Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã ký Quyết định số 3/QĐ-HĐPH ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng này.
Quy chế này quy định về nguyên tắc hoạt động, phân công trách nhiệm các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (Hội đồng), mối quan hệ công tác, hoạt động của Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của Hội đồng.
Trong đó, về nguyên tắc và chế độ làm việc, Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo toàn diện của Chủ tịch Hội đồng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của thành viên Hội đồng và yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và Quy chế này.
Việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể, đúng quy định của pháp luật và Quy chế này, phù hợp phạm vi quản lý của thành viên Hội đồng. Hội đồng hoạt động thông qua các phiên họp, đoàn kiểm tra, thông tin, báo cáo hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.
Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên Hội đồng có thể huy động đơn vị, cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức mình quản lý hoặc nguồn lực hợp pháp khác để tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quy chế cũng quy định cụ thể quan hệ công tác giữa Hội đồng với các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Hội đồng cấp tỉnh. Theo đó, Hội đồng hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Hội đồng cấp tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương.
Các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương có trách nhiệm tạo điều kiện cho thành viên Hội đồng là đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng; thực hiện các nhiệm vụ của thành viên Hội đồng theo chương trình, kế hoạch hoạt động và phân công của Hội đồng.
Thành viên Hội đồng báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng với bộ, cơ quan, tổ chức nơi công tác; tham mưu, xin ý kiến của bộ, cơ quan, tổ chức nơi công tác về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Hội đồng.
Các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương không có đại diện tham gia Hội đồng cử đại diện tham gia các hoạt động của Hội đồng khi được mời.