Tối ưu hệ thống ánh sáng để giảm thiểu hư hại lên vật phẩm trong bảo tàng

32

Ánh sáng có thể gây hư hại màu sắc của vật phẩm, cũng như làm xuất hiện các vết nứt trên bề mặt tranh, bất kể chúng ta sử dụng công nghệ chiếu sáng gì. Tuy nhiên, nếu áp dụng hệ thống ánh sáng phù hợp cũng như hiện đại hóa các tiêu chuẩn về ánh sáng trong bảo tàng, chúng ta sẽ có thể giảm thiểu các hư hại lên vật phẩm.

Ánh sáng sẽ làm hỏng màu sắc và bề mặt tranh theo thời gian. Ảnh:Unsplash

 

Hai mục tiêu chính của bảo tàng – triển lãm và bảo tồn – thường đối lập với nhau. Trưng bày một vật phẩm cũng đồng nghĩa với việc để nó tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ dao động, độ ẩm và chất lượng không khí thay đổi – những yếu tố sẽ khiến vật phẩm hư hỏng và xuống cấp. Khi chúng ta quyết định trưng bày một vật phẩm, chúng ta cũng cần dự đoán trước, nó sẽ bị tổn hại trong tương lai.

 

Trên thực tế, bảo tàng vẫn đang cất giữ phần lớn các hiện bật trong những bộ sưu tập của mình thay vì mang ra trưng bày. Điều này không chỉ do hạn chế về không gian trưng bày, mà chủ yếu là do yêu cầu bảo tồn.

 

Cùng với các nhà nghiên cứu và nhà thiết kế ánh sáng khác, tôi* đang tìm hiểu cách cải thiện phương pháp trưng bày ở bảo tàng, nâng cao trải nghiệm của khách tham quan mà vẫn giải quyết vấn đề bảo quản bằng những tiến bộ mới trong công nghệ và ứng dụng chiếu sáng.

 

Các bảo tàng cần áp dụng những tiến bộ công nghệ này vào thực tế vì lợi ích của người xem hôm nay và lợi ích của chính bảo tàng trong tương lai.

 

Bước phát triển trong hệ thống chiếu sáng

 

Vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những bảo tàng công cộng đầu tiên trên thế giới thường sử dụng ánh sáng ban ngày để chiếu sáng các bộ sưu tập. Tuy nhiên, khi chúng ta ngày càng hiểu hơn về công việc bảo tồn, những tác động tiêu cực của tia cực tím và ánh sáng ban ngày lên các tác phẩm lại trở thành một vấn đề lớn.

 

Khi ánh sáng đèn điện ngày càng trở nên phổ biến – và giá cả cũng trở nên phù hợp – các bảo tàng và phòng trưng bày được trang bị bóng đèn sợi đốt và đèn tuýp huỳnh quang (còn gọi là “fluoros”), và các bảo tàng không còn tận dụng ánh sáng ban ngày để trưng bày.

 

Các bản hướng dẫn quốc tế – nhằm đặt ra tiêu chuẩn cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu của người xem và công tác bảo tồn – đã được điều chỉnh để phù hợp với những công nghệ này. Vì tất cả các dạng ánh sáng đều có thể gây hư hỏng vật phẩm triển lãm như làm phai sắc tố, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cấu trúc, nên các chuyên gia bảo tàng phải sử dụng ánh sáng một cách khéo léo để bảo vệ vật phẩm trưng bày vốn đã dễ bị tổn thương.

 

Màu vàng đặc biệt dễ bị hư hại dưới ánh sáng. Trong ảnh: BứcThe Milkmaid (1660) của Johannes Vermeer – nguồn: Shutterstock

 

Đến thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ lớn trong việc cải tiến điốt phát quang, hay còn gọi là đèn LED. Ánh sáng trắng đã cải thiện đáng kể chất lượng của đèn LED, nó cũng hiệu quả về mặt kinh tế lẫn môi trường hơn so với các phiên bản trước đó.

 

Đèn LED có các đặc điểm khác biệt so với các loại đèn truyền thống: quang phổ ánh sáng của chúng khác, chúng hiển thị màu sắc khác, chúng cung cấp mức độ kiểm soát tốt hơn và ít có khả năng gây thiệt hại hơn.

 

Nhưng ngay cả khi các bảo tàng được trang bị đèn LED ngày càng nhiều, thì họ vẫn sử dụng những bản hướng dẫn cũ với những tiêu chuẩn về ánh sáng đã lỗi thời.

 

Hiện đại hóa các tiêu chuẩn

 

Với hệ thống đèn LED chiếu sáng, chúng tôi tin rằng những giới hạn nghiêm ngặt trong các nguyên tắc cũ về việc trưng bày vật phẩm dưới ánh sáng có thể được điều chỉnh cụ thể, từ đó ta có thể trưng bày nhiều đồ tạo tác trong thời gian dài hơn mà vẫn đảm bảo chúng ít bị hư hại.

 

Một điểm quan trọng trong nội dung mà chúng tôi đề xuất, đó là cần xem xét “tầm quan trọng” của các đối tượng khi quyết định mức độ chiếu sáng phù hợp với chúng.

 

Câu hỏi về tầm quan trọng là một câu hỏi đầy phức tạp, nhưng nó giúp chúng ta có cơ sở để đưa ra các quyết định sáng suốt hơn đối với các điều kiện trưng bày. Nói cách khác, tầm quan trọng của đối tượng trưng bày sẽ ảnh hưởng đến việc có thể trưng bày nó trong bao lâu, và nó có thể bị tổn hại đến mức độ nào.

 

Chúng tôi đề xuất một số tiêu chuẩn mới:

 

– Mở rộng mức phân loại độ nhạy cảm trước ánh sáng của các vật phẩm được trưng bày thành từ bốn đến tám mức độ.

 

– Đưa ra thang đo tầm quan trọng của vật phẩm theo ba bậc, chứ không chỉ là đề cập đến chất liệu làm ra chúng.

 

– Một khuôn khổ linh hoạt, cho phép các chuyên gia trong bảo tàng điều chỉnh mức độ và thời gian chiếu sáng mà không làm ảnh hướng đến các vật phẩm.

 

Có thể những đề xuất này sẽ không giúp giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp xoay quanh ánh sáng, bảo tồn và trải nghiệm của du khách, nhưng nó sẽ là những điều chỉnh cần thiết phù hợp với tình hình hiện tại của các bảo tàng.

Khi cân nhắc việc trưng bày một tác phẩm, các chuyên gia cũng cần xem xét đến “tầm quan trọng” của vật phẩm ấy. Trong ảnh: Phòng trưng bày nghệ thuật Auckland – nguồn: INT

 

Bằng cách đề xuất những quy tắc cụ thể và linh hoạt hơn vào các tiêu chuẩn chiếu sáng, chúng tôi hy vọng có thể mang đến sự linh hoạt cho những người quản lý, nhà thiết kế và nhà bảo tồn, đồng thời mang đến cho khách tham quan trải nghiệm tốt hơn.

 

Công nghệ chiếu sáng vẫn đang phát triển từng ngày. Với những bộ điều khiển và cảm biến thông minh, các bảo tàng rồi sẽ có thể thêm các lớp ánh sáng theo chủ đề, hoặc phù hợp với công năng trong ngày hôm đó như biểu diễn sân khấu hoặc tạo ra không gian sôi nổi, từ đó trưng bày vật phẩm ở mức tốt nhất – thậm chí có thể là cá nhân hóa cấu hình ánh sáng cho từng du khách.

 

Nhưng muốn điều này xảy ra, trước tiên chúng ta cần áp dụng những hướng dẫn phù hợp.

 

(*) Tác giả của bài viết là Emrah Baki Ulas, Giảng viên Cao cấp tại Đại học Công nghệ Sydney. Ông đã thiết kế các dự án chiếu sáng quốc tế cho một số bảo tàng và phòng trưng bày trên thế giới.

 

Theo trợ lý giáo sư Dorukalp Durmus, thuộc Trường Kiến trúc, Thiết kế và Quy hoạch Sydney (Đại học Sydney), ánh sáng có thể gây hư hại màu sắc của vật phẩm, bất kể chúng ta sử dụng công nghệ chiếu sáng gì. Màu vàng tươi trong bức họa nổi tiếng Sunflowers của Van Gogh đã chuyển sang màu nâu sẫm do hấp phụ ánh sáng xanh lam và xanh lục từ đèn LED.

 

Bên cạnh đó, hãy quan sát kỹ những bức tranh ở bảo tàng hoặc phòng trưng bày nghệ thuật, “bạn có thể nhận thấy các vết nứt trên bề mặt của bức tranh, đặc biệt nếu đó là bức tranh đã rất cũ”, ông cho biết. Những vết nứt đó là do năng lượng bức xạ chiếu vào bề mặt tranh.

 

Những yếu tố trên khiến chúng ta rơi vào tình thế khó xử, làm thế nào để cân bằng giữa việc trưng bày và không gây tổn hại lên tranh? Theo ông Durmus, nếu chúng ta sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh đã được tối ưu hóa, chúng ta có thể giảm thiểu những tổn hại lên tranh và vẫn giữ được màu sắc của chúng.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn tổng hợp