TP HCM: 35 tờ trình mang kỳ vọng phát triển

21

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM đang diễn ra, nhiều nội dung quan trọng để tạo đà cho thành phố phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội sẽ được các đại biểu thảo luận, quyết nghị

Ngày 6-7, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 6. Kỳ họp có sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

Cần nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết kỳ họp lần này các đại biểu sẽ tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Cùng với đó, tập trung thảo luận về các tờ trình có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phục hồi và tạo đà tăng tốc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội – hạ tầng giao thông… của thành phố để quyết nghị.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội thành phố 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết GRDP thành phố tăng 3,82%, trong đó tốc độ tăng trưởng quý II tăng hơn 3 lần so với quý I. Điều này cho thấy kinh tế thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng.

Trong 6 tháng cuối năm, UBND TP HCM xác định tiếp tục thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế cũng như khắc phục nhanh các tồn tại. Theo bà Phan Thị Thắng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung cải cách hành chính; xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đi đôi với công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức làm đúng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ đối với từng loại, lĩnh vực các dự án… chính là những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Nói đến quá trình triển khai Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, bà Phan Thị Thắng cho hay thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Dù vậy, một số nội dung triển khai còn chậm so với dự kiến. “Bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự cần thiết của một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TP HCM trong giai đoạn tới” – Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

TP HCM: 35 tờ trình mang kỳ vọng phát triển - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi với các đại biểu bên lề cuộc họp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều đề xuất hàng ngàn tỉ đồng

Tại kỳ họp lần này, bà Phan Thị Thắng đã báo cáo lên HĐND thành phố 35 tờ trình. Có 16 tờ trình mang nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhiều công trình hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng. Đây là những công trình đã được thông qua chủ trương triển khai giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay chưa hoàn thành mà nguyên nhân chính liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tổng vốn điều chỉnh của 16 dự án tăng hơn 6.000 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, công trình có tỉ lệ tăng vốn nhiều nhất là cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, quận 5, từ 188 tỉ đồng lên 779 tỉ đồng. Hai công trình khác cũng tăng gấp đôi tổng vốn là hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh (từ 400 tỉ đồng lên gần 800 tỉ đồng) và nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, đoạn từ quận Bình Thạnh đến công viên Văn Hóa (từ 667 tỉ đồng lên 1.640 tỉ đồng).

UBND thành phố cũng xin ý kiến HĐND thành phố đối với hồ sơ 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước và thích ứng biến đổi khí hậu trước khi thực hiện thủ tục tiếp theo là trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đầu tiên là Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 8.120 tỉ đồng. Dự án thứ 2 là cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát có tổng mức đầu tư 8.168 tỉ đồng.

Một tờ trình quan trọng khác là Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thành phố phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, diện tích nhà ở bình quân của toàn thành phố đạt 23,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà. Giai đoạn 2026-2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân mà TP HCM hướng tới là 26,5 triệu m2 sàn

Ở giai đoạn 2021-2025, TP HCM sẽ chủ trương phát triển nhà ở tại những khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, các tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên; Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương; Metro số 3a Bến Thành – Tân Kiên. TP HCM cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành.

Cũng tại kỳ họp này, UBND TP HCM kiến nghị HĐND thành phố bổ sung hơn 8.500 tỉ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2021, HĐND TP HCM đã giao kế hoạch đầu tư công năm nay cho thành phố là 42.508 tỉ đồng.

Hôm nay (7-7), kỳ họp tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội TP HCM 6 tháng đầu năm; chất vấn và trả lời chất vấn UBND thành phố, Sở Xây dựng và UBND quận 8 về Chương trình phát triển nhà ở thành phố.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu cho biết nhân dân thành phố phấn khởi khi Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 3 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Tiền Giang chưa phát hiện tham nhũng, Cần Thơ khó trong thi hành án

Ngày 6-7, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 5. Tại kỳ họp, Thanh tra tỉnh Tiền Giang cho biết trong công tác phòng chống tham nhũng thì 6 tháng đầu năm cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ việc nào và hiện chỉ đang theo dõi 12 vụ với 43 đối tượng của những năm trước chuyển sang.

Tại TP Cần Thơ sáng cùng ngày, kỳ họp thứ 6, HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc. Một thông tin đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Cần Thơ đã nhận được 2.430 bản án. Tổng số việc phải giải quyết là 11.056 việc, tiền phải giải quyết là hơn 5.158 tỉ đồng, tuy nhiên đơn vị mới thi hành xong số tiền khoảng 444 tỉ đồng. “Nhiều vụ việc tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần không có người mua… hoặc người thi hành án trốn tránh, chây ì, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ dẫn đến việc thi hành án mất nhiều thời gian” – ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP Cần Thơ, nói.

C.Linh – M.Sơn

Theo https://nld.com.vn