Phê duyệt Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo

44

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/1/2022 phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 – 2026”.

Theo Quyết định, đối tượng làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo gồm:

  1. a) Công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
  2. b) Cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo thuộc các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quân đội.
  3. c) Cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã.

Đề án được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó chú trọng vùng trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo.

Mục tiêu của Đề án là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đề án nêu rõ, phấn đấu thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo đối với 100% công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương; 80% công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng ở cấp tỉnh, cấp huyện; 80% cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã…

4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Để đạt được mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 4  nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm:

  1. Nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo. Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo gồm: nội dung chương trình; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng loại đối tượng và cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
  2. Xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng: Xây dựng 03 khung chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, gồm cơ bản, chuyên sâu và kỹ năng, nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo theo vị trí việc làm.
  3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng: Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp huyện, cấp xã.

  1. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên: Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, quản lý; có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Đề án thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2026. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.