(Xây dựng) – Tây Ninh – thành phố trẻ quê tôi, ai đã có dịp ghé thăm, chạy qua nhiều tuyến phố mới sẽ thấy nhiều hàng cây trồng trên vỉa hè. Dường như cây sao đen được lựa chọn để làm bóng mát cho công trình đô thị, đôi tuyến phố mới lác đác vài cây bằng lăng tím. Người ta đánh số để định danh cho tài sản quốc gia. Loài cây này, lúc nào cũng làm cho thành phố xanh mát bởi tán lá mùa nào cũng xanh tươi. Mùa hoa nở sau khi Tết Nguyên đán qua đi. Thật diệu kỳ!
Hệ thống cây xanh đan xen trục đường Cách Mạng Tháng Tám – kết nối từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến thị xã Hòa Thành và Tòa Thánh Tây Ninh. |
Thời tiết miền Nam bắt đầu vào mùa khô gay gắt. Những cơn mưa không còn nữa mà nắng nóng đã xuất hiện. Nắng ngự trị nơi phố thị thành đô. Người đi đường phải mặc áo chống nóng kẻo cháy sạm da. Nơi nào cũng lan tràn nắng. Nắng rải những đợt nóng suốt từ sáng đến tối ngày này qua ngày khác. Ai mới lần đầu ở nơi miền vùng khác tới hẳn khó chịu lắm chứ đừng nói gì tới người dân đã sống muôn đời nơi này. Nắng nóng như đổ lửa phả xuống mặt đất, thỉnh thoảng đón làn gió khô khốc cũng chẳng đủ mát cho ai. Chỉ khi ông mặt trời đi ngủ thì nhiệt độ hạ xuống và trời mát hẳn. Thời tiết mùa khô miền Nam là thế. Cây cối dường như cũng say nắng, gục mặt chết lâm sàng chờ chiều tối và đêm xuống uống sương lấy lại sức sống để hòa chung cuộc sống với nhiều loài khác. Nắng nóng là thế nhưng loài sao đen bên mỗi con đường trong thành phố lại đang trở mình bung hoa nở trắng cành mới lạ kì chứ!
Sáng nào thức dậy cũng vậy, tôi chạy bộ cho người khỏe khoắn, nạp khí trời, hít hơi thở buổi sáng đầy năng lượng căng tràn để làm việc cho hiệu quả một ngày thường nhật, cải thiện đôi chân rồi trị bệnh lười biếng vận động và cũng chẳng thèm để ý tới hàng cây bên hè phố là gì cả. Nhưng hôm nay thấy lạ, vừa đi, vừa ngước nhìn lên cao thì hàng cây sao đen ấy, hoa đã nở xốn xang như ai phủ một lớp sương rây bụi. Loài hoa ấy nở thì đã bước sang tháng ba. Tháng kết thúc mùa xuân chuẩn bị sang hè.
Loài hoa sao đen nở chẳng ai thèm ngợi ca chúng nhưng đối với tôi thì khác. Đã có một thời tuổi thơ dùng quả hoa sao làm trò chơi để tít mắt cười mỗi khi quả đó quay vòng quay rối rít trên không. Và bị người lớn đuổi khi dùng cây sào tre chọc phá làm chúng rụng xuống gốc vương vãi.
Cây sao đen thuộc chi Sao với nhiều tên gọi khác nhau. Tên một ái nữ hay là chàng công tử của đất nước nào nghe rất chi huyền thoại Mây Khen Hun lãng mạn. Và nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền ở Việt Nam: Sao Bã Mía, Sao Nghệ. Nhưng dù là tên gọi kiêu sa, điệu đà, huyền ảo và có là nàng này hay chàng gì thì cũng có tên khoa học là Hopea Odorata Roxb.
Cây sao đen là loại cây thân gỗ lớn, thuôn dài và cao khi đã trường thành. Vỏ cây màu đen và có những vết nứt dọc theo thớ thân cây khiến nó xù xì trông giống như ai đó mặc chiếc áo sậm điểm lằn muối của giọt mồ hôi trắng đã khô. Người ta quét quanh các gốc cây một lớp vôi trắng khoảng 1m cao để cho sâu đừng đục phá mà còn tạo nét đẹp trang nhã cho vẻ đẹp đô thị từng góc phố, vỉa hè.
Tán lá nhỏ nhưng rậm, cành lá xum xuê. Các cành nhánh khá to, dài và mọc thẳng đứng. Thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng với các loài cây khác. Cành non và cuống lá được phủ lớp lông mỏng mịn phơi mình trong nắng. Lá chẳng khi nào héo, lúc nào cũng tươi tốt. Trong những tán lá ấy là nơi trú ngụ lý tưởng của chim chóc khi tối về.
Lá sao đen thuôn dài, phía gần cuống tròn và đỉnh ngọn nhẵn. Mặt trên lá là màu xanh bóng, còn mặt dưới khá mịn. Lá có nhiều gân gồm gân chính nổi rõ và nhiều gân phụ song song nhau. Hai mặt lá lúc nào cũng khoác màu xanh. Cây sao đen cho luôn cả bóng mát trên hè đường phố. Dọc con đường Cách Mạng Tháng Tám từ cửa Hoà Viện (Toà Thánh Tây Ninh) chạy dài tới ngã tư đài phun nước đường 30/4 và ở nhiều tuyến phố khác, sao được trồng xen với những cây dầu để làm cảnh quan cho môi trường đô thị thành phố. Mùa này, những hàng sao hai bên đường đương trổ bông. Hoa sao khác hẳn với loài hoa khác. Dường như nở từng chùm, từng chùm giấu mình trong nách lá của cành cây. Hương thoảng lan xa, hễ vô tình dứng dưới gốc cây tránh nắng hay chờ xe buýt tuyến thành phố Tây Ninh đi Tân Hà hay Gò Dầu, Củ Chi thì ta sẽ bị dị ứng với mùi thơm của hoa. Những cái hắt hơi khó chịu mà phấn hoa bay vào mũi. Mùi thơm găn gắt, đậm bay xa, ong và bướm chẳng thèm ve vãn để hút mật mà thỉnh thoảng gặp loài ong giống như ong kiến càng lăng xăng bay bay, vờn vờn đôi cánh đập vào từng cành cây làm bụi phấn hoảng hồn rơi la đà. Hoa nở nhiều lắm li ta li ti như ai đó bốc cám gạo vãi tứ tung lên cây. Trông từ xa, cây nào cây nấy sáng trắng. Vài ngày thì rụng xuống mặt đường phủ trải quanh gốc cây. Chẳng ai thèm để ý, có khi nhà ai đó xịt nước cho đỡ bụi thì những bông hoa rụng ấy cùng dòng nước mất hút vào cống nước bên đường. Sáng ra lại rụng trắng gốc cây. Chả biết thế nào mà hơn một tuần rồi hoa vẫn chưa tàn cứ thế nở xốn xang. Lá thì thi nhau ra, hoa lại thi nhau nở. Lạ thật đấy!
Thời gian thấm thoắt trôi, chùm cám rụng xuống đường như trải thảm nhung thì cành cây cao kia, vô số chấm tròn như hằng hà sa số ấy ra quả. Một thứ quả khác với quả của loài cây cho trái. Hai cái tai như bé gái thắt bính thẳng đuột mới lạ. Bây giờ, quả chưa ra dài khoảng nửa tháng sau mới nhiều.
Cái nắng vẫn hòa chung với gió, hàng sao đen chuyển sang một màu xanh để ai đó thả hồn tiếc nuối khi hoa không còn nữa và chờ đến mùa sau lại cho một mùa hoa mới. Lại tràn lan màu trắng, đậm mùi hương nồng nàn hôn lên cánh mũi xinh xinh, chịu những cái hắt hơi bực bội với những người chịu không nổi vị thơm gắt khó quên của mùi hoa sao đen nở.
Tháng ba khó phai trong ký ức một thời vương vương dù có đi đâu xa cũng nhớ. Ôi! Hoa sao đen tên gọi mâu thuẫn lạ kỳ nhưng màu trắng đục như thế đó.
Phùng Văn Định