Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều

53

Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Nghị định số 03/2022/NĐ-CP nêu rõ hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng.

Xâm phạm công trình chống sạt lở bị phạt tới 50 triệu đồng

Trong đó, Nghị định quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tự ý vận hành hoặc cản trở sự vận hành của công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với hành vi neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai.

Hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai bị phạt tiền từ 8-15 triệu đồng.

Hành vi xây dựng công trình xâm phạm công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tới 50 triệu đồng.

Báo nạn giả để yêu cầu cứu hộ bị phạt từ 30-50 triệu đồng

Vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai, Nghị định quy định đối với hành vi biết người khác gặp nạn nhưng không thông tin kịp thời để lực lượng chức năng đến cứu nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không đủ điều kiện hoặc bất khả kháng.

Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi yêu cầu cứu hộ, cứu nạn nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận.

Còn hành vi báo nạn giả để yêu cầu cứu hộ đối với phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trên sông, trên hồ bị phạt từ 30-50 triệu đồng.

Đổ rác trong công trình thủy lợi bị phạt tới 80 triệu đồng

Trong lĩnh vực thủy lợi, Nghị định quy định hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bị xử phạt tới 80 triệu đồng.

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.