Hệ thống cảng biển và hạ tầng đường thủy nội địa có vai trò to lớn đối với ngành kinh tế thủy sản trong giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao hiệu quả để phát triển hiện đại. Cuối năm 2021, Chính phủ có các quy hoạch chiến lược khơi mở tiềm năng đất nước, đưa đến nhiều kỳ vọng.
Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển
Ngày 22/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Về năng lực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.
Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Từng bước phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, phát triển cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ ĐBSCL.
Cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Theo quy hoạch, Hệ thống cảng biển gồm 5 nhóm. Phía Bắc là Nhóm 1 gồm 5 cảng biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Bắc miền Trung là Nhóm 2 gồm 6 cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Nam miền Trung là Nhóm 3 gồm 8 cảng biển ở Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận. Khu vực quanh thành phố Hồ Chí Minh là Nhóm 4 gồm 5 cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Long An. Vùng ĐBSCL là Nhóm 5 gồm 12 cảng biển ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển có 3 loại. Cảng đặc biệt có 2 cảng ở Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Cảng loại I có 15 cảng ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh. Cảng loại II có 6 cảng ở Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp. Cảng loại III có 13 cảng ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Trong đó, 3 cảng loại I ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và cảng loại III ở Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt.
Cảng Trần Đề với bến tàu cao tốc đi Côn Đảo
Quy hoạch hạ tầng đường thủy nội địa
Ngày 31/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách.
Theo đó, quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy. Gồm 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển); 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình và Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai); 4 hành lang khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh – An Giang – Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu – Tây Ninh – Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.
Quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km. Trong đó, miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km.
Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn; gồm miền Bắc có 25 cụm cảng với tổng công suất khoảng 199 triệu tấn, miền Trung có 8 cụm cảng với tổng công suất khoảng 9 triệu tấn, miền Nam có 21 cụm cảng với tổng công suất khoảng 153 triệu tấn. Bên cạnh, quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách; gồm miền Bắc có 10 cụm cảng với tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách, miền Trung có 14 cụm cảng với tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách, miền Nam có 15 cụm cảng với tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.
Khu vực ĐBSCL là vùng nông nghiệp và thủy sản quốc gia, với hơn 28.000 km đường sông, tiềm năng vận tải thủy nội địa rất lớn. Những vướng mắc chính ở ĐBSCL đã được quy hoạch định hướng tháo gỡ, đó là giao thông đường thủy đồng bộ với những phương thức giao thông khác, có sự gắn kết đặc biệt với hàng hải, và để khai thác tiềm năng cần đầu tư tập trung vào công trình trọng điểm. Quy hoạch đang ở ra kỳ vọng phát huy được lợi thế.
BOX
Thực trạng nhiều hạn chế
Hải Phòng có 14 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhưng mới 2 cảng được Bộ NN&PTNT chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác, thực trạng đang hạn chế khả năng gỡ thẻ vàng EU.
Tỉnh Bình Định nổi tiếng đánh bắt cá ngừ đại dương và cảng cá Tam Quan hàng ngày đón trên 400 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương được tập trung các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU. Hiện cảng cá Tam Quan chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản để khắc phục thẻ vàng, tổn thất sau khai thác còn 20%-25%, kỳ vọng đến năm 2024 mới có khu dịch vụ hậu cần chuyên dụng cho cá ngừ đại dương.
Vùng ĐBSCL chưa có cảng đảm nhiệm được vai trò trung tâm Logistic cho thủy sản xuất khẩu để khỏi phải chở đường bộ lên miền Đông Nam Bộ. Thế mạnh giao thông thủy chưa được đầu tư khai thác tương xứng, số liệu của Bộ GT&VT, thời gian qua vốn đầu tư đường thủy nội địa chỉ chiếm 2-3% ngân sách đầu tư cho giao thông.
SÁU NGHỆ