Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: đừng để 'lỗi nhịp' và trật luật

8

Về kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo các chuyên gia cho rằng dù chiếu theo quy định hay luật nào (Luật Đấu thầu, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng…) đều cần phải xem xét lại. Đó là chưa kể, kết cấu cầu mới phải mang những tiến bộ kỹ thuật hiện đại của công nghệ mới nhưng theo phương án đề xuất cầu này chỉ là loại cầu dầm hộp bê tông cốt thép, dây văng giả, còn hình thức chung lại “chia cắt đô thị…

Ngày 23.9 TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (THXDVN), đã chủ trì buổi toạ đàm trực tuyến “Góp ý về kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo” với sự tham dự của hơn 20 chuyên gia đến từ các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, kiến trúc, quy hoạch đô thị, kết cấu, vật liệu xây dựng… mong muốn nhận được nhiều tiếng nói khách quan, khoa học để góp ý cho UBND TP. Hà Nội về vấn đề này.

Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh dư luận xã hội đặc biệt là giới chuyên môn đang rất quan tâm và đã có nhiều ý kiến phản biện sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Cụ thể, hội đồng tuyển chọn đã có kết quả đánh giá xếp hạng ba phương án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đề xuất, trong đó phương án cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển với tên gọi “xứ Đông Dương” được chọn.

Thu phí cầu Trần Hưng Đạo: không khả thi!

Dự án cầu đường Trần Hưng Đạo nối dài qua sông Hồng có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km được kỳ vọng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn góp phần đẩy mạnh liên kết  nội vùng, phát triển kinh tế cho thủ đô. Vì vậy, nội dung đầu tiên được các chuyên gia quan tâm là hình thức đầu tư của dự án.

Các chuyên gia tham gia toạ đàm trực tuyến  “Góp ý về kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo”.

Theo ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký THXDVN), việc lựa chọn hình thức đầu tư BOT là không phù hợp. Những cây cầu vượt sông Hồng hiện nay không có cây cầu nào thu phí. Trong khi đó, dự án cầu Trần Hưng Đạo nằm trong nội đô lại sử dụng phương án PPP, loại hợp đồng BOT liệu có hợp lý? Bởi cầu từ điểm nối phía nam là ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), vượt sông sang điểm nối phía bắc là khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A trên trục đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) chủ yếu vẫn là giải quyết giao thông nội đô giữa hai bờ tả – hữu sông Hồng, không có ý nghĩa giao thông đối ngoại.

KTS Nguyễn Phú Đức thông tin thêm, rằng trong những tuyến metro hiện nay không có tuyến nào kết hợp đi vào cầu này. Mới chỉ dự kiến có tuyến chạy từ Cát Linh qua Ga Hà Nội, ra đường Trần Hưng Đạo rồi từ đấy qua cầu sang bên kia sông Hồng. Tuy nhiên đó cũng chỉ là dự kiến và chưa có trong quyết định số 1259 đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Hà Nội.

Đồng quan điểm với ông Phạm Thế Minh và các chuyên gia khác, GS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam và PGS-TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định chất lượng bộ Xây dựng, cũng khẳng định dự án cầu này không thể đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Lý do, đây là khu vực đô thị lõi của Hà Nội, người dân bình thường ở địa bàn quanh khu vực đi lại thường xuyên. Nếu thu tiền  sẽ dễ dẫn đến phân lưu sang các cây cầu khác.

Cũng theo các chuyên gia, với tổng vốn đều tư lớn (gần 9.000 tỷ đồng) dù có thu phí thì 20 năm cũng không khả thi và phát sinh những việc phức tạp sau thu phí…

Kiến trúc và kết cấu đều không đạt

Đại đa số các chuyên gia dự họp đều thống nhất ý kiến, rằng kiến trúc công trình phải mang dấu ấn thời đại và hài hoà với cảnh quan. KTS Nguyễn Phú Đức bác bỏ cái gọi là “kiến trúc xứ Đông Dương”. Ngoài ra ông cho rằng với độ cao của các trụ cầu (đặc biệt là trụ ở hai đầu cầu) cùng với độ chênh lệch thông thuỷ của cầu tạo những khối vật chất cao tám tầng nằm trong khu dân cư đầu cầu với những khu phố Pháp chỉ với hai hoặc ba tầng, thì không thể gọi hài hoà.

Cùng nhấn mạnh về tầm quan trọng của kết cấu và vẻ đẹp của nó, hai chuyên gia GS-TS Nguyễn Hữu Dũng và TS Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam, nêu quan điểm rằng kết cấu cầu mới phải mang những tiến bộ kỹ thuật hiện đại của công nghệ mới. Nhưng theo dự án cầu này chỉ là loại cầu dầm hộp bê tông cốt thép, dây văng trang trí (giả), còn hình thức chung lại “chia cắt đô thị”. Nhìn chung phương án cầu được lựa chọn chưa thể hiện được thời đại xây dựng, cũng như văn minh công nghệ trong xu hướng xây dựng.

Về khẩu độ thông thuyền của cầu là 9,5m, theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội Cảng – Đường thuỷ, là có thể  đảm bảo, tuy nhiên cần xem xét tại sao không phải trên 11m để thống nhất cao độ với các cây cầu xung quanh nó?

Theo GS-TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch THXDVN, để đánh giá được công trình có cản lũ hay không cần có được cụ thể số lượng mố cầu, các thông số kỹ thuật, khoảng cách các trụ… thì mới có thể tính được, tất nhiên trong điều kiện vị trí xây dựng cầu đã phù hợp với quy hoạch thoát lũ khu vực sông Hồng đi qua Hà Nội.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng – kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển “Xứ Đông Dương” gây tranh cãi. Ảnh: TEDI

Tiếp ý kiến GS-TSKH Phạm Hồng Giang, ông Trần Trung Chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng quy hoạch thoát lũ sông Hồng khu vực này có thể là “vấn đề mắc mớ nhất”, đặc biệt với trường hợp vị trí cầu xây gần bờ sông Hồng hơn các cầu mới xây khác. Do đó cần phải tham vấn các bên quy hoạch giao thông (thủy bộ), nhất là Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn 2050 không chấp nhận một số công trình và đề xuất của Hà Nội do thuộc không gian thoát lũ. Có nghĩa, việc xây cầu còn cần xem xét nó trong mối quan hệ quy hoạch của ba lĩnh vực: thuỷ lợi, giao thông bộ – thuỷ và đô thị, rằng quy hoạch nào có vai trò dẫn dắt các quy hoạch còn lại?

Những câu hỏi về pháp lý

Một vấn đề được các chuyên gia lưu ý và đưa ra thảo luận tại tọa đàm đó là về nội dung pháp lý của dự án cầu Trần Hưng Đạo, cụ thể là về lựa chọn nhà đầu tư và về phước thức “tuyển chọn” hay phải “thi tuyển” phương án thiết kế.

Theo PGS-TS. Trần Chủng thì về phương thức đầu tư cần xem xét liệu có sai luật hay không ngay từ quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về tính khả thi khi vận dụng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), đặc biệt là khi áp dụng hình thức hợp đồng BOT cần tính toán kỹ phương án tài chính của dự án bởi việc phân lưu giao thông sang hai cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy liền kề ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu phi để hoàn vốn trong vòng 20 năm. Theo PGS-TS Trần Chủng dù trong báo cáo có dẫn sử dụng điều 36 Luật Đầu tư nhưng điều luật cũng nói là phải thực hiện điều 37 – tức là phải đấu thầu rộng rãi. Không chỉ vậy cần xem xét liệu với cách làm hiện nay có vi phạm nghị định 32 về tuyển chọn nhà đầu tư hay không?

Với việc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc, PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, viện dẫn Luật Kiến trúc cũng như Nghị định 85 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Kiến trúc mới ban hành ngày 17.7.2020, quy định: Cầu đô thị, các điểm nút điểm nhấn trong đô thị phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc. Tiếp ý kiến của ông Hải, ông Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – VNCC (Bộ Xây dựng), cũng chỉ ra: “Tại điều 17 của Luật Kiến trúc đã quy định hình thức lựa chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng cầu đô thị cấp II đã phải thi rồi, chưa nói đây (cầu Trần Hưng Đạo) lại thuộc công trình giao thông thuộc đô thị cấp đặc biệt”.

PGS-TS Trần Chủng cũng khẳng định thêm, điều 81 của Luật Xây dựng trong đó quy định thi tuyển và tuyển chọn, nhưng trường hợp này ta thấy rõ là ba phương án cầu đã có sẵn và chỉ cần tuyển chọn. “Ai cũng thấy rõ ràng đây là một công trình đặc biệt, như vậy thì phải thi tuyển. Mà thi tuyển thì cần phải có đầu bài, có tiêu chí và thành lập hội đồng với nhiều đơn vị tham gia”, nguyên Cục trưởng Cục giám định chất lượng bộ Xây dựng, nhận định.

Đồng tình với những ý kiến đóng góp trên, các chuyên gia thống nhất quan điểm việc lựa chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cần tổ chức “thi tuyển”. Không nên vận dụng hình thức “tuyển chọn”. Điều này rất quan trọng bởi hiện nay UBND TP. Hà Nội vẫn chưa có quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo.

Kết luận buổi tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng thay mặt Đoàn chủ tịch THXDVN chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Ông trân trọng  tiếp thu và thông báo sẽ  sớm có văn bản  chuyển tải ý kiến các chuyên gia gửi tới lãnh đạo TP. Hà Nội để giúp chính quyền thành phố nghiên cứu, làm tốt công tác chuẩn bị cho một dự án quan trọng của Thủ đô.

Nằm trong Quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259, cầu đề xuất có tên Trần Hưng Đạo là một trong 18 cây cầu bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận dự án đầu tư theo phương thức BOT theo tỉ lệ 50/50 và dự kiến thời gian hoàn vốn là 20 năm.

Về kiến trúc, ba phương án thiết kế đưa ra chọn một đều thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu thực hiện với tên gọi phương án 1: Người chủ soái; Phương án 2: Cánh hạc bay và Phương án 3: Xứ Đông Dương. Cụ thể, phương án 1 được 1/15 thành viên Hội đồng tuyển chọn; phương án 2 được 1/15 thành viên Hội đồng tuyển chọn và phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng tuyển chọn và đang chờ thành phố phê duyệt.

Trước đây, UBND Thành phố đã có chủ trương giao Công ty cổ phần Him Lam nghiên cứu, đề xuất Dự án theo hình thức BT. Do hiện nay, việc đầu tư theo hình thức BT đã bị bãi bỏ, đồng thời UBND Thành phố chưa dự kiến đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Vì vậy, Công ty cổ phần Him Lam đề nghị giao lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức BOT là phù hợp. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Dự án do nhà đầu tư đề xuất phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đàm phán cạnh tranh theo quy định tài Điều 37 hoặc Điều 38 của Luật này – Trích CV số 2926 của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND thành phố Hà Nội về đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) ngày 6.7.2021.

Lệ Quyên lược ghi (NĐT)