Trò chuyện với HLV Mai Đức Chung

50

 

Thanh An: Xin chào HLV Mai Đức Chung, nhìn lại chặng đường mấy chục năm gắn bó với bóng đá nữ, cụm từ gì khiến ông nghĩ đến đầu tiên?

HLV Mai Đức Chung: Quá hạnh phúc!

Bởi vì cuộc đời này coi như tôi đã cống hiến trọn vẹn cho nghề mình yêu và nhận lại được quá nhiều yêu quý.

Cũng có người cho rằng tài trí của cá nhân mới làm nên thành công cho cả tập thể. Các bạn trẻ thường nhắc đến cụm từ “gánh team” đấy. Nhưng với tôi, phải có tập thể đoàn kết mới tạo điều kiện để cá nhân trở nên xuất chúng, để cá nhân tạo lập được thành công đặc biệt. Mà đúng thật, nhờ có bóng đá nữ Việt Nam mới có ông Chung “gái” thành công và danh tiếng ngày hôm nay.

Nhận được bao nhiêu thành quả ngọt ngào như vậy, tôi vui và hạnh phúc lắm.

Thanh An: Để có niềm vui và hạnh phúc ngày hôm nay, ông nghĩ mình cần phải nhắc đến ai?

HLV Mai Đức Chung: Khi trọng tài thổi hồi còi kết thúc trận đấu giữa mình với Đài Loan (6/2/2022), người tôi lúc ấy lâng lâng choáng váng lắm.

Thắng rồi à?

Với chiến thắng này tuyển nữ Việt Nam đứng thứ 5 ở Châu Á, trực tiếp bước vào vòng chung kết World Cup, mừng vui khôn tả. Tất cả cầu thủ, ban huấn luyện mọi người cứ thế ùa vào ôm lấy nhau. Lúc đấy mình tưởng mình như trẻ con ấy. Sung sướng tột độ.

Mấy phút trước khi vào cuộc họp báo sau trận đấu, tự nhiên tôi cầm điện thoại gọi về cho một người đặc biệt – vợ tôi:

– “Mình thắng rồi em ơi!

Huấn luyện viên Mai Đức Chung và vợ. Ảnh: Đỗ Linh

Tiếng vợ tôi run run lên ở đầu bên kia: “Em biết rồi. Ở nhà em xem mà không dám xem hết. Khi người ta gỡ hòa em lại tắt đi… Gần hết trận em mới bật lên thì đã 2 – 1 rồi. Sướng quá! Trọng tài chưa thổi hết giờ em đã thấy sướng. Mình ơi, anh giỏi lắm!

Đấy, hóa ra vợ ở nhà hồi hộp y như mình ở trên sân. Cho nên người đầu tiên tôi muốn nói lời cảm ơn đặc biệt luôn là vợ mình.

Thanh An: Nhiều người trong nghề chia sẻ với tôi rằng, các HLV nam vừa “chê” vừa “ngại” làm việc với đội nữ. Chê vì nhiều lẽ: ít tiền, ít danh vọng và ít được đầu tư. Ngại vì quan trọng lắm, ít người vợ nào ủng hộ chồng đứng đầu một tập thể toàn nữ. Còn ông thì thế nào?

HLV Mai Đức Chung: Sự thật là thế đấy.

Phải có người thân làm thể thao chuyên nghiệp hoặc tham gia huấn luyện các đội tuyển quốc gia, bạn mới hiểu gia đình họ đã hy sinh khủng khiếp như thế nào cho giấc mơ huy chương của đất nước. Vợ tôi là một người như vậy. Suốt hơn 45 năm kết hôn cũng là hơn 45 năm bà ấy hy sinh và nuôi dưỡng đam mê bóng đá của chồng. Chắc tôi đã bị bà ấy đã đuổi ra khỏi nhà lâu rồi nếu mình không nghĩ đến cảm xúc của vợ. Bà ấy sẽ cấm và không cho đi huấn luyện hay công tác biền biệt ngay.

Kể từ năm 1997 bắt đầu huấn luyện đội nữ, tôi luôn giữ một nguyên tắc bất di bất dịch. Trong quá trình tập luyện, sinh hoạt… nếu vận động viên (VĐV) có vấn đề gì thì tôi gọi ra gặp riêng. Gặp riêng nhưng ở trên sân bãi – mọi người nhìn thấy hết, hoàn toàn trong sáng, đàng hoàng cho cả mình lẫn VĐV. Suốt 25 năm qua không bao giờ tôi gọi riêng bất kỳ ai vào phòng, kể cả phòng làm việc.

Thanh An: Đã bao giờ ông nghe vợ phàn nàn về công việc của mình chưa?

HLV Mai Đức Chung: Có chứ. Chặng đường làm HLV của tôi đã 40 năm trôi qua rồi cơ mà. Cũng có những lúc chạnh lòng, bà xã phải lên tiếng chứ.

Kể từ hồi đang làm cầu thủ đá bóng cho đến khi chuyển sang công tác huấn luyện, thường xuyên, cứ đến ngày Ba mươi, Mùng 1 Tết là tôi lại xách vali lên đường. Năm nào may mắn chắc được ăn Tết đúng hôm Ba mươi, sáng mùng 1 đã phải đi tập trung rồi.

Hồi đó kinh tế khó khăn, con thì bé mà chồng cứ đèo đẽo xa nhà. Người phụ nữ phải đứng lên lo đủ mọi chuyện trong ngoài.

Thằng bé thứ hai nhà tôi bị viêm tai giữa. Có những lần con lên cơn sốt, tai sưng vù, mủ nước chảy ra cả cổ áo. Vợ ở nhà phải lấy xe đạp cho thằng lớn ngồi yên sau, thằng bé ngồi ghế phụ lắp ở ghi đông, chở cả hai con vào viện Nhi trên phố Đê La Thành giữa nửa đêm. Khổ lắm.

Các con lớn lên bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm bố không ở nhà, mình bà ấy vừa phải nuôi, phải dạy, phải lo lắng hết. Sáng mẹ đến trường đi dạy thì đèo luôn hai con đi học, chiều lại làm một tua khắp mấy chốn đón con về. Người bà ấy bao nhiêu năm nay vẫn bé tý như thế. Có lẽ vì được chút sức nào bà ấy đều dồn hết vào từng bánh xe đạp để nuôi con từ bé xíu cho đến tận bây giờ, trưởng thành ngồng ngỗng hết cả rồi.

Cho nên lúc đi xa tôi rất thương vợ ở nhà vất vả. Thương rồi lại càng nể vợ.

Bạn thấy đấy, mọi thứ trong nhà tôi hôm nay có được đều từ công sức lao động, mồ hôi nước mắt của cả hai vợ chồng tích góp lại. Vợ tôi làm nghề giáo cũng dạy thêm dạy thắt, tích góp từng đồng. Tôi thì chỉ nhìn vào đồng tiền lương, tiền thưởng của những lần vô địch SEA Games, vô địch Đông Nam Á… Từ 2003 tôi đã được thưởng, cũng kha khá đấy bạn. Thế là về đưa cho vợ. Vợ mới chắt chiu, chịu khó giữ gìn. Đến tận 2021 mới có tiền để sửa nhà. Nhưng cũng đã đủ đâu. Bà ấy lại đi vay thêm ngân hàng đấy chứ.

Thanh An: Ồ, hóa ra HLV Mai Đức Chung đang đi vay nợ để sửa nhà?

HLV Mai Đức Chung: Có lần bà ấy bảo tôi chở ra ngân hàng rút tiền vay về thanh toán công thợ thì mới biết, à, ra là sửa nhà phải đi vay thêm vào đấy.

Thế nhưng cũng đã biết ở nhà bà ấy vay bao nhiêu đâu.

Bởi vì 2021 quả thực là năm tôi rất bận rộn với đội tuyển. Trước khi đi tập huấn cũng chỉ kịp dặn con trai làm vừa phải thôi, ổn định để ở thôi. Đừng vẽ ra nhiều rồi không có tiền đâu. Đi vay đi nợ lại khổ. Nhưng con cái có cái lý của bọn trẻ. Nhà cũ quá rồi lại thêm chuyện ngày xưa vì diện tích hẹp nên hai nhà sát vách xây ghép tường với nhau. Nay đã một công sửa, nếu không làm cho đàng hoàng, mai này chẳng mấy mà hỏng.

Ngày xưa bạn biết không? Mỗi lần mưa, nhà người ta thì mát mà nhà mình cứ xối xả nước ngấm từ trong tường chảy ra giữa phòng. Mẹ chồng với con dâu người lấy khăn thấm thấm, người lấy chậu hắt nước ra ngoài.

Đến hôm nay, mình ngồi với nhau thế này chứ nhà chưa dọn dẹp, trang hoàng được gì đâu. Nhưng nhìn cái nhà mới sáng sủa, đường hoàng, vợ vui một mà tôi vui hơn cả mười phần đấy bạn. Người ta bảo “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tổ ấm hôm nay của tôi nếu được 10 phần, trong đó, có lẽ vợ con đã phải vun vén đến cả 9 phần công sức.

Thanh An: Trước đây và cho đến tận bây giờ, các CLB bóng đá ở V-League vẫn luôn muốn mời ông về làm HLV với mức lương, tôi được biết, rất cao.

HLV Mai Đức Chung: Đúng rồi. Về các CLB đó thu nhập đương nhiên không phải mấy chục triệu mỗi tháng đâu. Có khi phải hơn cả trăm triệu/tháng đấy.

Thanh An: Tại sao ông lại từ chối?

HLV Mai Đức Chung: Bởi vì tôi đã ký hợp đồng làm việc với LĐBĐVN rồi.

Tất nhiên đồng lương không thể bằng ở CLB được. Một HLV bóng đá nam trung bình ở V-League có thể đạt mức lương cỡ vài tỷ/năm. Nhưng mình có bao giờ được tiền tỉ như vậy đâu. Lương của tôi bây giờ Liên đoàn bóng đá trả theo hợp đồng cũng được mấy chục triệu/tháng. Không dư giả cũng không phải giàu có. Biết tiết kiệm một chút thì đủ ăn đủ tiêu, có thêm chút cho các cháu, các con. Nói thật là thế, không có gì phải dấu diếm.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung trao đổi cùng phóng viên. Ảnh: Đỗ Linh

Nhưng khi theo nghề một cách chuyên nghiệp, tôi có quan điểm rất rõ ràng, đã ký hợp đồng với ai thì trung thành, làm hết mình. Hợp đồng chưa hết hạn hoặc mục tiêu huấn luyện còn dở dang, chưa đạt được mong muốn thì cố gắng làm cho bằng được. Đừng nghĩ chỗ này tốt hơn, chỗ kia hấp dẫn hơn lại nhảy ra nhảy vào, cuối cùng chả đâu vào đâu cả. Tôi đã chọn làm ở đâu thì tuyệt nhiên ổn định tâm lý làm một nơi. Chỉ một tâm niệm làm cho bằng được mục tiêu mình và người thuê mình cần đạt. Thế thôi.

Thanh An: Mục tiêu ban đầu mà ông và người thuê ông đặt ra liệu có phải là World Cup?

HLV Mai Đức Chung: Chú ơi tới đây FIFA sẽ mở rộng số lượng đội bóng nữ tham gia World Cup từ 26 lên 32 đội. Cơ hội để Việt Nam được vào World Cup trong chục năm nữa là rất sáng. Nhìn đi nhìn lại, Liên đoàn thấy chỉ có chú làm nổi việc này thôi. Chú về giúp chúng cháu, giúp bóng đá nữ nhé!“.

Năm 2017, anh Trần Quốc Tuấn (Quyền Chủ tịch VFF hiện nay – PV) đã đến tận CLB tôi đang làm việc, tìm gặp và thuyết phục phụ trách lại đội nữ. Như vậy là cách đây 6 năm Liên đoàn đã nhen nhóm tham vọng World Cup cho bóng đá nữ rồi. Mục tiêu của chúng tôi lúc đó là sau ít nhất 10 năm nữa, Việt Nam có thể vào World Cup.

Bởi vì đã làm việc với bóng đá nữ từ năm 1997, cho nên tôi hiểu tham vọng này hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, Việt Nam có rất nhiều thế và lực cho bóng đá nữ. Tuy nhiên, phải làm những gì để đạt được mong ước mới quan trọng. Muốn có thành tựu thì phải đầu tư thôi. Tôi hỏi, Liên đoàn định hiện thực hóa giấc mơ World Cup như thế nào và trong bao lâu? Thế và Liên đoàn hành động đấy.

VFF đã kết hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao cho ra đời Trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ với 2 lớp U14 và U16. Thuê nhiều HLV trẻ có chuyên môn rất tốt, đạo đức và tình yêu với bóng đá nữ về huấn luyện. Ngay từ lúc đấy đến nay cũng đã cung cấp hơn chục cháu lên tuyển Quốc gia rồi. Chứ nói thật, với quá nhiều khó khăn hiện tại của bóng đá nữ, lực lượng để tăng cường cho tuyển làm gì còn nguồn nào khác.

Khi chưa có trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ, chúng ta phải đợi trong khoảng thời gian rất dài may ra mới có được vài tài năng để bổ sung lên tuyển. Nhưng với sự ra đời của trung tâm này thì thời gian tìm và nuôi tài năng đã được rút ngắn đi rất nhiều.

Thanh An: Từ 2017 bắt đầu nhen nhóm thì đến 2022, tuyển nữ Việt Nam đã thực hiện được ước mơ thi đấu Chung kết World Cup. Có nghĩa là chỉ khoảng 5 – 6 năm đầu tư thôi mà chúng ta đã làm được điều rất khó này?

HLV Mai Đức Chung: Đầu tư bóng đá nữ rất rẻ, không bằng phần nhỏ của bóng đá nam, nhưng thành công thì xuất sắc.

Một ngôi sao như Quang Hải, tiền lót tay phải từ 10 -15 tỷ một năm. Đấy chỉ là tiền lót tay thôi chưa nói đến lương vài chục triệu/ tháng, tiếp tục lại còn thưởng nữa. Trong khi đó, nếu có 10 – 15 tỷ là đủ nuôi nguyên đội bóng đá nữ mấy chục con người suốt cả năm trời.

So sánh một tí thế thôi cũng đủ cho bạn thấy nuôi một đội bóng nữ rất dễ về mặt tiền bạc. Cái khó lại nằm ở sự tỉ mỉ, chăm sóc, dạy dỗ từ cái ăn cái ở, từng nếp sinh hoạt tập thể cho đến từng bài tập trên sân. Nếu mình không tận tâm, không kiên trì thì vứt.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung trên sân tập. Ảnh: Minh Đức

Bản thân tôi đã từng huấn luyện cả nam và nữ, phải nói rất thật, dạy nữ đá bóng kỳ công và vất vả cực kỳ luôn. Nữ vốn đã chân yếu tay mềm, tiếp thu chiến thuật chậm hơn và không tinh quái bằng nam. Ai cũng hiểu bóng đá là môn đối kháng mạnh mẽ mà không rèn thể lực nghiêm, để có sức mạnh thì làm sao đá được, sao đấu được với cầu thủ châu Âu, Bắc Á, Đông Á to đùng to đoàng?

Thiệt thòi đủ đường nhưng bù lại, con gái ấy mà, các cháu có nhiều giấc mơ và khao khát bứt phá đẹp đến nỗi mình bị thuyết phục. Có những đứa, cả làng phản đối nhưng nó vẫn quyết tâm. Nó hỏi, “Bác ơi, cháu chỉ muốn đá bóng thôi thì có gì sai?“.

Chính vì mơ ước đó của chúng nó không có gì sai cả nên tôi mới muốn biến mọi giấc mơ của những cô bé đó thành hiện thực.

Nhưng mà ôi giời ơi, sau tất cả công việc chuyên môn ra thì HLV đội nữ còn phải thường xuyên làm một loại công việc. Việc này vô cùng bận. Vì nó là sự vụ chỉ khi phụ nữ ở với nhau mới phát sinh. Tôi vẫn đùa với học trò của mình, một cơ quan có 5 bà đã đau đầu rồi, ở đây bác lại quản lý đến ba mươi mấy “con hổ cái”. Chúng nó cứ cười…

Thanh An: Cảm giác như ngoài công việc chuyên môn ra, HLV Mai Đức Chung còn là một bậc thầy tâm lý ở tuyển quốc gia nữ Việt Nam?

HLV Mai Đức Chung: Đúng như thế.

Người thầy là phải làm công tác tâm lý thật tỉ mỉ thì mới được. Chứ mình chỉ có ra sân dạy chuyên môn xong về phòng hoặc về nhà, chẳng chú ý quan tâm đến VĐV thì làm sao chúng nó hết mình được. Mình phải làm những công việc đó thôi chứ.

Hồi đá giải Quốc gia giữa Quảng Ninh và TP.HCM đấy. Mấy đứa đá bậy nhau rồi lao vào đánh nhau. Ngày gọi tập trung đội tuyển, tôi phải làm công tác tư tưởng và dứt khoát đoàn kết. Người đứng đầu một tập thể không làm được việc đấy thì vứt đi.

Tôi gọi mấy cháu ra chia sẻ rõ quan điểm: “Vừa rồi bác và tất cả mọi người đã gây dựng cho bóng đá nữ rất nhiều việc tốt rồi. Nhưng tốt đến mấy thì cũng chỉ các cháu mới quyết định giữ được hay làm mất đi thôi. Riêng nữ đá bóng trong con mắt người Việt Nam truyền thống là người ta đã ít có cảm tình rồi. Bây giờ các cháu bảo yêu bóng đá mà không đá bóng lại đánh nhau trên sân. Chị em cùng đá bóng vốn đã khổ cực như thế rồi tại sao còn đánh nhau? Các cháu thấy đẹp không?“.

Bác chỉ có một điều kiện, các cháu đã chọn rồi là phải làm cho bằng được. Bác nhìn bằng con mắt của bác, không thực hiện tốt, chỉ cần một ý mất đoàn kết nào đó thôi, bác cho về ngay. Không nói hai lời!”

Bác cho các cháu chọn, đoàn kết hay tan đàn xẻ nghé?

Mấy đứa chỉ im và rất biết nghe. Khi ăn cơm còn gắp cho nhau, lúc tập đứa này đau thì đứa kia ra dìu đỡ. Chỉ cần những cử chỉ chân thành đó thôi, mình đã thấy tốt rồi. Yên tâm huấn luyện thôi.

Thanh An: Người ta vẫn nói với tôi, HLV Mai Đức Chung là người hòa nhã, ít tranh luận, nếu có thể sẽ chọn phần nhường nhịn. Liệu có lúc nào và ở đâu khiến ông phải chọn gai góc hay đấu tranh không?

HLV Mai Đức Chung: Có chứ.

Mọi việc tôi làm luôn tuân theo một mục đích – giúp VĐV tiến bộ. Và đúng là sống ở đời thì nên yêu thương nhau. Yêu thương có nhiều cách. Trong sinh hoạt hay tranh luận, nhường một chút chính là thương. Còn trên sân tập đối xử với nhau công bằng, cương quyết, dứt khoát mới chính là yêu. Thầy ra thầy, trò ra trò mới là yêu thương.

Người thầy mà chỉ mềm mỏng thì học trò rất dễ chủ quan, coi thường nội quy hoặc không chấp hành.

Thầy mình dễ quá, tập lười thêm tý cũng được.

Nội quy đưa ra đấy nhưng thầy chẳng kiểm soát thì nhờn chút có sau đâu?

Chỉ cần một chút thế thôi là VĐV sẽ tuột dốc, ảnh hưởng ngay đến thành tích toàn đội, ảnh hưởng luôn cả kết quả huấn luyện của HLV. Điều đó là không hề tốt. Vậy thì mình phải cương quyết với quy định và những lằn ranh đã được thống nhất với nhau.

Ảnh: Đỗ Linh

Có những buổi VĐV ra tập muộn giờ quy định. Trợ lý báo và chính cháu ấy đến xin lỗi vì vào muộn. Mình chỉ bảo: “Cháu tập luôn đi, mọi người chờ đủ rồi“. Đến hết buổi tập, tôi nhắc “cháu gặp bác một lúc“.

Mọi lý do bác hiểu hết nhưng không được rồi cháu ạ. Làm gì cũng không được đến muộn giờ tập, để mọi người phải chờ mình. Theo quy định, cháu nộp phạt 200 ngàn” – Tôi nói vậy mà cháu VĐV đó xin rối rít: “Ôi, bác ơi! Cháu xin bác. Cháu không bao giờ dám muộn như này nữa đâu…” Tôi chỉ im lặng đi về. Từ đó về sau, không bao giờ tôi thấy cô này vào muộn giờ nữa.

Con bé hoảng là đúng, nó không có tiền thật. Nhưng quy định bất kỳ ai vào tập muộn đều bị phạt 200.000 đồng là có ngay từ đầu rồi. Thôi, với nữ thế là nhiều lắm rồi. Mấy đứa trong đội còn rên giời lên: “200 ngàn, nhiều thế!” Trong khi đó, đội nam tôi phạt lỗi này đến 1 triệu đồng mà chúng nó vẫn bình thường. Nữ nghèo lắm.

Thật ra hôm đó tôi dọa thế rồi lại trừ 200 ngàn tiền riêng của mình vào lỗi của cháu nó. Mình không nỡ trừ tiền học trò thì phải trừ tiền của thầy để tất cả mọi người nhìn vào còn tôn trọng luật.

Thanh An: Ôi, tôi tưởng ông gai góc như thế nào. Hóa ra gai góc bằng cách hy sinh chính mình ư?

HLV Mai Đức Chung: Đấy, nhiều lúc cũng phải nghĩ thoát ra như thế, nhịn đi một tý cho bọn trẻ con có cơ hội tốt hơn.

Tại vì mình là người lớn tuổi, là người bác người bố của chúng nó rồi. Bây giờ mình kêu khó, kêu khổ hay chùn bước thì chúng nó lấy đâu ra động lực?

Có nhiều bạn bè tôi gọi điện nhắc: em xem trên vô tuyến thấy mặt anh đen xạm đi. Bây giờ mình có tuổi rồi, anh lấy cái mũ đội vào chứ đứng nắng kia không an toàn chút nào đâu.

Tôi chia sẻ thẳng luôn, chẳng bao giờ tôi đội mũ khi học trò thi đấu. Chống nắng hay giữ sức khỏe có nhiều cách. Bây giờ VĐV mưa cũng như nắng bất chấp hết, lao mình ra nào đá, nào chạy, nào xoạc, nào tì đè chảy cả máu… mình đứng che mát một góc còn gì là thầy nữa?

Đội tuyển lần này tôi đưa đi là 23 cháu. Trong những lúc tập trung, tập huấn có thể lên đến hơn 30 cháu. Mình cũng chẳng thể nào hiểu rõ hết nội tâm VĐV từng phút một. Nhưng mình có con mắt nhìn, bằng kinh nghiệm của mình, mình hiểu rằng lúc nào VĐV cần gì ở thầy.

Giữa năm 2021, khi còn tấp huấn trong nước, chiều hôm ấy tôi thấy một cháu trong đội tập không tốt. Sao hôm trước tập rất tốt mà hôm nay chểnh mảng, có vấn đề gì thế này? Hết buổi tập tôi nói: “Ra đây cho bác gặp một lúc“.

Bác cháu nói chuyện thì con bé vừa cầm quả bóng vừa thổ lộ: “Mai là ngày giỗ đầu của mẹ, không được về thắp hương cho mẹ lần này nên cháu…

Thế là ngay lập tức tôi quyết định: “Cháu chọn phương án đi. Ăn xong cơm chiều với mọi người cho no rồi mới về hoặc cần thiết thì ra xe về quê luôn với mẹ. Bác cho cháu về ngay. Buổi tập chiều mai cháu có mặt ở đội“.

Rồi mình gửi cháu ít tiền về thắp nén hương cho mẹ. Lúc đầu bạn ấy không dám nhận nhưng sau thấy tấm lòng của bác thì cháu nó cầm. Thế mà giờ tập buổi sáng hôm sau đã thấy có mặt rồi. Nhanh thế chứ lị. Hóa ra nó đi cả mấy trăm cây số về thắp hương cho mẹ xong lại bắt xe quay lên tuyển ngay trong đêm.

Thanh An: Sau mọi tình yêu, mọi cố gắng, nỗ lực các cầu thủ nam còn có thể nghĩ đến danh vọng, tiền bạc… còn cầu thủ bóng đá nữ thì sao?

HLV Mai Đức Chung: Đời nào mơ được thế?

Có bạn lương mỗi tháng được 2,1 triệu bạc thì bạn bảo lót tay với danh vọng cái nỗi gì.

Bạn còn phải tưởng tượng như này, ở địa phương phòng sinh hoạt của các cháu ấy, nằm dưới gầm cầu thang sân vận động. Nắng như thế chiếu xuống bậc xi măng giữ nhiệt lên đến gần 40oC cả đêm thì chúng nó ngủ sao được. Thế là phải chung nhau, bỏ tiền ra trả tiền điện để được nằm điều hòa. Mà phải những hôm nào nóng quá, không thể ngủ quạt mới dám bật điều hòa đấy nhé. Cuối tháng trừ hết mọi khoản xong, mỗi đứa chỉ còn 1,9 triệu.

Tôi đã phải gọi điện về địa phương đấy để hỏi lý do làm sao VĐV phải chịu cảnh đó cơ mà.

Thanh An: Năm 2021? VĐV sống như thế nào với mức lương 1,9 triệu mỗi tháng họ nhận?

HLV Mai Đức Chung: Chính năm ngoái chứ lâu lắc gì đâu.

Những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam là vàng ở đâu chứ các cháu ở đây chỉ thấy vàng cả mắt với nhau thôi.

Họ được lo ăn uống và sinh hoạt phí theo chế độ, nên rất tiết kiệm mọi khoản phát sinh bởi vì đứa nào cũng đều mặc định một trách nhiệm: gửi tiền về cho bố mẹ. Các cháu chia sẻ, nếu không có thưởng đột xuất thì mỗi tháng cũng cố gắng gửi về nhà 1,5 triệu, chỉ giữ lại tầm 400.000 đồng cho mọi khoản như xà phòng, kem chống nắng, kem dưỡng da, băng vệ sinh… các thứ. Còn thêm cả son nữa. Phụ nữ mà ai cũng muốn mình xinh đẹp.

Bởi vì thế nên bạn nói đúng đấy, không mấy HLV mặn mà với đội nữ đâu. Các cháu khó khăn như thế, mình đã nhận trách nhiệm làm thầy, làm bố rồi thì chỉ có mỗi một cách, động viên các cháu các con, lo lắng cho chúng nó từng li từng tí một. Nhiều khi các cháu nỗ lực không phải vì chính chúng nó nữa đâu. Có những lúc nó làm là còn vì nể bố Chung đấy.

Có năm bạn chưa biết đâu, Liên đoàn lúc ấy khó khăn, phát tiền thưởng Tết được 3 triệu/người. Bây giờ tôi hỏi bạn, trường hợp như con bé Kiều ở Kiên Giang, đi cả nửa năm trời bây giờ về lấy đâu tiền mua quà cáp rồi còn biếu bố mẹ? Trong đội mấy chục cô, cô nào cũng khó khăn như Kiều.

Ảnh: Đỗ Linh

Buổi chiều hôm ấy, tôi quyết định đi vận động bạn bè, các mối quan hệ của mình. Một tối thôi được 200 triệu. Sáng hôm sau tập trung cả đội lại bảo: “Đây bác đi xin tiền về cho các con ăn tết. Các con chia nhau. Đừng chia cho bác“. Thế là mỗi người được 7 triệu, cộng với 3 triệu thưởng của Liên đoàn nữa là tổng cộng 10 triệu cho một cái Tết. Chúng nó sướng quá!

Mình thương chúng nó đến mức độ như thế. Rồi những buổi tập nặng, mình động viên chúng nó cố gắng lên, không tập luyện thì không bao giờ đá nổi bóng đâu. Khi tập xong hết giáo án của ngày hôm đó rồi thì tôi lại bảo: “Bác khao nước. Đứa nào muốn uống gì ra lấy đi“.

Đứa lấy lon này, đứa lấy lon kia. Cả 28 – 30 đứa vào lấy. Đến lúc thanh toán hơn 500 ngàn, có hôm ít hơn, bốn trăm rưỡi… Thế nhưng mà trẻ con nó sướng.

Thôi chịu nhịn một tý đi, chiều lòng bọn trẻ con một tý đi. vì làm một người thầy, một người cha nhìn con mình sung sướng phút nào là mình hạnh phúc phút ấy.

Thanh An: Tôi đã quyết tâm phải khái thác điều gì đó mới lạ từ ông nhưng lại bị chính cách sống lấy nhường nhịn làm gai góc vốn rất quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam từ hơn 40 năm qua thuyết phục. Hóa ra trong bước đường vươn đến đỉnh cao, có lẽ lùi một chút, nhường nhịn một chút lại vô cùng quan trọng.

Rất cảm ơn HLV Mai Đức Chung về cuộc trò chuyện xúc động và chân tình này!