TP HCM hỗ trợ mạnh để doanh nghiệp bứt phá

14

TP HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP HCM, cho biết qua khảo sát, đa phần các doanh nghiệp (DN) đang phải khôi phục hoạt động sản xuất trong tình trạng thiếu lao động, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Ở giai đoạn này, DN rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Còn vướng mắc về nguồn cung lao động

Trao đổi tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 5-2022 chủ đề “Đồng hành cùng DN – Chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh” (do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp thực hiện ngày 8-5), các DN cho hay một trong những vấn đề cần hỗ trợ tháo gỡ ngay là nguồn lao động. Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Juki (Việt Nam), đề nghị TP HCM có chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận nguồn cung lao động và có giải pháp để hạn chế người lao động rời thành phố về quê.

Theo ông Cường, từ quý IV/2021, DN đã phục hồi sản xuất, đơn hàng cũ giao chưa kịp, đơn hàng mới đến nhiều nên rất cần tuyển dụng thêm lao động. Thời gian qua công ty liên tục tuyển lao động như đang cần 50 lao động phổ thông và 20 lao động kỹ thuật nhưng chưa tuyển được. “Các năm trước thì tỉ lệ thôi việc sau Tết khoảng 1%-1,5% song đầu năm 2021 và đầu năm nay tỉ lệ đó đã tăng gấp đôi, lên tới 3%-3,5%” – ông Cường phản ánh.

TP HCM đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối thu mua nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa

Cũng đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn liên quan đến người lao động, bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam và Malaysia, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho hay giai đoạn Covid-19 vừa qua, DN rất khó khăn khi vừa duy trì sản xuất vừa tuân thủ an toàn phòng chống dịch, vừa bảo đảm số giờ làm thêm đúng theo quy định.

“Được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ban hành Nghị quyết số 17 ngày 23-3-2022, cho phép DN được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm có thể sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng nhưng chỉ thực hiện đến hết năm 2022.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kiến nghị thành phố đề xuất Chính phủ cho phép các DN như Intel và một số DN đặc thù vẫn được áp dụng chính sách này sau năm 2022 và linh hoạt áp dụng số giờ theo tháng, có thể tối đa 70-100 giờ tùy vào mùa cao điểm” – bà Uyên nêu.

Trả lời những đề xuất này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết sở đang quản lý 127 trung tâm dịch vụ việc làm. Các trung tâm này đang triển khai xúc tiến, giới thiệu nguồn lao động có tay nghề cho DN. Đầu năm đến nay đã tổ chức, tư vấn việc làm cho hơn 44.000 lượt người, giới thiệu cho hơn 16.000 người có việc làm.

“Người lao động, người sử dụng lao động có thể truy cấp website của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố (http://www.vieclamhcm.net/) để có thông tin tuyển dụng, vị trí việc làm, các văn bản và thủ tục hành chính liên quan” – ông Lâm thông tin. Riêng kiến nghị về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 17, ông Lâm bày tỏ sự chia sẻ với DN. “Để bảo đảm hoạt động sản xuất, ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cần có các biện pháp nâng cao năng suất lao động” – ông Lâm nói thêm.

Cần giải pháp cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, cho biết các DN đang trong thời điểm phục hồi và bứt phá. Do vậy, việc ra chính sách phù hợp với DN trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ, quan trọng là thời gian lẫn số lượng DN thụ hưởng các chính sách này.

Câu hỏi đặt ra là chính quyền thành phố có những kế hoạch hay hành động gì để rút ngắn thời gian chính sách đến DN, làm sao tỉ lệ tiếp cận các gói hỗ trợ thành công của các DN tăng lên. Các DN cũng kiến nghị thành phố tập trung hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số. Có thể hỗ trợ vốn cho chuyển đổi số như một dạng vốn kích cầu để khuyến khích DN tham gia.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, đề xuất thành phố tiếp tục kết nối, liên kết tổ chức nhiều chương trình đưa hàng hóa đến các tỉnh, thành giúp DN mở rộng cung ứng và tổ chức liên kết vùng với các tỉnh, thành có vùng nguyên liệu với thành phố; tập trung đầu tư và thúc đẩy các dự án giao thông vành đai tạo kết nối liên vùng.

Song song đó là kiến nghị thành phố khơi thông chương trình xúc tiến thương mại đến các nước. “Covid-19 khiến nhiều quốc gia trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu lương thực thực phẩm. Vừa rồi một số DN chủ động xúc tiến tìm khách hàng và xuất khẩu khá tốt” – bà Chi lạc quan.

Đối thoại với các DN, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết thành phố đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN… Thành phố đang tiếp tục triển khai các giải pháp này.

Về giải pháp tài chính cho DN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM, cho hay NH Nhà nước đang tập trung vào 3 giải pháp lớn. Trong đó, tiếp tục các cơ chế chính sách về lãi suất tiền tệ, tín dụng của NH trung ương trên địa bàn thành phố; thực hiện tốt các chương trình kết nối NH-DN, cho vay bình ổn thị trường…

“Gói tín dụng hỗ trợ cho chương trình kết nối NH-DN trong năm 2022 là 424.000 tỉ đồng, 4 tháng đầu năm đã giải ngân được 40.000 tỉ đồng. Ngành NH sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ UBND TP HCM giao để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế thành phố” – ông Lệnh cam kết.

Hai hướng gỡ vướng cho Khu Công nghệ cao

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay thành phố đã nhìn thấy những bất cập ảnh hưởng đến Khu Công nghệ cao và các DN đang hoạt động trong khu do không còn cơ chế “một cửa” về thủ tục hành chính.

TP HCM đang đề xuất 2 hướng: Một là tranh thủ xây dựng 1 nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù của thành phố, trong đó có đẩy mạnh tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP HCM; lúc đó thành phố sẽ mạnh dạn hơn trong việc phân cấp ủy quyền cho Khu Công nghệ cao TP HCM.

Hai là trong điều kiện hiện nay, thành phố đề nghị Khu Công nghệ cao nghiên cứu mô hình 1 cửa nhưng nhiều chỗ. Cụ thể, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ của DN trong khu. Cùng với đó là chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp, bàn bạc, thảo luận thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước và DN để tiến hành các trình tự thủ tục, rút ngắn thời gian cho DN.

 

Theo Người Lao Động