Thích điện sạch thì phải giá cao, càng nhiều càng tốn tiền

48

“Chúng ta phải hiểu rằng khi tỷ trọng năng lượng tái tạo càng nhiều thì giá điện càng cao là đúng”, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời Bình Thuận nói.

Ngóng chờ cơ chế mới cho điện gió, điện mặt trời

Sau khi biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) cho điện mặt trời, điện gió chấm dứt, giờ đây, nhiều nhà đầu tư đang trông ngóng chính sách mới cho các nguồn điện này. Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, bày tỏ băn khoăn cơ chế nào để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

“Theo tôi, trong tương lai cơ chế giá FIT chỉ áp dụng cho dự án có quy mô công suất nhỏ, còn dự án lớn thì Bộ Công Thương sẽ tiến hành tính toán nhu cầu từng khu vực và toàn quốc, trên cơ sở đó nhà đầu tư phát triển dự án và đàm phán trực tiêp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, ông Vy phát biểu tại Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 26/11.

Giá FIT cho điện gió đã kết thúc vào 31/10/2021. Ảnh: L.Bằng

Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đấu thầu dự án năng lượng tái tạo, nhưng theo quan điểm của ông Vy, “đấu thầu rất khó”.

“Cơ chế này WorldBank và ADB đã hỗ trợ Bộ Công Thương mấy năm nay mà chưa triển khai được dự án nào. Để đấu thầu được, phải lập dự án, nghiên cứu ở cấp độ khả thi nên chi phí khá lớn. Nếu nhà đầu tư chưa được chọn thì không ai bỏ kinh phí thực hiện. Do đó, phải có cơ chế đàm phán trực tiếp giữa EVN và các nhà đầu tư trên cơ sở nhu cầu phát triển từng thời điểm”, ông Vy đề xuất.

Cũng băn khoăn về cơ chế cho điện mặt trời, điện gió khi giá FIT đã kết thúc, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân, cũng cho rằng cần có hướng dẫn về chính sách giá cho nguồn điên này.

“Giá FIT không áp dụng nữa thì cơ chế giá điện như thế nào cần làm rõ để nhà đầu tư biết. Chúng ta không thể kêu gọi nhà đầu tư vào khi họ không biết bỏ tiền ra thì thu về như thế nào; mặt bằng nhà đầu tư đã đền bù xong rồi thì đấu thầu thế nào… ”, ông Huân nêu loạt vấn đề còn vướng mắc.

Nhắc đến giá FIT cho điện gió, điện mặt trời thời gian qua, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức sáng kiến về chuyển đổi năng lượng, đánh giá: Đây là hai công cụ chính sách đã kích hoạt thị trường. Năm 2018, tỷ lệ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1% (công suất lắp đặt toàn hệ thống) nhưng năm 2021 đã tăng lên 29%. Điều này đã thu hút được nguồn tài chính lớn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Việc đa dạng hóa nguồn đầu tư đạt kỳ vọng như Chính phủ đề ra, tức đa dạng hóa nguồn đầu tư.

“Cuối năm 2020 giá FIT cho điện mặt trời kết thúc, cuối tháng 10 vừa rồi giá FIT cho điện gió cũng kết thúc. Trong 2 năm rồi, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan sau giá FIT sẽ là gì… nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa biết cơ chế đấu thầu thực hiện thế nào”, bà Ngô Thị Tố Nhiên băn khoăn và ủng hộ việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, không dựa quá nhiều vào nguồn điện mà nhiên liệu phụ thuộc nhập khẩu.

Nhiệt điện than đóng góp nguồn điện ổn định, độ tin cậy cao nhưng đang bị phản đối.

Năng lượng tái tạo vào càng nhiều, giá điện càng cao

Việc tăng cường nguồn điện gió, mặt trời tất yếu sẽ làm chi phí mua điện của EVN tăng, tạo áp lực lên giá điện bán cho khách hàng. Ngay các nhà đầu tư cũng nhìn nhận rõ vấn đề này.

Dù đánh giá thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam không thua kém các nước phát triển, nhưng ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió, mặt trời Bình Thuận cũng chỉ ra hai khác biệt lớn của Việt Nam với các nước.

Thứ nhất là lưới truyền tải của Việt Nam vừa trải dài, vừa thiếu, chưa có kết nối trong khu vực. Đó là khác biệt lớn với các nước phát triển. Thứ hai, bình quân giá bán điện EVN đang bán là 7,5-7,8cent/kWh (hơn 1.800 đồng/số). “Giá điện này so với các nước phát triển là vô cùng thấp, chỉ bằng 1/4. Hiện giá mua năng lượng tái tạo cao hơn nhiều so với giá bán, chưa kể chi phí truyền tải và phân phối”, ông Thịnh chia sẻ.

Hậu quả hai khác biệt này, theo ông Bùi Văn Thịnh, là dẫn đến việc EVN “càng mua năng lượng tái tạo càng lỗ”. Việc đầu tư thêm đường dây sẽ gặp khó khăn, hậu quả nhãn tiền là nhiều dự án điện gió dù kịp vận hành thương mại trước 1/11/2021 nhưng lại đối mặt với việc “cắt giảm công suất khủng khiếp”, khiến các nhà đầu tư điêu đứng.

Việc phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới, ông Bùi Văn Thịnh nghiêng về phương án tăng thêm đầu tư điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi vì “còn room khá nhiều”.

Làm thêm đường dây, thủy điện tích năng, đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng, nguồn điện linh hoạt,… là các giải pháp để điện gió, điện mặt trời ổn định hơn. Song ở phương án đầu tư nào thì cũng cần tính tới giá điện – một vấn đề ít được đề cập trong các tính toán phát triển điện gió, điện mặt trời.

“Giá điện có nhiều bất cập mà nhiều diễn đàn đã bàn luận. Xăng dầu, khí, than tăng giá rất nhiều, còn giá điện vài năm nay không tăng. Mỗi lần nói tăng giá điện là EVN bị đánh tơi bời. Như vậy, EVN lấy đâu ra nguồn lực để tái đầu tư, làm đường dây. Chúng ta phải hiểu rằng, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo càng nhiều thì giá điện càng cao là đúng”, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời Bình Thuận nói thẳng.