xây dựng, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Cụ thể, về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) là 183.291 – 236.363 MW. Trong đó, nhiệt điện than chỉ hơn 31.000 MW (chiếm tỷ lệ 13,1-16,9%) giảm mạnh so với tỷ lệ trên 50% trong cơ cấu nguồn điện hiện tại. Định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sử dụng sinh khối/amoniac. Đây là yếu tố quan trọng nhằm đạt được cam kết quốc gia về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero).
Lộ trình trên gắn chặt với phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, điện gió trên bờ và gần bờ đạt 20.066 -38.029 MW, chiếm tỷ lệ 14,2% -16,1%. Điện gió ngoài khơi 6.000 – 17.032 MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030 -2035, có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi và giá thành phù hợp.
Điện mặt trời (điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) sẽ ở mức khoảng 46.459 -73.416 MW (chiếm tỷ lệ 25,3 -31,1%).
Điện sinh khối khoảng 1.523 -2.699 MW, điện sản xuất từ rác 1.441 -2.137 MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45 MW. Các nguồn điện này có thể triển quy mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất đai, có nhu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Thủy điện trong khoảng 33.294 -34.667 MW (chiếm tỷ lệ 14,7 -18,2%), và có thể phát triển cao hơn nếu bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước.
Nguồn điện hạt nhân dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035 với công suất 4.000-6.400 MW, và có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi.
Nguồn lưu trữ 10.000 – 16.300 MW chiếm tỷ lệ 5,5-6,9%; Nhiệt điện khí trong nước 10.861 -14.930 MW, chiếm tỷ lệ 5,9-6,3%; Nhiệt điện LNG 22.524 MW chiếm tỷ lệ 9,5-12,3%.
Nguồn điện linh hoạt (nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG, dầu, hydrogen… có độ linh hoạt vận hành cao) 2.000 – 3.000 MW (chiếm tỷ lệ 1,1 -1,3%); Thủy điện tích năng 2.400 -6.000 MW.
Nhập khẩu điện 9.360 -12.100 MW từ Lào, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 4-5,1%), tăng tối đa quy mô nhập khẩu điện từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ hoặc đẩy sớm thời gian nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc nếu điều kiện thuận lợi.
Quy hoạch cũng định hướng đến năm 2050, khoảng 30-60% tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, năng lượng mới sẽ được đưa vào thị trường dưới dạng mua bán điện trực tiếp (DPPA), hoặc cao hơn tùy điều kiện phát triển của thị trường.
THANH HẢI