Quy định mới về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam

39

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 26/2022/NĐ-CP về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định này hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 về thủ tục chấp thuận viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận

Về nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự, Nghị định nêu rõ: Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Lãnh sự danh dự thực hiện một số hoặc toàn bộ chức năng lãnh sự quy định tại Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, theo sự ủy nhiệm của Nước cử và được Bộ Ngoại giao chấp thuận.

Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế mà nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nước cử và Việt Nam.

Lãnh sự danh dự có thể đồng thời thực hiện chức năng lãnh sự được Nước cử ủy nhiệm và thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại sinh lợi của cá nhân tại Việt Nam; phù hợp với quy định tại các điều ước quốc tế mà Nước cử và Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam.

Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Lãnh sự danh dự ngoài phạm vi thực hiện chức năng lãnh sự hoặc khi thực hiện các công việc kinh doanh, thương mại của cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam và không được sử dụng danh nghĩa lãnh sự danh dự cho hoạt động nghề nghiệp thương mại của cá nhân hoặc ngoài phạm vi thực hiện chức năng lãnh sự.

Tiêu chuẩn của ứng viên Lãnh sự danh dự

Người được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1- Có quốc tịch Nước cử hoặc quốc tịch Việt Nam. Trường hợp là người có quốc tịch của nước thứ ba hoặc người có hai hay nhiều quốc tịch thì phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao theo trình tự thủ tục quy định. Sự đồng ý về quốc tịch này có thể bị rút lại vào bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do. Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm thông báo đến Nước cử.

2- Thường trú tại Việt Nam hoặc đã cư trú, làm việc ít nhất 1 năm tại khu vực lãnh sự.

3- Không phải là cán bộ công chức, viên chức hoặc người lao động nhận lương từ ngân sách nhà nước của bất kỳ nước nào.

4- Bố trí trụ sở làm việc hoặc nơi cư trú trong khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự mà người đó dự kiến đứng đầu.

5- Có lý lịch tư pháp rõ ràng.

6- Có khả năng tài chính, uy tín trong xã hội.

Các trường hợp Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động

Nghị định cũng quy định Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

+ Thời hạn nhiệm kỳ hoạt động chấm dứt và Nước cử không thông báo về việc gia hạn tư cách Lãnh sự danh dự của người này.

+ Lãnh sự danh dự bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

+ Lãnh sự danh dự có nguyện vọng thôi không làm Lãnh sự danh dự và được Nước cử chấp thuận.

+ Lãnh sự danh dự bị Bộ Ngoại giao thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự. Việc thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự có thể được Bộ Ngoại giao thực hiện bất kỳ lúc nào mà không cần nêu rõ lý do.

+ Nước cử có công hàm thông báo Cơ quan lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động.

Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2022.