Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1410/QĐ-TTg ngày 17/8/2021 kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (Ban Chỉ đạo) để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về lập, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các dự án điện trọng điểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các Phó trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Phó trưởng Ban thường trực); ông Cao Xuân Thành, Trợ lý đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng.
Các Ủy viên gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống; Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn; mời một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia Ban Chỉ đạo.
Tùy tình hình thực tế, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan (Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương) tham gia làm ủy viên Ban Chỉ đạo hoặc yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương dự họp và báo cáo những vấn đề cần thiết.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, thực hiện đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trong quy hoạch/kế hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các dự án trọng điểm (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương) để bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, chính sách mua bán điện với nước ngoài, phát triển năng lượng tái tạo; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nhập khẩu than, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và công tác đàm phán ký kết các hợp đồng nhập khẩu than, LNG cho các dự án nguồn điện.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh liên quan cùng với chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài, các nhà thầu thực hiện các nội dung theo nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình; chỉ đạo, phối hợp các ngành, địa phương liên quan giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện bồi thường hỗ trợ, di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án điện.
Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Đề án đặt mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến hiện đại
Đề án phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%).
Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.
Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-6 tỷ USD.
Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ cần thiết, như tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.
Thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ đối với các cơ sở chế biến tiêu thụ thủy sản trong nước, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến thủy sản.
Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cá ngừ, rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hoá dược.
Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản; tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến…
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công văn số 1084/TTg-NN ngày 17/8/2021 chấp thuận UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chuyển mục đích sử dụng 58,15 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai, cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư kinh doanh
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5609/VPCP-PL ngày 14/8/2021 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư kinh doanh.
Công văn nêu rõ, thực hiện Kết luận Hội nghị lãnh đạo chủ chốt tháng 7/2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, các đồng chí Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Kết quả kiến nghị của các địa phương đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn. Qua tổng hợp có liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ.
Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg gửi 10 Bộ trưởng các bộ yêu cầu rà soát, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, nghị định, thông tư còn lại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện nêu trên, Văn phòng Chính phủ gửi các kết quả rà soát, kiến nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ liên quan để tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định./.