Vận hành hệ thống lưới điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao

32

Bộ Công Thương và các đối tác phát triển họp bàn về cách vận hành hệ thống điện tích hợp năng lượng tái tạo và đưa ra đề xuất với Việt Nam.

Ngày 27, 28/6 tại Thừa Thiên Huế, Nhóm Công tác kỹ thuật về Tích hợp lưới điện và Hạ tầng lưới điện, thuộc Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) đã có phiên họp đầu tiên trong giai đoạn II. Phiên họp được chủ trì bởi ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương và ông Gareth Ward, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam.

Nội dung thảo luận chính tại phiên họp liên quan đến cách thức vận hành hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, cập nhật xu hướng phát triển và kinh nghiệm trên thế giới, đưa ra các đề xuất đối với hệ thống điện Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có cơ hội tham quan Công ty điện lực Thừa Thiên Huế, Trạm biến áp Phú Bài, và Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền 2, lắng nghe đại diện các công ty chia sẻ về kinh nghiệm vận hành hệ thống cũng như kế hoạch trong thời gian tới.

Đoàn công tác làm việc với Ban lãnh đạo TCT Điện lực Thừa Thiên Huế.

Đoàn công tác làm việc với Ban lãnh đạo TCT Điện lực Thừa Thiên Huế.

Một trong những chủ đề trọng tâm của phiên họp là thống nhất kế hoạch hoạt động của Nhóm Công tác Kỹ thuật về tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện trong năm 2022. Đây là nhóm Công tác kỹ thuật mới thành lập của VEPG sau Hội nghị cấp cao lần thứ 4 năm 2021, cùng với 4 nhóm công tác kỹ thuật chuyên trách khác hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và góp phần định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

Tại phiên họp, Ban thư ký Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) đã cập nhật các sửa đổi trong điều khoản tham chiếu của VEPG sau năm 2021, lắng nghe chia sẻ của các bên liên quan để xác định các chủ đề ưu tiên cho nhóm công tác trong giai đoạn mới. Kết thúc thảo luận, các đại biểu đã thống nhất các chủ đề làm việc trọng tâm của nhóm Tích hợp lưới điện và Hạ tầng lưới điện trong năm 2022 bao gồm: Tích hợp các nguồn điện biến đổi lên lưới; Lưới điện thông minh, cơ chế đấu nối; Hệ thống lưu trữ năng lượng, pin lưu trữ; Mô hình phát điện phân tán.

Nhóm Công tác kỹ thuật trao đổi tại phiên họp.

Nhóm Công tác kỹ thuật trao đổi tại phiên họp.

Đóng góp tham luận về vận hành hệ thống điện Việt Nam, đại diện Cục điều tiết điện lực đã chia sẻ các thông tin tổng quan về hệ thống điện Việt Nam. Theo đó, tổng công suất đặt của Hệ thống điện Việt Nam là 78,682 MW, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là nhiệt điện than (32.28%) và thủy điện (22.23%), theo sau là điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà (lần lượt 11.28% và 9.86%). Để xây dựng và chuyển đổi hệ thống lưới điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, cần cân nhắc các vấn đề liên quan đến quá tải lưới điện và tổn thất công suất trong quá trình truyền tải, nguyên tắc huy động khi thừa nguồn, dự báo các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) đi kèm với năng lượng tái tạo.

Đại diện từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế và những kết quả ban đầu của đơn vị trong phát triển lưới điện thông minh có tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh điện năng, EVNCPC đã lắp đặt thành công 4,41 triệu công tơ điện tử trong hệ thống, giúp quá trình thu thập dữ liệu điện thành công đạt 99,3%. Để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và mới vào lưới điện phân phối, EVNCPC đã nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy điện mặt trời tại Khánh Hòa với công suất 50MW và đưa vào vận hành từ năm 2019. Ngoài ra, tổng công ty cũng đã lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở tổng công ty và một số đơn vị.

Những năm tiếp theo, EVNCPC đã đề ra kế hoạch chiến lược để hỗ trợ tích hợp lưới điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo trên nhiều phương diện, bao gồm công tác quản lý thông tin khách hàng, công tác giám sát, điều khiển các nguồn điện phân tán, cũng như công tác dự báo đối với điện mặt trời mái nhà.

Đoàn công tác đến thăm nhà máy ĐMT Phong Điền 2.

Đoàn công tác đến thăm nhà máy ĐMT Phong Điền 2.

Bên cạnh đó, nhóm công tác cũng được lắng nghe nhiều kinh nghiệm trong vận hành và phát triển hệ thống nguồn điện không phát thải carbon từ các cơ quan điện lực của Anh. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2019, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện của Anh tăng từ 7% lên 37%, trong khi tỷ trọng điện than giảm từ 28% xuống còn 2%.

Với hơn 10 năm theo đuổi mục tiêu giảm phát thải các bon trong hệ thống điện, Tổng công ty lưới điện Anh chia sẻ việc cam kết đạt phát thải ròng carbon bằng 0 giúp các mục tiêu của ngành điện trở nên rõ ràng hơn, đồng thời nhấn mạnh tính linh hoạt để cắt chuyển nhu cầu phụ tải và phát điện, giúp cân bằng hệ thống khi cần thiết là nền tảng quan trọng để xây dựng và vận hành hệ thống điện có tích hợp năng lượng tái tạo thành công. Một số giải pháp để tăng tính linh hoạt bao gồm xây dựng hệ thống liên kết điện, thương thảo điều chỉnh nhu cầu phụ tải để tăng tính linh hoạt từ phía khách hàng, cũng như đầu tư phát triển hệ thống lưu trữ điện.

Phát biểu tại phiên họp, ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết, ngành năng lượng chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, do vậy, chuyển dịch trong ngành năng lượng là đặc biệt quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Một thách thức lớn của Việt Nam là hệ thống lưới điện cần được nâng cấp và tích hợp thêm giải pháp lưu trữ. Chính phủ Việt Nam cũng cần phải đổi mới cách tiếp cận đầu tư công để nhận được tài chính cho các dự án xanh.

“Tiếp nối thành công của COP26, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết mới về khí hậu và quá trình chuyển dịch năng lượng dựa trên nguồn tài chính khí hậu quốc tế”, đại sứ Anh chia sẻ.

Thế Đan (Ảnh: VEPG)