Thủ tướng chủ trì Hội nghị đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

7

Ngày 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2023 của Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện, văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân đầu tư công ngay từ tháng 2/2023; các cuộc họp Thường trực Chính phủ, Phiên họp Chính phủ thường kỳ đều có nội dung về đầu tư công.

Đồng thời, duy trì hoạt động của 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Các tổ công tác đã làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Về kết quả đạt được, giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 389,7 nghìn tỷ (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).

Theo vùng, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ giải ngân bình quân cao (lần lượt là 82,25% và 73,87%).

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đặc biệt là tập trung phân tích nguyên nhân khiến giải ngân thấp ở một số đơn vị.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.

Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.

Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời.

Theo Thủ tướng, vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,… dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.

Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tính linh hoạt của việc giao chủ quản, điều tiết ngân sách giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương và Trung ương (như giao địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phường này hỗ trợ cho địa phương khác; giao địa phương làm chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn…); thiếu các hướng dẫn cụ thể đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ…

Có tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu thi công, nhất là thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Sau khi phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng).

Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”, phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Theo Thủ tướng, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đều xác định giải ngân đầu tư công là công việc trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã xác định cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực chính gồm đầu tư, xuât khẩu, tiêu dùng. Do đó, cần nêu cao trách nhiệm để góp phần thực hiện Kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, góp phần vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Về quan điểm chủ đạo, Thủ tướng nêu rõ, cần quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các nghị quyết, kết luận của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; chủ động, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công. Hoàn thiện chế tài để có công cụ hiệu quả hơn trong xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công (Chỉ thị số 08, Công điện số 749…); tăng cường kiểm tra, giám sát; duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác và cơ chế hằng quý thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, các tổ công tác đặc biệt do chủ tịch UBND các tỉnh làm tổ trưởng.

“Xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.

Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò quản lý nhà nước về đầu tư công, theo sát, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng thời gian quy định và triển khai kế hoạch ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả giải ngân hằng tháng, hằng quý, hằng năm.

Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát các vướng mắc liên quan giải ngân đầu tư công, nhất là về phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt qua hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án đường bộ cao tốc. Sớm có kết luận về việc sử dụng cát biển đắp nền đường.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường.

Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kiểm soát giá và bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là xăng, dầu, sắt thép.

Các Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay, phát hiện những nơi làm không tốt, các trường hợp lãng phí, tiêu cực./.

Theo CTTCP