Đây là nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tại buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam ngày 8/12.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Số người tham gia BHXH tăng nhanh, nhưng vẫn nhiều bất cập
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện số người tham gia BHXH đã tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương (trong 2 năm gần đây tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 10 năm từ 2008-2018).
Đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHXH tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020, đạt 16,202 triệu người (tăng 38,7 nghìn người), BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao), 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt hơn 90% dân số.
Việc kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức truyền thống với thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức điện tử giúp tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra, giảm số cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm hơn, từ năm 2017 tới nay đã từ chối thanh toán, giảm chi quỹ bảo hiểm y tế hơn 9.359 tỷ đồng…
BHXH đặt mục tiêu đến hết năm 2025, số người tham gia BHXH là 23,1 triệu, đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 18 triệu người, đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm y tế là 95 triệu người, bao phủ 95% dân số.
Đánh giá cao những thành quả của BHXH Việt Nam, tuy nhiên theo Thủ tướng Phạm Minh Chính một số quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ bất cập, cần tiếp tục được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Tốc độ gia tăng người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn chậm, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng, số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.
Cùng với đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ, chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm vẫn còn xảy ra. Việc giải quyết các chế độ, quyền lợi đối với người lao động còn khó khăn khi doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế nhưng giải thể, phá sản, chủ là người nước ngoài bỏ trốn do chưa có cơ chế xử lý đối với nợ của các doanh nghiệp này. Việc quản lý quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gặp khó khăn do cơ chế, chính sách…
Quản lý tốt quỹ BHXH, tăng cường chuyển đổi số
Liên quan đến công việc sắp tới, Thủ tướng đề nghị BHXH Việt Nam cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, trong bối cảnh nguồn lực, thời gian có hạn, tình hình phức tạp, công việc có những khó khăn, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng lưu ý, có thể lập tổ công tác để rà soát các vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt lưu ý việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH phải vừa bảo đảm quyền lợi của người đóng bảo hiểm, vừa bảo đảm an toàn, tăng trưởng và phát triển, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, vì lợi ích chung.
Thủ tướng yêu cầu tập trung, làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tạo nhanh chóng, thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách.
“Trong bối cảnh dịch bệnh thời gian vừa qua đã khẳng định điều này là hết sức quan trọng, khi chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người trong thời gian rất ngắn thì phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bảo đảm công việc nhanh chóng, chính xác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách BHXH.
3 khoản tiền người lao động có thể được nhận vào dịp Tết Nguyên Đán 2022
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài tiền thưởng Tết Nguyên đán như mọi năm, năm nay, người lao động có thể nhận thêm các khoản hỗ trợ khác.
Thưởng Tết
Theo quy định, doanh nghiệp chỉ phải thưởng Tết khi doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng Tết, thỏa ước lao động tập thể.
Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, dựa vào kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, doanh nghiệp sẽ chủ động xem xét thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít.
Ngoài việc thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp được phép thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc các hình thức khác. Thực tế, trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho nhân viên bằng hiện vật thay cho tiền mặt.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 570 Bộ luật Dân sự 2015, khi doanh nghiệp công khai hứa thưởng Tết cho người lao động thì bắt buộc phải có phần thưởng Tết này.
Lương tháng 13
Công văn 560/LĐTBXH-BHXH ngày 06/02/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định “lương tháng 13” là tiền thưởng. Thực tế, tại các đơn vị sử dụng lao động khác nhau sẽ có các trường hợp “lương tháng 13” khác nhau. Với nhiều doanh nghiệp, lương tháng 13 chính là thưởng Tết. Những trường hợp có thể xảy ra:
– Người lao động nhận đồng thời lương tháng 13 và thưởng Tết.
– Người lao động chỉ nhận được lương tháng 13 hoặc thưởng Tết.
– Người lao đông không nhận được bất cứ khoản thưởng nào.
Có nhiều cách xác định lương tháng 13, ví dụ như theo mức bình quân tiền lương trong năm của người lao động hoặc theo mức lương tháng 12 của người lao động.
Người lao động được chi lương tháng 13 nếu trong hợp đồng lao động với doanh nghiệp có quy định điều này.
Tiền hỗ trợ 300.000 đồng từ quỹ tài chính công đoàn
Trong dịp tết Nguyên Đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 146/KH-TLĐ về chăm lo thăm hỏi người lao động. Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được nhận mức hỗ trợ 300.000 đồng là:
– Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn
– Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Danh sách những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được chốt đến hết ngày 31/12/2021. Sau khi có danh sách, tiền hỗ trợ sẽ được công đoàn các cấp cùng với chính quyền địa phương trao đến tay người lao động.
Cũng theo kế hoạch 146/KH-TLĐ của Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngoài khoản hỗ trợ 300.000 đồng/người, một số hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, động viên đoàn viên và người lao động dịp Tết Nhâm dần 2022 cũng được thực hiện như thăm, tặng quà cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, người đang điều trị Covid-19; tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ/một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa người lao động về quê đón Tết và trở lại làm việc sau Tết…
Lâm Hồng (t/h)