Rạng Đông: Khi “đèn” ngày càng sáng

210

Trong 02 năm gần đây, bằng chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ và sự nỗ lực của 2200 cán bộ công nhân viên. Rạng Đông đã đạt được những kết quả ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận. Mục tiêu, Rạng Đông đặt kế hoạch doanh thu 17.000 tỷ đồng vào năm 2025, gấp 4 lần năm 2019, đây là mục tiêu không dễ thực hiện. Tuy nhiên, với những bước chuyển mình mạnh mẽ của một “hiện tượng” chuyển đổi số, tham vọng này hoàn toàn có cơ sở.

Tình hình kinh doanh của Rạng Đông trong 03 năm gần đây

Đơn vị tính: Tỷ đồng.

Chỉ số 2019 2020 2021 Quý I-2022
Doanh thu 4.266 4.921 5.709 1.782
Lợi nhuận trước thuế 161 423 501 128

Nhìn vào bảng kết quả doanh thu và lợi nhuận trước thuế ở trên có thể thấy được tình hình kinh doanh của Rạng Đông trong 03 năm vừa qua đã phát triển rất tốt. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 thấp mặc dù doanh thu trong năm 2019 vẫn tăng 635 tỷ đồng so với năm trước là do nguyên nhân khách quan. Bước sang năm 2020, Rạng Đông đạt 4.921 tỷ đồng doanh thu tăng 15,35% so với năm 2019 và 423 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 2,7 lần so với năm 2019.

Đến năm 2021, trong 5 tháng (từ ngày 27/4 đến 30/9/2021), đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nền đến khả năng sản xuất kinh doanh. Cơ sở I của Rạng Đông tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và cơ sở II tại Quế Võ (Bắc Ninh), 7 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam của Rạng Đông đều có tên trong những “vùng đỏ” thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, doanh thu 5/12 tháng bị suy giảm. Nhưng với sự nỗ lực, không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh, trong những tháng cuối cùng của năm 2021, toàn công ty đã bứt phá mạnh mẽ, đạt doanh thu quý IV/2021 tăng 21,3% so cùng kỳ và tăng 3,6 lần so với quý III/2021. Tổng kết doanh thu năm 2021 của công ty vẫn đạt 5.709 tỷ đồng.

Quý 1/2022, kết quả kinh doanh của công ty còn “sáng” hơn khi doanh thu của công ty tăng 16,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận thực hiện tăng 16,6%, nộp ngân sách tăng 11,4% so với quý 1/2021.

Ba năm vừa qua là  ba năm của đại dịch Covid, rất nhiều các công ty trên cả nước có tình hình phát triển kinh doanh đi xuống và thua lỗ. Tuy nhiên, bằng với những chiến lược phát triển, tiếp thu tri thức nhân loại để sáng tạo vận dụng thực tế, Rạng Đông đã trở thành một “hiện tượng” của chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay.

Quá trình chuyển đổi số tại Rạng Đông

Hình ảnh: Chuyển đổi số trong sản xuất diễn ra tại Rạng Đông

Đi sâu vào quá trình chuyển đổi số còn chưa có mô hình mẫu tại Việt Nam, trong hơn 02 năm vừa qua Rạng Đông đã tiến hành hợp tác với rất nhiều các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng ở cả trong nước và ngoài nước. Hiện Rạng Đông đã xây dựng nên 03 trung tâm nghiên cứu và phát triển gồm:   Lighting R&D Center, Digital R&D Center và nổi bật là Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương mại hóa HST- 4.0 trên các nền tảng số Flatforms (C4Led) vào tháng 2/2020. Đây là các trung tâm tri thức tiếp nhận và chuyển giao các nguồn tri thức từ Liên minh Chiếu sáng rắn quốc tế (ISA) mà  Rạng Đông là thành viên. Tổ tư vấn chiến lược chuyển đổi số của công ty có sự hỗ trợ của 12 giáo sư, phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực.

Rạng Đông đặc biệt coi trọng công tác xây dựng nhân sự, thể chế cho chuyển đổi số cũng như nâng cao năng lực Nghiên cứu & Phát triển, Đổi mới & Sáng tạo, năng lực thiết kế. Chính những điều này giúp DN chuyển từ gia công lắp ráp sang tự động hóa cao, làm chủ thiết kế, phát triển bằng khoa học công nghệ của chính mình.

Hiện nay, Rạng Đông còn xây dựng các phong trào, cơ chế khuyến khích cán bộ nhân viên nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo. Đó là: Phong trào “Thi đua lao động sáng tạo – Làm thỏa lòng Bác mong ”; tổ chức một năm hai lần chương trình “Ngày hội sáng tạo Rạng Đông Techday”; xây dựng trung tâm Sáng tạo ý tưởng mới với 8 nhóm hạt nhân… .

Để chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn trong tương lai, Rạng Đông đã xin phê duyệt đầu tư nhà máy công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với vốn đầu tư dự kiến 2.300 tỷ đồng. Dự án dự kiến sản xuất 100 triệu sản phẩm chiếu sáng xanh, thông minh và sản phẩm điện tử công nghệ cao, sử dụng khoảng 1.400 người lao động trong giai đoạn hoạt động ổn định. Theo tiến độ, nhà máy sẽ vận hành chạy thử và đưa vào hoạt động từ quý III năm 2024 đến quý I năm 2025.

Bằng tất cả sự nỗ lực và cố gắng ở trên, nền tăng trưởng 400% với mục tiêu doanh thu năm 2025 của công ty đạt 17.000 tỷ đồng gấp 4 lần năm 2019 là hoàn toàn có khả thi. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Cty Rạng Đông chia sẻ: “Tình hình bối cảnh mới, mục tiêu mới đòi hỏi tập thể người Rạng Đông phải có khát vọng lớn lao, nỗ lực phấn đấu gấp đôi gấp ba, phải “lăn vào mà làm”, tăng tốc để đạt mục tiêu bứt phá”.

Chuyển đổi số là thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp – 4.0, là phương thức phát triển mới trong thời đại số để vươn lên theo kịp các công ty tiên tiến trên thế giới. Hy vọng trong thời gian tới, những chiếc bóng đèn 4.0 Rạng Đông sẽ ngày càng “tỏa sáng” để hoàn thành các mục tiêu đề ra và Rạng Đông vẫn sẽ xứng đáng là một trong những doanh nghiệp “sáng” nhất của Việt Nam hiện nay.

  Đức Bình