Hôm nay (6.6), Quốc hội thảo luận tại tổ chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Trao đổi với Lao Động, các đại biểu cho rằng, 2 dự án này nếu được triển khai một cách kịp thời sẽ tạo thành những động lực tăng trưởng cho các vùng kinh tế của cả nước.
Xây dựng vành đai 3, vành đai 4 rất cấp bách
Trao đổi với phóng viên Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, nhiều năm qua, hệ thống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ còn rất hạn chế. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Quốc hội đang xem qua chủ trương xem xét đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TPHCM. Nếu như được thông qua đầu tư, đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Hà Nội và TPHCM là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế, cho nên đầu tư đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt cũng là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Với đường Vành đai 3 TPHCM, đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách.
Cụ thể năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỉ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỉ đồng. Như vậy, khi đầu tư cho đường Vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.
Còn theo đại biểu Hà Quốc Trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển đường cao tốc, đường bộ, hàng không trong chiến lược phát triển chung. Việc xem xét chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm là quyết định quan trọng để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của các vùng. Tuy nhiên, ông Hà Quốc Trị cũng lưu ý, một vấn đề lớn hiện nay mà các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc đó là giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án.
“Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này thì trước hết, từng địa phương phải lập quy hoạch, kế hoạch các vùng khoáng sản phục vụ cho phát triển các tuyến đường này, trong đó phải có quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là khi triển khai các dự án thì phải tập trung các nguồn lực vào giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai thuận lợi, không ảnh hưởng đến tiến độ chung”, đại biểu Hà Quốc Trị nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, dự án đường Vành đai 4 là 1 trong những trục đường quan trọng để giải tỏa ách tắc của hệ thống giao thông đường bộ hiện nay, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng. Tuy nhiên, để dự án được triển khai thuận lợi, không bị ách tắc thì việc giải phóng mặt bằng là vấn đề mấu chốt cần các địa phương tham gia vào cuộc để dự án suôn sẻ, trơn tru.
“Tôi rất mong muốn dự án này khi thực hiện sẽ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và đặc biệt là chủ đầu tư cần có sự quyết tâm cao trong tổ chức thi công, tổ chức thực hiện dự án phải công tâm, khách quan, vô tư, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mình đối với người dân, đối với từng dự án”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Tạo chính sách phát triển liên vùng
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Đoàn TP.Hà Nội cho rằng, Hà Nội là không chỉ là Thủ đô của cả nước mà là vùng Thủ đô của rất nhiều tỉnh, phát triển của Hà Nội phải liên quan đến phát triển của các tỉnh trong vùng. Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô. Nếu dự án này được vận hành, ý nghĩa của “vùng Thủ đô” sẽ thực sự được phát huy tác dụng.
Riêng với thành phố, hiện nay chưa có Vành đai 4, đường Vành đai 3 đã hoàn thành nhưng bị áp lực ùn tắc giao thông rất cao, như vậy chứng tỏ giao thông qua lại tại khu vực này rất lớn, nếu như tình trạng đó không được đáp ứng bằng việc mở rộng đường Vành đai 4 thì không chỉ tạo ra áp lực cho nội thành Hà Nội, gây ra ùn tắc khó khăn mà còn cản trở hoạt động lưu thông mang tính quốc gia. Tất cả đầu mối giao thông từ phía Nam lên phía Bắc, từ phía Đông sang phía Tây đi qua khu vực Hà Nội sẽ đều bị ảnh hưởng nếu không có đường Vành đai 4. Nếu có đường vành đai 4 sẽ giải quyết được kết nối giao thông mang tầm quốc gia.
Về mặt kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khi có đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết vùng Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô. Như vậy, không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa thành các điểm trong vùng. Có đường Vành đai 4 chạy qua, các nguồn lực bên cạnh sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, đô thị… sẽ mang lại nguồn lực rất tốt.
Ông lưu ý, việc rà soát tổng vốn đầu tư là cần thiết, phải lấy căn cứ, kinh nghiệm, đơn giá đã thực hiện các công trình tương đồng để có tính toán phù hợp hoặc thậm chí việc xây dựng cả đường cao tốc và đường song hành là cần thiết.