TPHCM – Mới đây, UBND TPHCM đã ký ban hành văn bản khẩn kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân tại TP.
Ở lần tiêm thứ 4 này, TPHCM ưu tiên đối tượng gồm: Người trên 50 tuổi (khoảng 1,8 triệu người) các quận, huyện chủ động cập nhật danh sách đến ngày 13.5; người từ 18 tuổi trở lên có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch hoặc nhóm có nguy cơ cơ phơi nhiễm với COVID-19.
TPHCM gửi văn bản khẩn yêu cầu các quận, huyện chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly
Lưu ý về cơ bản, danh sách đã có trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ngành y tế cung cấp biểu mẫu lập danh sách cho các đơn vị. Đồng thời tiếp tục thực hiện quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và triển khai xác nhận “Hộ chiếu vaccine”. Bên cạnh đó, đảm bảo cung ứng và quản lý sử dụng vaccine.
Triển khai tiêm ở bệnh viện, cơ sở tiêm chủng đối với người lao động đang làm việc hoặc người đang điều trị nội trú tại đơn vị; tại điểm tiêm lưu động và tại nhà đối với các trường hợp di chuyển khó khăn hoặc không thể di chuyển đến các điểm tiêm.
Ngay sau khi Bộ Y tế cung ứng vaccine. Loại vaccine được sử dụng là mRNA (vaccine do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất ); vaccine do AstraZeneca sản xuất; vaccine cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Đối với người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc COVID-19.
UBND TP yêu cầu tổ chức các hình thức tiêm chủng thuận lợi cho người dân và đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng, an toàn phòng, chống dịch. Ngoài ra, tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng đáp ứng nhu cầu người dân, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và đơn vị tiêm chủng như điểm tiêm tại cơ sở y tế, điểm tiêm/xe tiêm lưu động trong cộng đồng, đội tiêm tại nhà cho người không thể đến điểm tiêm.
Đối với điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động, bố trí quy trình tiêm chủng theo đúng quy định; đảm bảo sẵn sàng xử trí, cấp cứu phản ứng sau tiêm.
Theo LĐO