Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành chiếu sáng công cộng

181

Giới thiệu một số công nghệ mới cho tiết kiệm điện năng chiếu sáng công cộng tại hội thảo tiết kiệm điện năng tại Đồng Nai

 

Chủ trương tiết kiệm điện và siết chặt việc tiết kiệm điện đang được ngành điện và chính quyền các cấp cũng như toàn xã hội quan tâm. Trong khi, thị trường tiết kiệm điện đang đưa ra quá nhiều sản phẩm tiết kiệm điện khiến cho người tiêu dùng khó lựa chọn. Vừa qua, một hội nghị về vấn đề tiết kiệm năng lượng được Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai tổ chức đã được đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng quan tâm. Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề về tiết kiệm điện, trong đó, hướng tới ứng dụng khoa khọc công nghệ trong quản lý, vận hành chiếu sáng công cộng.

            * Đưa vào sử dụng công nghệ hiện đại

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cũng như một số doanh nghiệp đã đề cập đến nhiều giải pháp mới cho vấn đề tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng mà vẫn đảm bảo an toàn.

Công nghệ LED Philips là giải pháp chiếu sáng được đại diện Công ty Philips tại Việt Nam trình bày tại buổi hội nghị, giải pháp này nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng liên quan.

Đại diện Công ty Philips cho biết, đèn LED đã mở ra một kỷ nguyên chiếu sáng mới với nhiều tính năng ưu việt như: hiệu năng cao, bền bỉ, thân thiện với môi trường và có thể điều khiển dễ dàng.  Đây là một giải pháp cực kỳ hiệu quả và kinh tế, phát ra ánh sáng trắng đồng đều với chất lượng, độ sáng và cường độ cao. Theo tính toán từ nghiên cứu của công ty, công nghệ này có thể tiết kiệm đến 70% năng lượng.

Ngoài ra, độ bền của đèn LED cũng tiết kiệm được chi phí bảo trì và thay thế so với đèn truyền thống. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc không sử dụng các chất độc hại như chì và thủy ngân trong quá trình sản xuất sản phẩm đèn LED cũng giúp giảm lượng chất thải và ô nhiễm phát sinh.

Quan tâm đến sản phẩm chiếu sáng này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng cho rằng, mặc dù đây không phải là công nghệ mới, tuy nhiên những lợi ích của sản phẩm hiện đang được nhiều địa phương quan tâm, sử dụng trong chiếu sáng công cộng. Đồng chí Chủ tịch cũng yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ cũng như các sở ngành liên quan rà soát lại nhu cầu và xem xét lập kế hoạch để đưa vào sử dụng thử nghiệm trong thời gian tới.

Hiện đèn LED đã được một số tỉnh, thành trong cả nước sử dụng. Thành phố Đà Nẵng nổi bật với cầu Hàm Rồng có thể đổ nhiều màu lung linh đó là do công nghệ LED.

             * Quản lý chiếu sáng khoa học

Cùng với việc đưa vào sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại, công nghệ tiên tiến để tiết kiệm năng lượng, tỉnh Đồng Nai cũng tính toán, áp dụng cách quản lý, vận hành chiếu sáng một cách khoa học để vừa đảm bảo lượng điện cần tiêu thụ lại có thể tiết kiệm điện.

Ông Võ Thành Tín, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai cho biết, để tiết kiệm điện, chúng tôi đã tính toán nhiều biện pháp, trong đó, sử dụng đèn năng lượng mặt trời, thực hiện tắt mở xen kẽ, nâng cấp đèn chiếu sáng…Qua nhiều biện pháp khác nhau, lượng điện năng được tiết kiệm đáng kể mà vẫn đảm bảo đủ ánh sáng cho nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân.

Nói thêm về cách thức ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành chiếu sáng công cộng, ông Đặng Bá Mạnh, …..Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, mỗi năm hội thảo về tiết kiệm năng lượng đều được tổ chức thu hút sự quan tâm của tỉnh và các doanh nghiệp, qua đó cũng cập nhật những công nghệ tiết kiệm điện năng hiệu quả nhất.

Một phần lớn điện năng cho chiếu sáng nơi công cộng là phục vụ cho giao thông. Tại Đồng Nai, ngành giao thông vận tải cũng như các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đang tìm mọi biện pháp để sử dụng nguồn năng lượng sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Ông Võ Thành Tín, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai cũng cho biết, lượng điện năng cho chiếu sáng công cộng nói chung và chiếu sáng các tuyến giao thông nói riêng là rất lớn. Hiện tại, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã được lắp đặt sâu rộng trên các tuyến đường giao thông, với 84,85km đường chính cấp đô thị, 64,406 km đường chính cấp khu vực và trên 26 km đường ngõ, xóm. Cùng với hệ thống đường, toàn thành phố hiện cũng có 9 công viên được chiếu sáng công cộng. Hệ thống chiếu sáng toàn thành phố sử dụng bộ đèn cao áp hiệu suất cao, trong đó, loại đèn HPS 2 cấp công suất 250/150W là 689 bộ. Hiện tại, hệ thống đèn chiếu sáng với hiệu suất thấp đã được thay thế hoặc xóa bỏ như bóng đèn thủy ngân, đèn sợi tóc. Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai hiện cũng đang quản lý vận hành tổng cộng khoảng 8.600 bộ đèn, 17 tủ điều khiển và 40 nút đèn tín hiệu giao thông.

Với chủ trương tiết kiệm điện bằng nhiều biện pháp khác nhau như: đưa vào sử dụng năng lượng thay thế, quản lý khoa học và các công nghệ chiếu sáng mới, nguồn năng lượng mặt trời hiện đang được sử dụng cho đèn cảnh báo tín hiệu giao thông và đèn cảnh báo trên các giải phân cách. Ngành giao thông cũng đang tích cực thực hiện chủ trương tiết giảm công suất tiêu thụ đèn điện chiếu sáng, nâng cấp đèn chiếu sáng, thay thế đèn cũ bằng những bóng đèn tiết kiệm điện năng…Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai, việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện năng đã giúp tiết giảm ngân sách nhà nước từ 20-24% trong năm 2012 vừa qua so với năm trước.

Tiếp tục thực hiện các chính sách tiết kiệm năng lượng, trong thời gian tới Đồng Nai tiếp tục phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành chiếu sáng công cộng, nâng cấp đèn chiếu sáng 1 cấp công suất thành đèn chiếu sáng 2 cấp công suất, áp dụng năng lượng mặt trời cho chiếu sáng sử dụng bóng đèn LED trên các tuyến đường chuẩn bị đầu tư và sử dũng rộng rãi năng lượng mặt trời trong đèn tín hiệu giao thông.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh cũng cho biết,theo thống kê của ngành, hiện tại có trên 90% bộ đèn được sử dụng có công suất lớn hơn theo yêu cầu, do đó lượng điện năng bị tiêu hao phục vụ cho các tuyến giao thông là rất lớn. Tình trạng này đang gây nên một sự lãng phí đáng lo ngại. Tuy vậy, mức độ chiếu sáng đồng đều chỉ đạt khoảng 60%. Việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện năng lại vừa đảm bảo nhu cầu là điều quan trọng. Để tiết kiệm điện năng, Ban An toàn  giao thông tỉnh đã đưa vào sử dụng hệ thống đèn LED thay thế đèn sợi đốt từ năm 2004. Ngoài ra, ngành cũng cập nhật và đưa vào thiết bị chiếu sáng tự động, sử dụng năng lượng mới áp dụng các biện pháp quản lý, vận hành khoa học nhất để tiết kiệm năng lượng. Ngành giao thông sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng mới thay thế điện năng đồng thời sẽ tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng các thiết bị cảnh báo, đèn báo. Tiến hành rà soát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng năng lượng điện một cách  phù hợp nhất.

Diệu Linh