Thí điểm trả lương công chức theo hiệu quả công việc

54

 

Để đánh giá thực chất hiệu quả công việc của cán bộ công chức, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong có câu chuyện tiền lương.

Quy định bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ công chức có thể coi là một tin vui với nhiều người.

Tuy nhiên, để đánh giá thực chất hiệu quả công việc của cán bộ công chức, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong có câu chuyện tiền lương.

Báo Giao thông trao đổi với ông Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa UBND phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. So với quy định cũ, Nghị định số 89/2021 có những điểm mới quan trọng nào, thưa ông?

Nghị định số 89/2021 đã bỏ 2 hình thức bồi dưỡng: Tập sự và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm, đồng thời bổ sung hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

Theo đó, có 4 hình thức bồi dưỡng theo quy định hiện nay: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Nghị định số 89/2021 cũng bỏ 2 nội dung bồi dưỡng: Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế và Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ, đồng thời, bổ sung 1 nội dung bồi dưỡng: Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Như vậy, có 4 nội dung bồi dưỡng theo quy định hiện nay: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Việc không yêu cầu bắt buộc chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khác có hạ thấp tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức hay không?

Việc không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không hạ thấp tiêuchuẩn của cán bộ, công chức, viên chức mà để giảm chi phí, tốn kém, đồng thờithực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, đối với từng vị tríviệc làm sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện riêng về yêu cầu trình độ, nănglực ngoại ngữ, tin học.

Đồng thời, đối với việc tuyển dụng, nâng ngạch thì cánbộ, công chức, viên chức đã phải trải qua một kỳ kiểm tra về trình độ, kỹ năng.Quá trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, họ cũng đã được trang bịtrình độ tin học, ngoại ngữ.

Hiện nay, về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn,nghiệp vụ của công chức theo Thông tư số 02/2021/TT-BNV vẫn yêu cầu công chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ, không hạ thấp tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức.

Khi bỏ yêu cầu bắt buộc chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức thì Bộ Nội vụ có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đưa ra quy định để tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, viên chức?

Ngày 25/10/2021, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5355 đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, có thể nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Lùi cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (ngày 21/5/2018), một trong những cải cách về chính sách tiền lương dự kiến thực hiện là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm”. Lộ trình thực hiện việc này thế nào, thưa ông?

Theo mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ năm 2021, sẽ thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó có việc trả lương theo vị trí việc làm.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử hoặc bổ nhiệm) được trả lương theo chức vụ đảm nhiệm, giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau.

Mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới. Công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo được trả lương theo vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm.

“Việc trả lương theo vị trí việc làm theo chế độ tiền lương mới sẽ khắc phục tính bình quân, cào bằng, tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Theo đó, tiền lương dần trở thành nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Ông Lại Đức Vượng

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII xem xét việc lùi thời điểm thực hiện vào thời điểm thích hợp.

Theo ông, để thực hiện tốt việc trả lương theo vị trí việc làm, cần chuẩn bị những gì?

Chúng ta cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, trong đó có trả lương theo vị trí việc làm.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu tăng trưởng kinh tế, thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, tăng tỷ trọng thu nội địa, dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để bố trí nguồn cải cách tiền lương.

Phải tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển chọn, sử dụng, quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Ngoài việc thực hiện “trả lương theo vị trí việc làm”, chúng ta có nên thí điểm trả lương cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ số KPI (chỉ số đo lường hiệu suất công việc) để tránh hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”? Với điều kiện hiện nay khi nào có thể áp dụng được chính sách này?

Việc trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ số KPI có thể được thực hiện và nên thí điểm trước tiên ở các đơn vị sự nghiệp công lập, ví dụ như các cơ quan báo chí.

Theo ông, nếu đánh giá năng lực, xây dựng KPI với quan chức, cần bám vào những tiêu chí nào?

Hiện nay việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ.

Cách đánh giá này đã có những đổi mới; theo hướng thườngxuyên, cụ thể sát với vị trí việc làm hơn (theo từng tháng, quý, chấm điểm cụ thể).

Phải đánh giá cả năng lực, phẩm chất và uy tín; dựa vào kết quả, hiệu quảthực hiện từng công việc bằng những sản phẩm cụ thể, có tính định lượng.

Đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, căn cứ điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngườiđứng đầu có thể ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nội dung Quy chế phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có); căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc; tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung…

Cảm ơn ông!

PV (Báo Giao Thông)