Tọa đàm “Hạ tầng xanh và Chiếu sáng xanh” hướng đến đô thị tăng trưởng xanh, bền vững

16

Để làm rõ hơn sự cần thiết của “Chiếu sáng xanh” trong việc phát triển đô thị bền vững thích ứng với Biến đổi khí hậu, ngày 3/5/2024, tại trụ sở Cty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico), Hội Chiếu sáng Việt Nam và Hapulico phối hợp với Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thuộc Tổng hội xây dựng Việt Nam đã tổ chức buổi Toạ đàm “Hạ tầng xanh và chiếu sáng Xanh” hướng đến phát triển đô thị bền vững.

Với chủ đề “Chiếu sáng xanh” trong việc phát triển đô thị bền vững khá mới mẻ trong xu thế “xanh hóa”, Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của xã hội, trên 60 đại biểu, chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội, ngành, nghề Viện, Trường Đại học và Doanh nghiệp đã đến tham dự.

 

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS. TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Tọa đàm Chiếu sáng xanh là tọa đàm thứ 5 nằm trong chuỗi 8 toạ đàm các lĩnh vực thành phần của Hạ tầng Xanh mà Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đang phối hợp với các đối tác triển khai thực hiện từ tháng 9/2023 đến cuối năm 2024. Tại Toạ đàm lần này cần trao đổi, Ban tổ chức mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề để làm rõ các khía cạnh của “Chiếu sáng Xanh”, sự cần thiết của chiếu sáng xanh đối với sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó góp phần thúc đẩy hiệu ứng tích cực về chuyên môn, chuyên ngành và sự hưởng ứng của xã hội để phát triển Chiếu sáng Xanh tại Việt Nam, thông qua các ý tưởng cụ thể về chính sách, thể chế phát triển chiếu sáng xanh an toàn và bền vững.

PGS. TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng phát biểu khai mạc. Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Với 14 bài tham luận, 12 ý kiến trao đổi, tham luận, Tọạ đàm tập trung vào ba nhóm chủ đề: Một là chính sách, thể chế phát triển Chiếu sáng xanh, an toàn và bền vững, Hai là về các giải pháp công nghệ Chiếu sáng xanh an toàn và bền vững, Ba là về quản lý vận hành hệ thống Chiếu sáng xanh, đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội, môi trường.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Về công tác phân cấp quản lý vận hành hệ thống Chiếu sáng, PTS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam cho rằng, chiếu sáng đô thị là lĩnh vực đặc thù, không thể chia nhỏ, phân cấp quản lý, vận hành, duy tu như một số ngành khác, nên cần có cơ chế đặc thù để điều chỉnh. Hơn nữa Chiếu sáng là ngành dịch vụ công ích, Nhà nước có trách nhiệm quan tâm đầu tư, nhưng nguồn lực còn dàn trải; điều này mẫu thuẫn với Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, …Theo Chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Tiến, trong định hướng, cơ quan chức năng, quản lý cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung, cơ chế, chính sách để hỗ trợ lĩnh vực chiếu sáng phát triển; nghiên cứu bổ sung cơ chế đấu thầu theo hình thức PPP trong lĩnh vực chiếu sáng để huy động thêm nguồn lực đầu tư; nghiên cứu xem xét việc thực hiện cổ phần hoá trong lĩnh vực dịch vụ công ích này cho phù hợp với thực tế …

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐTV Haplico phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐTV Hapulico cho rằng: Tọa đàm lần này cũng là một cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp và mô hình tiên tiến về Chiếu sáng xanh và hạ tầng xanh, nhằm đóng góp vào việc xây dựng các đô thị bền vững và thân thiện với môi trường. Theo ông Tuấn, Chiếu sáng xanh và hạ tầng xanh là xu thế phát triển tất yếu, để phát huy vai trò của chiếu sáng xanh đối với đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thì vấn đề cốt yếu là tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, bởi hiện chưa có quy định nào cho phép lĩnh vực chiếu sáng được đầu tư theo hình thức PPP. Một trong rào cản là hiện mặt bằng giá điện cho chiếu sáng công cộng của Việt Nam được hưởng cơ chế ưu đãi, thấp hơn so với các nước trong khu vực nên khi triển khai kêu gọi các nhà đầu tư hệ thống thiết bị, đèn chiếu sáng mới, bằng việc thu tiền điện từ tiết kiệm, do thời gian hoàn vốn kéo dài, nên không hiệu quả. Một  trong rào cản khác là, hệ thống chiếu sáng công cộng do Nhà nước quản lý, thuộc lĩnh vực đầu tư công, thiếu các cơ chế huy động đa dạng nguồn lực đầu tư, nên không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Còn Tiến sỹ Lê Hải Hưng, Ban KHCN Hội CSVN đề nghị: Để tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, bởi hiện chưa có quy định nào cho phép lĩnh vực chiếu sáng được đầu tư theo hình thức PPP và  “chiếu sáng Xanh” hướng đến phát triển đô thị bền vững. TP Hà Nội nên tổ chức  các Hội nghị chuyên ngành chiếu sáng.

Kết thúc Tọa đàm PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng: Các nội dung của Tọa đàm  đã và đang đi vào vấn đề mà xã hội cần, đây là xu thế tất yếu và “Việt Nam cần đi tiên phong trong vấn đề hạ tầng xanh một cách toàn diện, trên cơ sở đó gợi mở những chủ đề mới cho nghiên cứu khoa học và cho các luận văn, luận án… Đồng thời đề xuất đưa nội dung hạ tầng xanh vào các văn bản pháp quy, các luật thành phần và Bộ luật Đô thị trong tương lai” – ông  Hải nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh
Đoàn chủ tịch điều hành Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh
TS. Nguyễn Đức Thắng – Bộ KHĐT tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh
NGND. GS.TS Nguyễn Đức Chiến TBCN Hội CSVN tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh
TS. Lê Hải Hưng trình bày tham luận. Ảnh: Tuấn Anh
KS Lê Trung Kiên, Cty Hapulico trình bày tham luận. Ảnh: Tuấn Anh
Các đại biểu chụp ảnh Lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh

Quang Trần