THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

23

Ngày 28/9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn
quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công
năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình
Minh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung
ương. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí
Minh Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm
cầu địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu
năm đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
(461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550 tỷ đồng, đạt
47,38% kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân
vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố
hữu từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và
quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần,
chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất
đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn
đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các
công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn…
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất
hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn
đầu tư công. Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ
chức, bộ máy, nhân sự; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên
đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung
triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực
hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm
sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao
giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách,
hạn chế tiếp xúc như năm nay.
“Bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa
trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Mỗi bộ, cơ quan Trung
ương và địa phương sẽ là đơn vị trực tiếp đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất đối

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ : 080.44818 – 080.49195 – 080.43830
Fax: 080.43.829 – Email: thongtinbaochi@chinhphu.vn – Địa chỉ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
với từng dự án do bộ, địa phương thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận
định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải
pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn
để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo các nghị quyết
của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình
thường mới, hướng dẫn đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, người
nhiễm COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội
đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Các nhóm giải pháp khác là xây dựng, sửa đổi các quy định đang còn
chồng chéo, cản trở đến hoạt động đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin trong kiểm soát chi; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác
đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhận định, thời gian tới, trong bối cảnh dịch
diễn biến phức tạp, mùa mưa bão ở miền Trung và Tây Nguyên,… cần nhận diện
đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ
quan, tồn tại cố hữu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đẩy mạnh giải ngân đi đôi với
bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… Giải
pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là cần tập trung vào việc kiểm soát dịch
bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh
bình thường; thực hiện điều chỉnh ngay các vướng mắc về quy định pháp lý,
giảm thủ tục hành chính liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để
đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.
Các bộ, ngành, địa phương cũng nêu nhiều bài học kinh nghiệm đáng chú
ý, đồng thời nêu nhiều kiến nghị, đề xuất. Lãnh đạo nhiều địa phương khác đều
ủng hộ việc tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hiện luật mới cho
phép áp dụng với một số dự án lớn. Nhiều địa phương bày tỏ ủng hộ rất cao
quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc đẩy mạnh phân cấp,
phân quyền cho các địa phương.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ
tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện
dự án đầu tư cho biết, tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự
án, trong đó có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chỉ có 490 dự án khởi
công mới. Qua trao đổi, Tổ công tác đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy
định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa
phương. Một nguyên nhân khác là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài nên khi thực
hiện khó khăn, có dự án rồi thì lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết
cho các ban quản lý dự án, trong khi ban quản lý không đủ năng lực, “gặp
vướng mắc thì cứ để đấy, trông chờ”.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ : 080.44818 – 080.49195 – 080.43830
Fax: 080.43.829 – Email: thongtinbaochi@chinhphu.vn – Địa chỉ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nhiều ý
kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, quyết tâm rất cao khắc phục bằng được
những hạn chế, yếu kém, bất cập để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, đạt kết quả
giải ngân cao nhất có thể. Nhiều nơi cam kết sẽ giải ngân 100%.
Các ý kiến cũng cơ bản đồng tình với báo cáo trung tâm của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, đánh giá báo cáo đã phản ánh đúng thực trạng, đưa ra giải pháp sát
tình hình, khả thi. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ
các ý kiến, kiến nghị, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ để sớm ban
hành Kết luận về Hội nghị, tạo sự đồng lòng, thống nhất để các bộ, ngành, địa
phương thực hiện, phát huy hiệu quả nguồn lực rất lớn từ đầu tư công, góp phần
thúc đẩy tăng trưởng, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện rất
khó khăn hiện nay. Phải nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của
công việc này, của nguồn lực này, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm công tác này,
Quốc hội đã đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn,
vướng mắc về thể chế. Nghị quyết 01 năm 2021 của Chính phủ khóa trước và
Nghị quyết 45 năm 2021 – Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn đều
xác định giải ngân đầu tư công là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và
xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đặt mục tiêu
tới hết quý III giải ngân được 60%, đến hết năm đạt 90-95%; Thủ tướng đã ban
hành Công điện số 1082/CĐ-TTg tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra
việc giải ngân. Ngoài ra, các nghị quyết, văn bản khác của Chính phủ, Thủ
tướng cũng đề cập rất nhiều tới nội dung này.
Tuy nhiên, tới nay, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và thiếu thông suốt,
thiếu đồng bộ. Từ đó, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong
muốn và việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời. Chỉ có 04
bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan
Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước
(47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. “Phải thẳng thắn nhìn thẳng
vào sự thật, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn, giải pháp cụ thể hơn”, Thủ tướng
yêu cầu.
Tình hình trên có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19 diễn
biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo. Tuy nhiên, trong điều kiện chung, vẫn
có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, cho nên vấn đề vẫn là khâu tổ chức thực
hiện. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần phân tích kỹ hơn điều này.
Ông nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, biểu hiện ở một
số điểm: Xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải;
từ dàn trải dẫn tới thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và không đúng bản chất đầu
tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức
thực hiện có những nơi, những lúc thiếu tập trung, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ : 080.44818 – 080.49195 – 080.43830
Fax: 080.43.829 – Email: thongtinbaochi@chinhphu.vn – Địa chỉ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
thể, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc. Công tác giải phóng
mặt bằng còn vướng mắc, có nơi thiếu minh bạch, không làm tốt công tác tuyên
truyền, vận động người dân.
“Công tác giải phóng mặt bằng liên quan tới người dân nên cả hệ thống
chính trị phải vào cuộc, phải vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo,
dân làm”. Có nơi Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nên làm rất tốt”, Thủ tướng
chia sẻ với các địa phương.
Thủ tướng lưu ý, các quy định khi ban hành không thể bao phủ được hết
mọi góc cạnh của cuộc sống, trong quá trình thực hiện, những gì vướng mắc,
chưa đúng, chưa sát thì phải phát hiện kịp thời, nhanh chóng khắc phục. Việc
giải ngân vốn ODA chậm cũng do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng
nếu do chủ quan thì phải chỉ ra và khắc phục ngay.
Thủ tướng biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt
hơn 60%; đồng thời phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ
giải ngân dưới 40%. Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương
này kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt
hơn, xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ, thậm chí vi phạm thì phải xử lý,
đồng thời khen thưởng kịp thời, phân minh, rõ ràng, xử lý kịp thời, nghiêm
khắc, đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. “Khen chê rõ ràng, phân minh,
khách quan, xuất phát từ kết quả cụ thể, nếu không sẽ dẫn tới trì trệ”, ông nói.
Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhận
thức rất rõ bối cảnh sẽ rất khó khăn do đợt bùng phát dịch thứ 4 tác động rất
mạnh mẽ tới phát triển kinh tế, đời sống và sinh kế nhân dân. Chính vì thế, càng
phải tập trung khắc phục những hạn chế trong đầu tư công. Chính phủ, Ban chỉ
đạo quốc gia đã thống nhất lộ trình mở cửa nền kinh tế và phải thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Các địa phương căn
cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế để có lộ trình phù hợp, hiệu quả, mở cửa trên
tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa
phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nêu rõ: Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, còn hơn
50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ
lực, quyết tâm rất cao mới làm được. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã
nêu rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về công tác này. Thủ tướng nhấn mạnh
một số nội dung để các bộ ngành, địa phương quán triệt.
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tính chủ động, sáng
tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình trong tổ chức thực hiện của các cấp chính
quyền. Phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay
đến cuối năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng
điểm. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người
đứng đầu.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ : 080.44818 – 080.49195 – 080.43830
Fax: 080.43.829 – Email: thongtinbaochi@chinhphu.vn – Địa chỉ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
Thứ hai, phải giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa
phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương,
chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chống lãng phí.
Thứ ba, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nêu cao tinh thần trách
nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, đặc biệt là nêu cao tinh thần tự lực tự cường, coi
khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, khắc phục các hạn chế,
bất cập.
Các đại biểu cũng đồng tình với các giải pháp của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số giải pháp sau.
Thứ nhất, kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt
động đầu tư, sản xuất – kinh doanh, trong đó có đầu tư công; bình tĩnh, tự tin để
thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch
bệnh. Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tạm thời trên tinh thần theo địa
bàn, phạm vi, đối tượng nhỏ nhất, hẹp nhất có thể, nhanh nhất có thể, linh hoạt
nhất có thể. Trên cơ sở kiên định các nguyên tắc chung, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập
trung, thống nhất, chuyên sâu, xuyên suốt, các cơ quan, địa phương phải linh
hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nếu thực hiện các giải pháp khác với chỉ
đạo chung thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp để bảo đảm thống nhất, hiệu quả.
Thứ hai, việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công
trình trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước có hạn, phải
theo đúng tinh thần kết luận của Trung ương: Đầu tư công phải dẫn dắt và kích
hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội
cho đầu tư phát triển.
Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò người
đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp được thống nhất tại
Hội nghị trên cơ sở quy định của luật pháp và các nghị quyết của Chính phủ,
phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát để
xử lý vi phạm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, xem đây là một tiêu chuẩn đánh
giá cán bộ cuối năm. Đề cao tính kỷ luật kỷ cương, kịp thời phát hiện yếu kém,
tiêu cực để xử lý và tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.
Các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể để sớm hoàn thành việc
giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án khởi công mới, rà soát
kỹ, chủ động điều chỉnh vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt,
từ cơ quan, địa phương này sang cơ quan, địa phương khác theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nguyên
vật liệu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục chỉ
đạo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cần tham mưu tổ chức tốt việc này. Các
địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cần tranh thủ làm
ngay các thủ tục cho các dự án; sau ngày 30/9 có lộ trình phù hợp, hiệu quả, mở
cửa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh
để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ : 080.44818 – 080.49195 – 080.43830
Fax: 080.43.829 – Email: thongtinbaochi@chinhphu.vn – Địa chỉ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính.
Hệ thống hội nghị trực tuyến được kết nối tới cấp cơ sở trên toàn quốc, cho nên
thời gian vừa qua, Thủ tướng đã kiểm tra, làm việc tới tận cấp xã. Ông yêu cầu
các địa phương, bộ ngành tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ
gửi theo đường công văn, “các địa phương không phải cầm hồ sơ trực tiếp chạy
lên các bộ ngành Trung ương” để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà.
“Các bộ ngành, thành viên Chính phủ, các địa phương quán triệt tinh thần này,
tiết kiệm cho dân cho nước trong lúc này là rất cần thiết”, Thủ tướng nhấn
mạnh.
Trong số nhiều văn bản cần sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng lưu ý Bộ Tư
pháp thẩm định ngay trong tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu
ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về
quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian
kiểm soát thanh toán, rút vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài, không để tồn đọng
hồ sơ, xử lý kịp thời các vướng mắc về thanh quyết toán. Văn phòng Chính phủ,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tiến độ giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ
quan, địa phương trên Cổng Thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại
chúng để khen chê kịp thời, thông tin minh bạch, rõ ràng, các cơ quan, bộ ngành
thi đua, nhìn nhận tại sao thua kém các cơ quan, địa phương khác.
Với các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị và các vướng mắc về thể chế, Thủ
tướng yêu cầu tổng hợp, tiếp tục rà soát, những vấn đề thuộc thẩm quyền bộ,
ngành, địa phương thì chủ động, tăng cường phối hợp để giải quyết. Nội dung
nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì cơ quan chịu trách nhiệm phải tổng
hợp, trình Chính phủ giải quyết nhanh nhất có thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Những nội dung vượt thẩm quyền thì chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng,
trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xin chủ trương, trình Quốc hội,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể chế hóa, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ là nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chú ý việc lấy ý kiến
các cơ quan có liên quan để tạo đồng thuận cao. Việc phân cấp phân quyền,
Chính phủ sẽ làm ngay theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy
định.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đề nghị tách riêng khâu dự án giải phóng mặt
bằng ra khỏi dự án đầu tư. Việc này đã được áp dụng với các dự án cấp quốc
gia. Đây là bài toán thực tiễn đặt ra, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội khi chưa sửa
quy định thì cho phép thực hiện thí điểm với các dự án khác./.