Quảng Trị: Dấu ấn từ chuyển đổi số.

27

Năm 2021 được EVN chọn chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Không nằm ngoài xu thế chung của ngành, Cty Điện lực Quảng Trị đã đánh dấu một năm thúc đẩy chuyển đổi số khá toàn diện từ công tác điều hành quản lý đến hoạt động dịch vụ khách hàng trên địa bàn.

Chuyển đổi số trong nhận thức và tư duy

Ngay sau khi Cty Điện lực Quảng Trị có quyết định về kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2022, Công ty đã thực hiện ngay việc tuyên truyền, thay đổi tư duy và nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ CBCNV.

Cụ thể, Cty đã tạo chuyên mục Chuyển đổi số trên trang tin Công ty và mạng nội bộ để phổ biến các thông tin, kiến thức, tài liệu về chuyển đổi số nội bộ cho CBCNV. Các bài viết, tài liệu liên quan được cập nhật trên trang tin nội bộ, trong trụ sở Công ty. Các video clip về chuyển đổi số được trình chiếu tại các điểm công cộng tại trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc để tuyên truyền về nhận thức chuyển đổi số trong đội ngũ CBCNV.

Công ty tổ chức các lớp đào tạo về chuyển đổi số và giới thiệu về công nghệ số cho CBCNV và phát động tổ chức cuộc thi về “ý tưởng chuyển đổi số” để thu hút các cá nhân, đơn vị tham gia với nhiều ý tưởng hay, thiết thực. Trong đó, có các ý tưởng được đánh giá cao và đưa vào áp dụng như: nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới về xây dựng kho dữ liệu dùng chung, ứng dụng AI trong nhận diện hình ảnh, IoT phục vụ SXKD.

Kết nối người dân với ngành điện

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã mang lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện trên địa bàn. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Trị đã chỉ đạo đẩy mạnh các ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Đơn vị đã đưa vào sử dụng chương trình “phản ánh hiện trường ngành điện” lên ứng dụng Quảng Trị IOC, qua đó, giúp người dân trên địa bàn phản ánh về các dịch vụ điện một cách nhanh nhất, từ đó, ngành điện sẽ tiếp nhận và xử lý kịp thời cho người dân. Việc đưa vào sử dụng các chương trình này giúp người dân tiết kiệm thời gian, không phải đến các trụ sở làm việc của ngành điện. Giúp ngành điện thay đổi phương thức làm việc truyền thống trước đây khi phải tiếp nhận hồ sơ của khách hàng tại các điểm giao dịch. Từ đó kết nối được người dân đến gần hơn với ngành điện.

Ngoài ra, khi người dân có nhu cầu về dịch vụ điện như: cấp mới, thay đổi thông tin hợp đồng, thanh toán,…. Người dân trên địa bàn có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến như “Dịch vụ điện” trên ứng dụng Quảng Trị IOC hay dịch vụ cấp điện một cửa liên thông trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Tỉnh Quảng Trị.

Vừa hoàn thành xong ngôi nhà mới, chị Kô Kăn Sương, khu phố Tân Vĩnh – phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, phấn khởi cho biết: “Thông qua dịch vụ điện trực tuyến, tôi chỉ cần vài thao tác rất nhanh gọn trên điện thoại thông minh là có thể đăng ký được dịch vụ điện một cách kịp thời, chỉ sau chưa đến 2 ngày là nhu cầu của mình đã được ngành điện đáp ứng”.

Một năm nhìn lại

Đến thời điểm hiện tại, Công ty Điện lực Quảng Trị đã hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số do EVNCPC giao, đồng thời thực hiện thêm 05 nhiệm vụ mà Công ty tự đặt ra.

Dù kết quả còn khiêm tốn, nhưng có thể nêu một số thành quả cụ thể như: Phát động phong trào tham gia ý tưởng chuyển đổi số của EVNCPC với hơn 32 ý tưởng được đăng ký trong năm 2021, đạt hơn 100% kế hoạch; hoàn thành kết nối liên thông văn bản với chính quyền địa phương và cấp chứng thư số nội bộ cho các CBCNV có nhu cầu; áp dụng quy trình sửa chữa RCM/CBM cho thiết bị trạm biến áp 110kV, trạm biến áp phân phối, thiết bị đóng cắt trung thế (đạt 100%); số hóa công tác quản lý kho (đạt 100%);

Ngoài ra, đơn vị đã xây dựng thành công các ứng dụng như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động kiểm tra, phát hiện các bất thường đối với hình ảnh giám sát thi công công trình trên chương trình IMIS; xây dựng hệ thống theo dõi, cảnh báo trạng thái các thiết bị đóng cắt, trạng thái kết nối modem về trung tâm điều khiển.

Đồng thời xây dựng hệ thống thông báo/cảnh báo cho chương trình kỹ thuật an toàn đến các cấp để kiểm soát tốt hơn các phiếu công tác đến hạn, quá hạn; tự động cung cấp thông tin sản lượng điện sử dụng cho khách hàng; triển khai và hoàn thành kết nối hệ thống phản hiện trường điện cho người dân trên hệ thống đô thị thông minh của UBND Tỉnh; xây dựng hệ thống giám sát phòng máy thông minh.

Với những kết quả đã đạt được về chuyển đổi số trong thời gian qua, PC Quảng Trị sẽ không ngừng nổ lực để trở thành doanh nghiệp số trong thời gian tới.

                                                                                      Văn Thái-Đắc Bình