Thành phố thông minh từ câu chuyện bóng đèn

28

Nếu áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, các đô thị của Việt Nam sẽ đảm bảo chiếu sáng tốt và có thể tiết kiệm từ 40 – 70% điện năng tiêu thụ.

Ông Huỳnh Vĩnh Khánh, Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre chia sẻ, trước tháng 7 năm 2020, Bến Tre vẫn sử dụng hệ thống chiếu sáng cũ là công nghệ halogen. Hệ thống này tiêu thụ điện năng lớn, tuổi thọ độ bền của đèn kém, chi phí bảo trì bảo dưỡng lớn. Trước khi triển khai dự án chiếu sáng thông minh, Bến Tre có 7.467 mẫu đèn được phân bố trên 89 tuyến đường. Thời điểm đó, các chỉ tiêu về độ chiếu sáng, độ chói không đồng đều, không đảm bảo chất lượng chiếu sáng cho người tham gia giao thông, đồng thời gây lãng phí điện năng.

 

Muốn giảm lượng tiêu thụ điện thì thành phố phải tiết kiệm 40% lượng đèn chiếu sáng trên các tuyến. Theo tiêu chuẩn chiếu sáng là 35m phải có một cột đèn, nhưng do tiết kiệm nên cứ 70m thì Bến Tre đặt một cột đèn.  Thế nhưng, mỗi năm Bến Tre vẫn phải chi trả 6,2 tỷ đồng tiền điện cùng với 3,5 tỷ phí quản lý bảo dưỡng.

 

Từ năm 2020, thành phố thực hiện dự án chiếu sáng thông minh sử dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thay thế 6.800 bộ đèn sodium, compact trên 70 tuyến đường chính và 13 tuyến đường trong các công viên. Hệ thống chiếu sáng này còn lắp đặt các thiết bị để quản lý giao thông thông minh, quảng cáo thông minh, điều hành xe bus theo thời gian thực và cảnh báo ô nhiễm môi trường.

 

“Sau khi vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh, các cột đèn được điều khiển từ xa, từ 11h đêm đèn sẽ giảm chiếu sáng để tiết kiệm điện. Theo đó, Bến Tre đã giảm được 50 – 60% điện năng tiêu thụ và mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3 tỷ”, ông Huỳnh Vĩnh Khánh nói.

 

Ứng dụng công nghệ để tiết kiệm điện năng

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, điện năng dành cho chiếu sáng ở Việt Nam đang chiếm khoảng 35% tổng năng lượng điện cung ứng, trong khi trên thế giới, lĩnh vực này chỉ chiếm 15-17%. Giải pháp tiết kiệm điện cho chiếu sáng vì thế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nếu áp dụng công nghệ vào chiếu sáng, Việt Nam sẽ giảm được lượng điện tiêu thụ đáng kể, có thể đạt với mức chuẩn của thế giới.

 

Theo thống kê của BKAV, văn phòng, nơi công cộng lắp đặt hệ thống thông minh tắt/mở tự động sẽ giúp tiết kiệm tới 40% tiền điện hàng tháng. Căn cứ kết quả nghiên cứu và nghiệm thu ở thành phố Trà Vinh năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nếu áp dụng hệ thống này trên quy mô toàn thành phố, chi phí tiết giảm được ít nhất là tương đương như trên. Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã thử nghiệm hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh tại Khu đô thị Đại học Quốc gia ở Thủ Đức, đường nội đô Khu công nghệ cao TP.HCM. Kết quả thu được bước đầu là hết sức tích cực khi tiết kiệm từ 50-70% điện năng so với đèn thủy ngân cao áp, tùy theo phương án điều khiển.

 

Cho đến thời điểm này, chưa có con số cập nhật chi tiết về tổng số tiền chi cho chiếu sáng đô thị của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào con số của TP.HCM sẽ thấy Việt Nam có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng từ việc ứng dụng công nghệ. Theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM năm 2017, điện năng cho chiếu sáng công cộng của TP.HCM lên tới 93 triệu kWh, tương đương với 180 tỷ đồng. Đây chỉ là số đèn chiếu sáng công cộng mà Sở GTVT quản lý. Nếu tính toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng tại TP.HCM, con số này có thể gấp đôi.

 

Rõ ràng là khi áp dụng giải pháp công nghệ chiếu sáng thông minh có thể tiết kiệm cho thành phố đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

 

Các đô thị vẫn chậm chân

Tại Việt Nam, Nghị định về quản lý chiếu sáng đô thị năm 2009 cũng như Luật Quy hoạch đô thị đã có quy định Quy hoạch chiếu sáng đô thị phải được lập thành đồ án riêng cho các đô thị trực thuộc Trung ương. Nhưng hiện nay chỉ có 3 đô thị thực hiện là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

 

Một số thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… đang trong quá trình xây dựng, triển khai thành phố thông minh và ứng dụng công nghệ IoT vào quản lý chiếu sáng công cộng là một phần không thể thiếu của hạ tầng đô thị. Nhiều nước trên thế giới yêu cầu bắt buộc phải có chiếu sáng thông minh khi xây dựng hạ tầng đô thị. Trong khi đó, việc triển khai hệ thống chiếu sáng thông minh tại Việt Nam giờ mới bắt đầu.

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi cho biết, chúng ta thường xuyên thấy những quãng đường hàng chục km rực sáng trong đêm kể cả khi không có phương tiện qua lại. Hệ thống chiếu sáng cũ đang gây nên sự lãng phí quá lớn bởi nó không thể kiểm soát việc tiết kiệm điện năng. Nếu mỗi cột đèn chiếu sáng có công suất 150 – 200W sẽ gây lãng phí điện năng biết bao nhiêu?

 

“Rõ ràng chiếu sáng thông minh đem lại hiệu quả cho các đô thị, song những nhà quản lý đô thị có muốn làm hay không mà thôi. Để giải quyết vấn đề chiếu sáng thông minh phải có quy định cho các dự án đô thị mới. Thành phố thông minh không phải là cái gì to tát mà chính là từ câu chuyện nhỏ như bóng đèn thông minh”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Theo Vietnamnet