Tiết kiệm điện để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không

10

TheLEADERMạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam được xây dựng nhằm đồng bộ hóa tiết kiệm năng lượng, từ đó đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Logo Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam.

Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam được thiết lập bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và đào tạo trực thuộc Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương. Đây là nhiệm vụ được Bộ Công thương giao cho Cục Điều tiết điện lực để triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động tiết kiệm điện, theo tinh thần Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3).

VNEEP3 đặt mục tiêu đến năm 2025 tiết kiệm được khoảng 5 – 7%, đến năm 2030 tiết kiệm được 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21), các tiến độ thực hiện các mục tiêu của VNEEP3 phần nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và giai đoạn chuyển tiếp với VNEEP2 (2012 – 2015). Vì vậy, Chính phủ đã phải ban hành nhiều sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện chương trình này.

Dự kiến, Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam sẽ bao gồm một số đơn vị đóng vai trò “cứng”, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); các tổng công ty, công ty điện lực, thành viên chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện. Ngoài ra, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cũng được tham gia vào mạng lưới này.

Những hoạt động của Mạng lưới trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và lan tỏa tư duy tiết kiệm điện thông qua những hành động cụ thể như tiết kiệm điện tại cơ quan làm việc; tiết kiệm điện trong chiếu sáng, trang trí; tiết kiệm điện tại hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh…

Trong trung hạn và dài hạn, Mạng lưới sẽ triển khai các hoạt động mang tính thiết thực và hiệu quả hơn, với mục tiêu đóng góp tích cực vào cam kết của Việt Nam tại COP26 là trung hòa phát thải carbon vào năm 2050.

Thực tế, cùng với chuyển đổi sang năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng để thực hiện hóa mục tiêu trung hòa carbon. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gọi tiết kiệm năng lượng là “nhiên liệu tiên quyết” cho các cam kết về khí hậu.

Khoảng 2/3 năng lượng trên thế giới bị lãng phí, tức là thế giới sản xuất ra 3 phần năng lượng nhưng thực tế chỉ có 1 phần là đem lại giá trị. Nghiên cứu của IEA chỉ ra, việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ đóng góp khoảng 40% vào giảm phát thải nhà kính liên quan đến năng lượng trong vòng 20 năm tới.

Bên cạnh giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Dự báo, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng sẽ ngày càng tăng cao. Giảm bớt tiêu thụ không cần thiết góp phần quan trọng để ổn định nguồn cung, tránh mất phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

 

TheLEADER