Theo hãng Reuters, ngày 21/9/2021, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
Ảnh ông Tập Cận Bình trên bài của Reuters
Hãng Reuters cho rằng, mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết, động thái này có thể hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy điện than ở các nước đang phát triển. Trung Quốc đã phải chịu áp lực lớn về bình diện ngoại giao trong việc chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than ở nước ngoài, mà điều này có thể giúp thế giới giảm lượng khí thải carbon vàdễ dàng hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu của hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình tiếp nối các động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản vào đầu năm nay. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry đã từng thúc giục Trung Quốc cần có những tuyên bố thắt chặt đầu tư điện than như các quốc gia trong khu vực.
“Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh vàthúc đẩy nguồn năng lượng carbon thấp, đồng thời sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”, ông Tập nói trong bài phát biểu ghi hình trướctại cuộc họp thường niên của Liên Hợp Quốc, trong đó ông nhấn mạnh ý định hòa bình của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.
Ông Kerry nhanh chóng hoan nghênh thông báo của ông Tập, gọi đây là một “đóng góp to lớn” và là khởi đầu tốt đẹp cho những nỗ lực cần thiết để đạt được thành công tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow, Scotland sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 12/11/2021. “Chúng tôi đã trao đổi với Trung Quốc trong một thời gian khá dài về vấn đề này. Và tôi rất vui mừng khi biết rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra quyết định quan trọng này”, Kerry chia sẻ.
Alok Sharma, người đứng đầu COP26, cũng hoan nghênh tuyên bố này. “Sự kết thúc của điện than đang trở nên ngày càng rõ ràng. Tôi hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Tập về việc ngừng xây dựng các dự án than mới ở nước ngoài. Đây cũng là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của tôi trong chuyến thăm Trung Quốc”, ông nói trên Twitter.
Ông Tập phát biểu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hợp Quốc. Biden đã vạch ra một kỷ nguyên cạnh tranh mới mà không có nguy cơ diễn ra một cuộc Chiến tranh Lạnhbất chấp sự đi lên của Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu mang tính cẩn trọng, ông Tập không đề cập trực tiếp đến sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc với Hoa Kỳ, khi chính quyền Biden đã đưa các chính sách về giảm thiểu biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu và tìm cách hợp tác với Bắc Kinh. Ông Tập đã lặp lại các cam kết từ năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ đạt được mức phát thải carbon dioxidecao nhất trước năm 2030 và carbon trung hòa trước năm 2060.
Một số chuyên gia đã chỉ trích những mục tiêu của Trung Quốc là không đủ tham vọng, nhưng nó vẫn đủ để Bắc Kinh thể hiện sự quan tâm về vấn đề này sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người từng gọi biến đổi khí hậu là một việc “không có thật”, đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Trung Quốc – quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, vẫn phụ thuộc nhiều vào than cho nhu cầu năng lượng trong nước.
Một trong những động thái đầu tiên của Tổngthống Biden sau khi nhậm chức vào tháng Giêng là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu và đưa Hoa Kỳ trở lại hiệp định Paris.
Justin Guay, giám đốc chiến lược khí hậu toàn cầu tại Sunrise Project, một nhóm vận động cho quá trình chuyển dịch toàn cầu khỏi than và nhiên liệu hóa thạch, có phát biểu về lời tuyên bố của ông Tập. “Trung Quốc là quốc gia cuối cùng. Nếu như không có nguồn tài chính từ Trung Quốc, sẽ có rất ít hoặc hầu như là sẽ không còn sự gia tăng của than trên toàn cầu”.
Guterres hoan nghênh cả động thái của Chủ tịch Tập và việc Tổng thống Biden cam kết làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để tăng gấp đôi ngân sách vào năm 2024 (lên 11,4 tỷ đô la mỗi năm) để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông cho biết: “Đẩy nhanh giai đoạn loại bỏ điện than trên toàn cầu là bước quan trọng nhất để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris”.
SÁU NGHỆ
(Theo bản dịch của GreenID)