Rạng Đông và câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi sáu mươi

16

Khát vọng của Rạng Đông là sự chia sẻ, tạo ra cảm hứng “khởi nghiệp cùng Rạng Đông” đối với cả bên trong là cán bộ, kỹ sư, công nhân, kinh doanh và có thể với cả bên ngoài là đối tác, đại lý, người bán hàng, với cộng đồng khởi nghiệp số, đi cùng khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên và thời đại mới.

5 lần khởi nghiệp, những bước chuyển mình theo xu hướng thời đại

Ngày 24/2/1961, Phó Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ, ông Lê Thanh Nghị, cắt băng khánh thành Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Đây là một sự kiện mang dấu ấn lớn lao với ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam. Chiếc bóng đèn dây tóc mang nhãn hiệu Rạng Đông đã xuất xưởng, đến với người tiêu dùng Việt Nam kể từ những năm tháng đó.

53 năm sau, đúng 15h00 ngày 9/1/2014, tại cơ sở Hạ Đình, cũng là chiếc bóng đèn tròn nhưng với chip LED đầu tiên được xuất xưởng. Hôm đó cũng là ngày thành lập Xưởng LED – Điện từ và Thiết bị chiếu sáng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Với người bên ngoài thì sự kiện này không có gì đặc biệt, chỉ là dấu mốc khánh thành một dây chuyền sản xuất bóng đèn. Nhưng với người Rạng Đông và dân trong nghề chiếu sáng – hai chiếc bóng đèn tròn gắn liền với hai tầng công nghệ khác biệt. 53 năm để đi từ đèn tròn dây tóc Wolfram đến đèn tròn chip LED – đó là cả chặng đường dài chuyển đổi ngoạn mục các tầng công nghệ, là kết quả của sự chuẩn bị từ rất sớm. Như chiếc bóng đèn chip Led ra đời là kết quả của quá trình thai nghén từ năm 2008.

Có thể so sánh mỗi lần chuyển đổi là một lần Rạng Đông khởi nghiệp, chinh phục, làm chủ một tầng công nghệ mới, vượt qua một khúc ngoặt hay một biến cố, đạt được một thành tựu mới. Với tổ chức, mỗi lần chuyển đổi – tái khởi nghiệp, là một lần đội ngũ Rạng Đông trưởng thành, bước lên một đẳng cấp mới.

Trong lịch sử hơn 60 năm xây dựng, phát triển, Rạng Đông đã trải qua nhiều thời điểm “tái khởi nghiệp”. Có thể tóm tắt câu chuyện về những thời điểm quan trọng đó ngắn gọn như sau:

– Khởi nghiệp lần 1 – thực hiện sứ mệnh sản xuất thiết bị chiếu sáng dân dụng, góp phần tạo nền móng của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam. Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là 1 trong 13 nhà máy được Bác Hồ và Chính phủ chọn lựa xây dựng trong thời điểm hoà bình lập lại sau chín năm kháng chiến, khởi đầu của nền công nghiệp nhẹ Việt Nam.

– Khởi nghiệp lần 2 – Đứng lên từ đổ nát, sự tàn phá của chiến tranh. Những năm chiến tranh phá hoại trên miền Bắc, có thời điểm Rạng Đông phải vừa sản xuất vừa chiến đấu, di dời nhà máy sang Hưng Yên, về Hà Tây, sản xuất sản phẩm phục vụ thời chiến như đèn cho ô tô quân sự.

– Khởi nghiệp lần 3 – Vượt qua bờ vực phá sản, tự chủ và đi lên bằng nỗ lực vô song của người Rạng Đông. Đây là một chương bi tráng trong lịch sử Rạng Đông. Khi nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, do không có sự chuẩn bị từ trước, Nhà máy phải đóng cửa 9 tháng, tinh giảm hàng trăm lao động theo tinh thần “xuống bớt người để tránh việc con tàu đắm”. Lần tái khởi nghiệp này, Rạng Đông phải bước ra, làm quen với cạnh tranh, với thị trường, với khách hàng, với vô vàn điều mới mẻ, lạ lẫm chưa từng hình dung.

– Khởi nghiệp lần 4 – Làm chủ công nghệ chiếu sáng Led, xác lập vị thế dẫn đầu trong ngành chiếu sáng, hội nhập quốc tế, cổ phần hóa thông minh và nhân văn, trở thành mô hình có một không hai, “hiện tượng Rạng Đông”.

– Khởi nghiệp lần 5 – Chủ động và quả cảm trong tự làm mới, tự thay đổi, thực hiện Chuyển đổi số bằng lý luận và cách làm phù hợp. Ông Nguyễn Huy Dũng(*)[1], thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, lúc bấy giờ đánh giá: “Cách đây 3 năm, Rạng Đông khởi tạo một kỷ nguyên mới của mình bằng cách phê duyệt chiến lược chuyển đổi số Rạng Đông”. Ngay trong những ngày gian khó khắc phục hậu quả một biến cố lớn, Rạng Đông quả cảm “dò đá qua sông”, vừa làm vừa học, vừa nỗ lực tích luỹ thắng lợi nhỏ trong những chiến dịch tăng trưởng ngắn hạn, vừa mở rộng tầm nhìn về một kỷ nguyên mới hứa hẹn, quyết đoán trong chuyển đổi số để tạo ra mặt bằng tăng trưởng mới.

60 năm với 5 lần khởi nghiệp, Rạng Đông đi trọn một hoa giáp với nhiều thành tựu, trở thành hiện tượng, với hơn nửa thời gian trong đó, (hơn 30 năm), tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước cả về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Cứ mỗi lần chuyển tầng công nghệ, Rạng Đông lại tiến thêm một bước cơ bản và rất vững chắc, vượt qua được tình thế “sao đổi ngôi” mà ngay cả các công ty lớn cũng đã và đang gặp phải.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia phát biểu khi đến thăm và tặng Bằng khen về thành tích trong chuyển đối số giai đoạn 2020 – 2023 cho Rạng Đông: “Một doanh nghiệp công nghệ cứ mỗi 10 năm lại phải làm mới mình một lần, nếu không sẽ đến lúc buộc phải làm việc này. Nếu biết tự tái sinh mình, Rạng Đông sẽ trường tồn”.

“Tinh thần khởi nghiệp” qua thời gian, qua biến cố, qua sự học hỏi không ngừng, đã thấm vào máu trong từng cá nhân, trong đội ngũ các thế hệ người Rạng Đông. Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, có lần nói về Rạng Đông: “Mỗi lần đến Rạng Đông tôi lại thấy điều mới, lại được học hỏi thêm điều mới, cách làm khác”.

“Điều mới, cách làm khác” ở đây, bây giờ chúng ta đã có thể gọi tên đó chính là “tinh thần khởi nghiệp ở Rạng Đông”.

Khởi nghiệp ở tuổi sáu mươi, từ yêu cầu thời đại trở thành nhu cầu sống còn tự thân

Ở tầm quốc gia, Việt Nam đang đặt vấn đề cần nhận thức sâu sắc về cơ hội bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của “phương thức sản xuất số”. Ở Rạng Đông, ngay sau sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy (28/4/1964 – 28/4/2024), đội ngũ lãnh đạo đã khởi thảo, tổ chức thảo luận sâu rộng về Định hướng chiến lược 2025 – 2030. Trong đó, Rạng Đông đã đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ là cần nhận thức sâu sắc bối cảnh và tình hình mới để sớm xây dựng năng lực thích ứng những thách thức mới với những thay đổi lớn lao của thời đại mới. Mức độ cao hơn là xây dựng năng lực mới có thể biến thách thức mới thành cơ hội lớn tạo bước ngoặt phát triển cho doanh nghiệp tiến lên vị trí dẫn dắt

Rạng Đông xác định một hoa giáp đã qua là quá trình xây dựng, chuyển đổi, chuyển dịch để đưa công ty đến trước thềm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Còn ở năm khởi đầu của một hoa giáp mới này, công ty phải có bước chuyển mình. Chính vì vậy, lần khởi nghiệp thứ 6 này có ý nghĩa rất mới, rất khác với 5 lần khởi nghiệp trước đó.

Định hướng chiến lược xác định 4 đặc điểm nổi bật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của Rạng Đông, bao gồm:

– Ngoài 3 môi trường: tự nhiên, xã hội, nhân tạo, ngày nay xuất hiện môi trường số. Từ đó xác định 2 điểm cốt lõi: Sức mạnh công nghệ số là sức mạnh của thời đại cần được huy động mạnh mẽ trong cạnh tranh; Mô hình kinh doanh nền tảng và hệ sinh thái dựa trên nền tảng là con đường tất yếu.

– Ngày nay các ngành khoa học/ công nghệ đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số phát triển nhanh, mạnh, với tốc độ cao, vượt giới hạn hình dung. Sản phẩm vì thế thay đổi nhanh chóng, hiện tượng “Sao đổi ngôi” diễn ra nhanh chóng và liên tục.

– Loài người thức tỉnh vì sự phá hủy môi trường tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đề cao, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cao các giá trị con người, nhân văn là xu hướng của thời đại. Nếu đi ngược với xu hướng ấy, sẽ không được thị trường chấp nhận.

– Doanh nghiệp đứng trước những thách thức lớn từ VUCA, BANI, SMAC,… đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi lớn.

Bốn đặc điểm trên đây đặt ra yêu cầu bức thiết về việc phải liên tục “tái khởi nghiệp” ở cấp độ tổ chức, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải chủ động trong chu trình “phá hủy” và có lý luận, phương pháp phù hợp để “tái sinh”, nếu không sẽ bị lụi tàn, biến mất.

Ở tuổi sáu mươi và khởi đầu một hoa giáp mới, Rạng Đông, đứng trước một bước ngoặt mới, tiếp tục tái khởi nghiệp. Lần khởi nghiệp thứ 6 này mang nhiều ý nghĩa và nội dung mới so với những lần khởi nghiệp trong sáu mươi năm trước đây. Chúng tôi đề cập đến 5 điểm mới, khác biệt sau đây:

Một trong những điểm mới, điểm khác biệt đầu tiên nằm ở sự chủ động, trên nền tảng mới của thành tựu chuyển đổi số và quá trình tăng trưởng bền vững.

Trong lịch sử, có thời điểm công ty buộc phải “tái khởi nghiệp” trong bị động, như lần khởi nghiệp thứ 3, từ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường nhưng không có sự chuẩn bị từ trước. Thời điểm đó, để cứu con thuyền sắp đắm, Rạng Đông đã phải chọn giải pháp cho bớt người xuống thuyền, tinh giảm bộ máy, đội ngũ để tái cơ cấu và tồn tại, tìm cơ hội đi lên.

Tuy nhiên, lần khởi nghiệp thứ 6 này, Rạng Đông tiến hành với tinh thần chủ động. Không chỉ đội ngũ lãnh đạo cao nhất, đội ngũ cán bộ kỹ sư tinh hoa chủ động, mà chủ động trên toàn hệ thống, đến từng cá nhân cán bộ, công nhân, từ khối sản xuất, hỗ trợ cho đến bán hàng, tiếp thị.

Trạng thái chủ động trên toàn hệ thống, chủ động với toàn bộ đội ngũ trong tái khởi nghiệp lần này là điểm mấu chốt để củng cố niềm tin về sự thành công tiếp tục của Rạng Đông.

Có được sự chủ động đó, là nhờ Rạng Đông đã trải qua một thời gian đủ dài tiếp cận, lĩnh hội tri thức mới, xây dựng lý luận phù hợp và lựa chọn cách làm, phương pháp đúng đắn.

Điểm khác biệt thứ hai là dám thử nghiệm để tạo đột phá khẩu. Trong bối cảnh điều kiện khách quan và thậm chí cả nội tại không chắc chắn, Rạng Đông dám tiến hành các thử nghiệm đột phá tạo bước chuyển mới trong chiến lược sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Tháng 8 năm 2023, trong tài liệu về chuyển đổi số của công ty, đã đề cập rất căn bản về các bước đi, các bước thử nghiệm để tạo đột phá khẩu cho thời điểm năm 2025. Trong đó, Rạng Đông nêu bước đi về Mô hình chuỗi giá trị, từ Nhà cung cấp lên Đa kênh, nêu yêu cầu cần tiến hành từng bước, có trọng tâm, giành kết quả tích cực để tạo nền tảng và niềm tin cho bước đột phá tiếp theo. Giữa cuối năm 2023 tiến hành Chiến dịch thương mại hóa thành công HST SP/DV I-4.0+ với tinh thần thử nghiệm, có trọng tâm. Công ty xác định đây cũng là quá trình đào tạo đội ngũ lãnh đạo các cấp, đội ngũ chỉ huy thực chiến và đội ngũ nhân viên về kỹ năng, về văn hóa số, tạo ra môi trường, điều kiện và xây dựng ý thức, tiêu chí tự học, đào tạo trong công việc để trưởng thành từng bước theo các vòng lặp chuyển đổi Công ty. Đây cũng là tiền đề, nền tảng để Rạng Đông bước vào thời điểm khởi nghiệp lần thứ 6, chuyển đổi kép: Chuyển đổi số – Chuyển đổi xanh.

Điểm khác biệt thứ ba, là khát vọng của người Rạng Đông về tạo ra cái mới. Khi quá trình chuyển đổi số đạt được những thành quả cơ bản, tạo ra mặt bằng tăng trưởng mới, người Rạng Đông nhận ra mình đã đi qua khu rừng rậm và bắt đầu nhìn thấy ánh sáng của chân trời mới. Trạng thái này dấy lên trong tổ chức và từng cá nhân một khát vọng mới: Khát vọng và mong muốn tạo ra sản phẩm mới, độc đáo, hợp thời đại dựa trên sự làm chủ công nghệ mới, đưa sản phẩm mới đó đến người dùng với hình thức kinh doanh mới cùng với việc phát triển và xây dựng thị trường mới. Khát vọng vượt lên đã gắn bó với người Rạng Đông trong suốt lịch sử hơn sáu mươi năm, nhưng khát vọng “tạo ra cái mới” xuất hiện hôm nay chính là điểm khác biệt căn bản. Các nhà quản trị từng đúc kết, “vượt lên” là cảm hứng của lập nghiệp, còn “tạo ra cái mới” chính là tinh thần khởi nghiệp. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy từng định nghĩa khởi nghiệp là: “Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới”.

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, kỹ sư công nghệ ở Rạng Đông dần nhận thức rõ, muốn chuyển mình thành công, công nghệ là công cụ không thể thiếu, nhưng bao trùm lên tất cả là vấn đề con người và văn hoá. Ở một cơ sở công nghiệp truyền thống tiền Internet, có lịch sử lâu đời, những thành công của Rạng Đông có nền tảng từ việc giải quyết một cách phù hợp, nhân bản các bài toán khó ở những thời điểm bước ngoặt. Như thời điểm cổ phần hoá, cách làm có một không hai của Rạng Đông trong bài toán khó này đã tạo ra kết quả và một trạng thái mới có tính bước ngoặt. Cổ phần hoá đã chuyển câu chuyện, tâm thế, trạng thái và tinh thần khởi nghiệp ở quy mô tổ chức doanh nghiệp sang tinh thần và động lực khởi nghiệp trong từng người Rạng Đông, khi những người lao động thấy bản thân mình đồng thời cũng là cổ đông. Khát vọng tạo ra cái mới trong mỗi người có động lực, lợi ích và cơ sở chia sẻ sự thịnh vượng đang đến một cách cụ thể, rõ ràng, không phải là “bánh vẽ” hay là câu chuyện “phía trước có rừng mơ” để giải cơn khát một cách giả tạo. Tất cả hành động 4 Cùng: Cùng hướng nhìn, Cùng tấm lòng, Cùng làm, Cùng hưởng.

Điểm khác biệt thứ tư: Đổi mới sáng tạo đã trở thành một phần của văn hoá Rạng Đông mới. Sáng tạo ở Rạng Đông giờ đây là quá trình hiện thực hoá những ý tưởng theo cách bài bản, có phương pháp, có căn cứ khoa học, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành và thị trường. Rạng Đông quản trị hoạt động này bằng mục tiêu chiến lược, chương trình, kế hoạch của Công ty. Chính vì vậy, quá trình hiện thực hoá các ý tưởng là chuỗi hành động có tính hướng đích. Đổi mới sáng tạo đang lan toả ngày một sâu rộng trong hơn hai ngàn cán bộ, kỹ sư, nhân viên, công nhân của công ty, tạo ra giá trị mới, tạo ra mã văn hoá mới cho Rạng Đông. Cách đi riêng của Rạng Đông là bắt đầu từ tinh hoa đến đại chúng, từ ý chí lãnh đạo đến phong trào quần chúng, đẩy yêu cầu của bối cảnh tình hình, của công ty đến nhu cầu tự thân trong mỗi kỹ sư, công nhân, người bán hàng. Thời điểm “bước ra khỏi vùng an toàn” cũng chính là thời điểm “tái khởi nghiệp” ở quy mô cá nhân từng cán bộ, kỹ sư, công nhân, người bán hàng,…

Văn hóa truyền thống với bộ GEN 6T (bổ sung 3T mới) và 4 Cùng, “phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế” là nền tảng quan trọng cho quá trình tiếp biến văn hóa khởi nghiệp cho chuyển đổi số và chuyển đổi kép. 5 lần khởi nghiệp và tái khởi nghiệp trong lịch sử, trong đó có những thời điểm ngặt nghèo gần như không được lựa chọn, là hành trang tạo nên văn hoá và bản lĩnh của người Rạng Đông, hình thành tinh thần khởi nghiệp, có thể nói một cách hết sức tự nhiên trong đội ngũ.

Không thể kể hết những gian khổ trong 5 lần khởi nghiệp ở hoa giáp đã qua, cũng như rất khó để lường hết khó khăn, bất trắc trong lần khởi nghiệp thứ 6 này, nhưng như đúc kết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cũng rất đúng với những nhà khởi nghiệp Rạng Đông: “ Thuận lợi thường không tạo ra sự xuất sắc. Gian khổ thì có thể. Đã là doanh nhân thì không chọn sự dễ dàng. Vì sự dễ dàng tạo ra sự trung bình. Mà sự trung bình thì không tồn tại được trong cạnh tranh”.

Rạng Đông thường quả cảm chọn con đường gian khổ. Như cổ phần hoá với đa số cổ phần thuộc về tập thể. Như liên doanh với nước ngoài rồi tìm cách mua lại chứ không để bị thôn tính. Như tổ chức một “xã hội học tập” trong nội bộ, tổ chức đào tạo, xây dựng các trung tâm chuyển giao tri thức, nán đợi đội ngũ trưởng thành và cùng đi tới chứ không chọn cách sa thải, “thay máu” tàn nhẫn để mau chóng đạt tiêu chí doanh nghiệp công nghệ hay doanh nghiệp số. Đây cũng chính là đặc điểm văn hoá Rạng Đông mà chúng tôi cho rằng, cần đúc kết và bổ sung làm tài sản văn hoá tinh thần cho Rạng Đông trong hiện tại và tương lai.

Điểm khác biệt thứ năm, có thể nói quan trọng bậc nhất chính là Đội ngũ mới, với tinh thần mới, động lực mới của Rạng Đông.

Nói về thách thức của Rạng Đông khi tiến hành Chuyển đổi số, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có phân tích: “Thách thức của Rạng Đông là về chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chuyển đổi số, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là thách thức không chỉ với Rạng Đông mà với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam vì nhìn chung chúng ta đang ở trình độ công nghệ rất thấp. Bây giờ những doanh nghiệp sản xuất phải chuyển đổi sang hoạt động theo môi trường số là việc không hề dễ. Các doanh nghiệp dịch vụ đã khó rồi, nhưng những doanh nghiệp sản xuất như Rạng Đông còn khó gấp bội bởi vì phải đưa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình lên môi trường số, áp dụng những nền tảng công nghệ số mới, xây dựng cơ sở dữ liệu số và đưa các công nghệ thông minh, công nghệ số vào để có thể chuyển đổi toàn bộ hoạt động của mình.”

Bước sang giai đoạn Chuyển đổi kép (số và xanh), để vượt qua thách thức và chinh phục khát vọng cao hơn, Rạng Đông tập trung vào nguồn lực con người. Định hướng chiến lược của công ty chú trọng xây dựng nguồn nhân lực thế hệ mới, chuẩn bị mô hình tổ chức – hoạt động mới, kế thừa và phát triển bản sắc văn hóa Rạng Đông thời đại số. Trong đó bao gồm các điểm chính là:

  • Xây dựng Nguồn nhân lực thế hệ mới, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và nhân tài số.
  • Nâng năng lực số toàn công ty
  • Phát triển thế hệ kỹ sư kinh doanh công nghệ.
  • Chuẩn bị Mô hình tổ chức – hoạt động mới:
  • Dịch chuyển từ cấu trúc phân tầng chức năng sang cấu trúc mạng lưới phẳng phân lớp dựa trên các đội nhóm sáng tạo – tự chủ theo mô hình T-Shape, OKR, Agile.
  • Từng bước thúc đẩy tự chủ hóa, tiến tới hình thành công ty con trong tổng công ty, hoạt động theo mô hình nhóm công ty (group) hay tập đoàn.
  • Phát triển bản sắc văn hóa Rạng Đông trong thời đại số – văn hóa số gắn liền với đổi mới – sáng tạo, phát triển bộ Gen 6T + 3T của Người Rạng Đông.

Công ty từng bước đào tạo, tạo ra không gian, điều kiện và yêu cầu tự đào tạo để hình thành đội ngũ con người mới với tinh thần khởi nghiệp trong thời đại mới. Tạo không gian và nhu cầu mới cho từng người chinh phục những mục tiêu vượt giới hạn, cấy rễ khát vọng làm ra cái mới chưa từng biết, khởi nghiệp bên trong một tổ chức truyền thống đã có hơn sáu mươi năm tuổi.

Cùng với Quỹ đầu tư mạo hiểm, ở Rạng Đông đã bắt đầu có điều kiện hình thành không gian vườn ươm, tạo ra những mô hình khởi nghiệp ở quy mô cá nhân, tập thể ngay chính bên trong công ty. Cũng như 60 năm của hoa giáp trước, mỗi thế hệ đều khát khao kể câu chuyện của thế hệ mình, tạo ra di sản của thế hệ mình.

Lần khởi nghiệp thứ 6 này sẽ là hành động của toàn hệ thống, toàn đội ngũ, từng cá nhân, để tạo nên một Rạng Đông mới, một doanh nghiệp số và xanh. Điều hấp dẫn hơn nữa trong khát vọng của Rạng Đông là sự chia sẻ, tạo ra cảm hứng “khởi nghiệp cùng Rạng Đông” đối với cả bên trong là cán bộ, kỹ sư, công nhân, kinh doanh và có thể với cả bên ngoài là đối tác, đại lý, người bán hàng, với cộng đồng khởi nghiệp số, đi cùng khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên và thời đại mới.

Theo RALACO