Phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

11

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Cần Thơ bao gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.440,40 km2, gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 05 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 04 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh).

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

Cần Thơ phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng.

Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp – xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11 – 15%/năm.

Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.

Theo hướng phát triển, Cần Thơ phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế của địa phương.

Đẩy nhanh hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai – Cờ Đỏ; đô thị – công nghiệp – cảng – logistics Thốt Nốt; Trung tâm năng lượng, công nghiệp – công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An.

Hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng

Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng.

Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các dịch vụ được ưu tiên phát triển như logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa – thể thao.

Phát triển bền vững nông nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp và thủy sản phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành.

Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông – thủy sản chuyên canh đạt tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phối hợp nguồn lực, phát triển toàn diện mọi mặt của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn…

Theo CTTCP