Tổng quan kinh tế Việt Nam quý I-2022.

51

Giá xăng, dầu tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I-2022 của Việt Nam tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặt bằng giá trong nước vẫn được kiểm soát cơ bản bằng các chính sách linh hoạt và phù hợp. Kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực khi chỉ số GDP quý I tăng 5.03%.

Theo Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Ba tăng 0,7% so với tháng Hai và tăng 1,91% so với tháng 12/2021 đồng thời tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong quý I-2022, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản ở mức 0,81%.

Trong phương thức tính chỉ số CPI gồm 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1, thì có mười nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong quý I-2022 gồm: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4.8%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1.49%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0.21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0.19%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0.12%; nhóm giáo dục tăng 0.1%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0.06t; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.06%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0.02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0.46%. Duy nhất nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0.27%.

Mức tăng của chỉ số giá CPI cao hơn so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng của quý I các năm 2017-2020. Nguyên nhân chính của việc chỉ số CPI tăng là do giá xăng, dầu trong nước tăng. Cụ thể, trong quý giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 7 đợt, giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít, xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 6.060 đồng/lít, như vậy giá xăng dầu trong nước đã tăng tới 48,81% so với cùng kỳ năm trước.

Để giảm áp lực tăng giá và chỉ số lạm phát, hiện nhà nước đã có một số chính sách mới như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Bởi vậy, mặt bằng giá chung và lạm phát vẫn được kiểm soát trong thời gian ngắn hạn. Cụ thể lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0.29% so với tháng trước, tăng 1.09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0.81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1.92%). Việc chênh lệch nêu trên đã phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá xăng, dầu và gas tăng.

Bên cạnh chỉ số CPI tăng thì kinh tế Việt Nam cũng có dấu hiệu đáng mừng khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5.03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4.72% của quý 1 năm 2021 và 3.66% của quý 1 năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6.85% của quý 1 năm 2019.

 

Khu vực Mức tăng
Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản 2,45%
Khu vực công nghiệp và xây dựng 6,38%
Khu vực dịch vụ 4,58%

Tốc độ tăng trưởng trong từng khu vực

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý 1 năm 2022 tăng 7.07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6.44% của quý 1 năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7.79%. Ngành khai khoáng tăng 1.23%. Ngành xây dựng tăng 2.57%, thấp hơn tốc độ tăng 6.53% của quý 1 năm 2021.

Khu vực dịch vụ trong quý 1 năm 2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Cụ thể: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9.75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7.06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2.98%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1.79%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý 1 năm 2022 tăng 2.35% so với cùng kỳ năm trước; ngành lâm nghiệp tăng 3.86% nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 2.54% .

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng tốt trong quý I-2022 nguyên nhân chính là sự lạc quan của người dân khi dịch bệnh được đẩy lùi, kéo các doanh nghiệp trở lại trong phát triển sản xuất. Cùng với đó là các chính sách để mở cửa trở lại nền kinh tế; công tác quản lý, điều hành giá, chính sách ưu đãi, gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp hậu covid tới từ chính phủ hiện nay.

Đức Bình