Tối ưu các dịch vụ năng lượng tái tạo bằng sản phẩm “Made in Vietnam”

119

Năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thu hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc tối ưu các dịch vụ năng lượng tái tạo như vận hành và bảo trì (O&M) và quản lý tài sản (AM)… bởi các kỹ sư Việt được đào tạo bài bản từ các tập đoàn lớn sẽ cung cấp các giải pháp hiệu quả với chi phí hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió đang được ưu tiên phát triển, thể hiện rõ trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị) cũng như trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Chính vì vậy, nhu cầu thị trường O&M tại Việt Nam hiện nay là rất lớn và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, trong vài năm qua, điện mặt trời đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, tuy nhiên, điện gió mới chỉ đang bước vào giai đoạn đầu phát triển. Do đó, việc các doanh nghiệp trong nước xây dựng được năng lực nhân lực về công tác O&M trong lĩnh vực này sẽ có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam và hướng đến các thị trường quốc tế.

Thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tập trung nghiên cứu và đưa ra những giải pháp tối ưu các dịch vụ năng lượng tái tạo thông qua việc ứng dụng công nghệ số như công nghệ AI, big data… trong công tác O&M và AM. Theo ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vũ Phong Energy Group cho hay, năng lượng tái tạo đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, với tổng công suất lắp đặt hiện đã đạt hơn 16 GW. Từ lượng công suất lắp đặt lớn, yêu cầu đặt ra với các đơn vị vận hành là việc bảo dưỡng và tối ưu hiệu quả các sản phẩm pin mặt trời sau thời gian dài sử dụng để tạo ra nhiều sản lượng nhất, ổn định điều độ lưới.

Việc tối ưu các dịch vụ năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định với hiệu quả cao nhất

Theo đó, công ty này đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm robot vệ sinh tấm pin mặt trời VPT TB1200 S1. Đây là một loại robot giúp lau sạch hơn các tấm pin nhờ điều chỉnh được tốc độ lau, đảo chiều lau, chế độ di chuyển tiến lùi và khoảng cách giữa các chổi. Ngoài ra, sản phẩm này cũng giúp nâng cao năng suất và tiết kiệm nước; làm sạch những vị trí xa, khó tiếp cận và có thể tự di chuyển qua khoảng hở giữa các dây pin lên đến 400 mm.

“Theo tính toán, để lau sạch 5.000 m2 điện mặt trời, sản phẩm robot do Vũ Phong sản xuất sẽ mất khoảng 4 giờ. Robot chỉ cần 1 người điều khiển trên mái và khả năng điều khiển từ xa lên tới 200m, tích hợp giám sát hành trình, tính toán diện tích lau…” – ông Phạm Nam Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cũng cho biết, thông qua sự hợp tác và chuyển giao công nghệ hiện đại cùng hơn 2 năm quản lý vận hành thực tế, các kỹ sư của công ty đã tối ưu quy trình, xây dựng được bảng thống kê gồm hàng trăm lỗi thường phát sinh trong vận hành nhà máy điện mặt trời và phương án cùng quy trình khắc phục nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động của nhà máy.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 – Trung tâm Quản lý và Vận hành Nhà máy điện (PECC2POM) cũng đã nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm thành công robot vệ sinh pin năng NLMT. Đại diện công ty cho biết, mô hình robot đầu tiên đã được thử nghiệm thành công tại Nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) Vĩnh Tân Giai đoạn 1 đáp ứng hầu hết tất cả các yêu cầu kỹ thuật.

“Chi phí chế tạo robot được được tối ưu do sử dụng phần lớn vật tư, linh kiện có sẵn trong nước; Robot có khối lượng nhẹ (kết cấu khung nhôm), di chuyển êm nên không ảnh hưởng đến bề mặt của tấm pin và có thể dùng vệ sinh cả loại pin không có khung bảo vệ; Có hệ thống điều khiển từ xa nên có thể sử dụng cho các NMĐMT có giàn pin cao; Hiệu suất làm sạch cao; Thời gian vệ sinh nhanh” – đại diện công ty thông tin.

Chia sẻ về vấn đề vận hành và bảo trì của các nhà máy điện gió, điện mặt trời hiện nay, ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận – cho hay, sản phẩm robot có thể giải quyết nhiều vấn đề O&M điện mặt trời. Nhưng với điện gió thì doanh nghiệp Việt vẫn còn thiếu.

“Để làm được việc bảo trì, sửa chữa cho điện gió sẽ còn nhiều khó khăn do có nhiều công nghệ vận hành điện gió rất khác nhau. Hiện nay, nhiều đơn vị đã có thể chẩn đoán được các lỗi, sự cố trong các thiết bị điện gió, từ đó sửa chữa được phần nhỏ những lỗi cơ bản. Nhưng nếu có thể phối hợp với các đơn vị quốc tế để có giải pháp cụ thể thì sẽ tự chủ được trong việc vận hành và bảo trì. Đây là vấn đề mà các hãng lớn đang độc quyền tại Việt Nam” – ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, dù còn nhiều hạn chế song thị trường O&M cho điện gió Việt Nam trong tương lai sẽ là rất lớn. Nếu có được nhân lực O&M trong lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có thể cạnh tranh với nước ngoài. Vì “bác sĩ” trong nước cho điện gió sẽ luôn sẵn sàng, chi phí thấp hơn, giảm thời gian di chuyển…

Đồng quan điểm, ông Phạm Nam Phong cho rằng: “Điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi ngoài không chỉ có khoản đầu tư rất lớn, mà còn liên quan đến an ninh biển đảo… Do vậy, trong thời gian tới, những người làm công tác bảo trì, sửa chữa phải là những doanh nghiệp Việt”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định với hiệu quả cao nhất, theo các doanh nghiệp, ngoài việc tăng cường các giải pháp O&M, việc ứng dụng các giải pháp AM sáng tạo, linh hoạt sẽ giúp gia tăng giá trị cho các nhà máy điện gió, tăng sản lượng điện hàng năm (AEP) thông qua tối ưu hóa WTG, xử lý sự cố sớm… đồng thời giảm chi phí vận hành (OPEX) thông qua bảo trì thông minh.

Theo Báo Công thương